Gia Lai: Nhiều địa phương gặp khó trong trồng rừng

Theo kế hoạch năm 2023, tỉnh Gia Lai sẽ trồng 8.000 ha rừng gồm: 6.278 ha rừng sản xuất, 120 ha rừng phòng hộ, 30 ha rừng đặc dụng và 1.572 ha cây phân tán. Song đến nay, toàn tỉnh mới trồng được hơn 5.210 ha rừng (đạt 65,1% kế hoạch), trong khi tại khu vực phía Tây tỉnh đã kết thúc thời vụ trồng rừng năm 2023.

Trồng rừng tập trung đạt thấp

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, tính đến ngày 15-11, toàn tỉnh mới trồng được hơn 5.210 ha rừng (3.061 ha rừng sản xuất, 75 ha rừng phòng hộ và 2.074 ha cây phân tán), đạt 65,1% so với kế hoạch đề ra. Trong đó, một số đơn vị trồng rừng đạt thấp như: huyện Chư Pưh đạt 22,74% kế hoạch, huyện Krông Pa đạt 31,54% kế hoạch, huyện Đức Cơ đạt 29,54% kế hoạch, thị xã Ayun Pa đạt 49,85% kế hoạch, Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Meur đạt 26,58% kế hoạch, Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Púch đạt 36,2% kế hoạch, Ban Quản lý rừng phòng hộ Ya Ly đạt 35,8% kế hoạch, Ban Quản lý rừng phòng hộ Chư Sê đạt gần 30% kế hoạch. Đáng chú ý, một số ban quản lý rừng phòng hộ (Ia Sai, xã Nam, Ia Tul) và các doanh nghiệp chưa triển khai công tác trồng rừng.

Đoàn giám sát của HĐND tỉnh và huyện Đức Cơ kiểm tra diện tích rừng trồng của người dân xã Ia Din. Ảnh: L.N

Năm nay, Ban Quản lý rừng phòng hộ Chư Sê được giao trồng 23,3 ha rừng sản xuất. Đến nay, đơn vị mới trồng được gần 9 ha, đạt gần 40% kế hoạch. Ông Đinh Mạnh Phong-Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Chư Sê-cho biết: “Đến thời điểm hiện tại chưa có hộ dân đăng ký trồng rừng. Nguyên nhân do các hộ dân có đất trên địa bàn chủ yếu là người dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn, không có kinh phí trồng và chăm sóc rừng, trong khi đó mức hỗ trợ trồng rừng còn thấp. Kinh tế của các hộ dân chủ yếu phụ thuộc vào trồng cây nông nghiệp ngắn ngày, trong khi trồng rừng có thời gian dài nên người dân không đăng ký tham gia. Ngoài ra, một bộ phận lao động trẻ tại địa phương đi làm ăn xa, lực lượng lao động còn lại chủ yếu là người già nên công tác trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn”.

Tương tự, ông Thái Thượng Hải-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Chư Sê-cho hay: Theo kế hoạch năm 2023, huyện được giao trồng 112,5 ha rừng tập trung và 100 ha cây phân tán. Ngay từ đầu năm, Hạt Kiểm lâm phối hợp với UBND các xã có rừng tích cực tuyên truyền, vận động người dân tự nguyện kê khai, đăng ký trồng rừng; rà soát diện tích đất đủ điều kiện để trồng rừng. Tuy nhiên, các hộ dân không mặn mà với việc trồng rừng. Đến nay, huyện mới trồng được 80,1 ha rừng (2 ha rừng trồng tập trung trong quy hoạch và 78,1 ha rừng trồng tập trung ngoài quy hoạch).

“Sở dĩ việc trồng rừng trong quy hoạch của huyện đạt thấp bởi phần lớn diện tích đăng ký là của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn nên họ không có khả năng tự bỏ kinh phí trước để mua cây giống; kinh phí hỗ trợ trồng rừng cũng còn thấp. Thêm vào đó, những diện tích rừng trồng giai đoạn 2017-2021 bị chết hàng loạt do nắng nóng kéo dài, tầng đất mỏng không đủ dinh dưỡng cho cây phát triển. Một số ít cây còn sống thì khi thu hoạch không mang lại hiệu quả kinh tế do không có đường vận chuyển, không có nhà máy thu mua nguyên liệu tại địa bàn huyện. Đối với công tác trồng rừng năm 2021 và 2022, người dân tự bỏ kinh phí để mua cây giống, sau đó nghiệm thu đạt tỷ lệ cây sống từ 85% trở lên mới được hỗ trợ. Thực tế, những diện tích rừng này khi nghiệm thu, tỷ lệ cây sống đạt 10-30%, không đủ điều kiện để được chi trả kinh phí ban đầu bỏ ra mua cây giống. Điều này khiến việc vận động người dân trồng rừng gặp nhiều khó khăn”-ông Hải thông tin thêm.

Hạt Kiểm lâm huyện Chư Sê tuyên truyền người dân về công tác quản lý bảo vệ và trồng rừng. Ảnh: L.N

Còn tại huyện Chư Pưh, đến thời điểm hiện tại mới triển khai trồng được 86,1 ha rừng sản xuất (đạt 22,74% kế hoạch) trong khi lịch thời vụ trồng rừng đã kết thúc. Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Minh Tứ lý giải: Công tác trồng rừng trên địa bàn huyện từ năm 2017 đến nay không hiệu quả, tỷ lệ cây sống không quá 30%. Những diện tích quy hoạch trồng rừng thường nằm xen kẽ các đồi đá dẫn đến tỷ lệ cây chết cao. Chính sách hỗ trợ trồng rừng thấp, trong khi 90% người tham gia trồng rừng là đồng bào dân tộc thiểu số phải bỏ kinh phí ra trước để đầu tư trồng rừng, sau đó nghiệm thu thành rừng mới được hỗ trợ.

Nguyên nhân rừng trồng bị chết, kém phát triển chủ yếu là do nắng hạn, sâu bệnh, thổ nhưỡng không phù hợp. Diện tích trồng rừng manh mún, phân tán. Thời gian trồng rừng dài nên người dân không có nguồn vốn để quay vòng. Nguyên nhân cơ bản nhất đó là trồng rừng không hiệu quả do cây sinh trưởng phát triển tốt chỉ ở 1-2 năm đầu, sau đó bắt đầu có hiện tượng héo ngọn và chết dần. Những cây còn sống thì khi thu hoạch chất lượng cũng không cao dẫn đến người dân trồng bị thua lỗ.

Nói về những khó khăn, vướng mắc trong công tác trồng rừng tập trung trong quy hoạch, ông Nguyễn Anh Vũ-Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Púch (huyện Chư Prông) cho biết: Năm 2023, đơn vị được giao kế hoạch trồng 50,2 ha rừng nhưng đến nay mới trồng được 18,2 ha. Nguyên nhân không đạt kế hoạch là do người dân trong khu vực chủ yếu là đồng bào Jrai, trình độ dân trí hạn chế nên việc tuyên truyền bà con trồng rừng trên đất canh tác nông nghiệp thuộc quy hoạch lâm nghiệp rất khó khăn.

Bên cạnh đó, hiện chưa có mô hình trồng rừng hưởng lợi điển hình trong khu vực để người dân học hỏi. Mức hỗ trợ quá thấp nên người dân cũng không mặn mà với công tác trồng rừng. Ngoài ra, sản phẩm chưa được bao tiêu, giá thu mua thấp… nên hầu hết người dân đều không muốn tham gia trồng rừng thay thế nương rẫy.

Cần giải pháp căn cơ

Theo các địa phương, đơn vị, để công tác trồng rừng đạt hiệu quả cao, các cấp, các ngành cần xem xét nâng định mức hỗ trợ cho 1 chu kỳ trồng rừng; có chính sách hỗ trợ đối với những hộ dân tự bỏ vốn trồng rừng trên diện tích nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng; nghiên cứu trồng thử nghiệm một số loài cây lâm nghiệp phù hợp với đất rừng của các địa phương để bổ sung vào cơ cấu cây trồng trong quá trình phục hồi rừng…

Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh cho rằng: Huyện khuyến khích người dân đối với những diện tích đất phù hợp thì trồng rừng cây gỗ lớn để tính vào tỷ lệ che phủ rừng và làm chứng nhận để sau này xuất khẩu. Đồng thời, kêu gọi các doanh nghiệp liên kết với người dân trồng rừng theo phương án hỗ trợ vốn cho người dân trồng, chăm sóc sau đó thu mua lại sản phẩm. Làm như vậy mới đảm bảo được mục tiêu trồng rừng. Ngoài ra, huyện cũng sẽ đưa vào đánh giá xếp loại các địa phương không đảm bảo chỉ tiêu trồng rừng theo kế hoạch vào cuối năm.

Còn theo Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Chư Sê, cần nâng mức hỗ trợ trồng rừng cho người dân, ít nhất là bằng với mức hỗ trợ của Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (7 triệu đồng/ha/chu kỳ); bố trí kinh phí tạm ứng mua cây giống hoặc hỗ trợ cây giống trồng rừng cho người dân; nghiên cứu trồng thử nghiệm một số loài cây lâm nghiệp phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương để công tác trồng rừng đạt hiệu quả tốt hơn. Bên cạnh đó, cần đầu tư xây dựng nhà máy chế biến gỗ rừng trồng tại các huyện phía Tây Nam của tỉnh để giảm chi phí trong việc vận chuyển sản phẩm gỗ rừng trồng đi tiêu thụ.

Người dân trên địa bàn thị xã Ayun Pa chuẩn bị trồng rừng năm 2023. Ảnh: L.N

Ông Nguyễn Hồng Thạch-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thị xã Ayun Pa-đề xuất: Để trồng rừng hiệu quả nên thanh toán hỗ trợ kinh phí đối với những diện tích có tỷ lệ cây sống từ 50% trở lên sau nghiệm thu. Đối với các diện tích người dân trồng rừng từ năm 2017 đến 2021 mà cây bị chết, không đạt tỷ lệ thì đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT cho chủ trương thanh lý vì các hộ dân không có kinh phí để tự bỏ ra mua cây trồng dặm.

Bên cạnh đó, tỉnh cần xem xét tạm ngừng hoặc cắt giảm phân bổ chỉ tiêu trồng rừng hàng năm cho phù hợp với công tác trồng rừng của địa phương; bổ sung một số cây giống như: huỳnh đàn, hương vào danh mục cây trồng rừng.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Văn Hoan-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: Thời vụ trồng rừng ở các huyện phía Tây từ tháng 6 đến tháng 9; khu vực phía Đông và Đông Nam tỉnh từ tháng 8 đến tháng 11 hàng năm. Nguyên nhân một số địa phương trồng rừng tập trung đạt thấp là do điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu một số nơi không phù hợp; cơ chế chính sách hỗ trợ đầu tư trồng rừng thấp, trong khi chủ yếu hộ dân trồng rừng là người dân tộc thiểu số. Trong khi đó, việc giao kế hoạch trồng rừng căn cứ vào diện tích đất thuộc quy hoạch lâm nghiệp ở các địa phương. Một số doanh nghiệp chưa được cấp giấy chứng nhận đầu tư nên chưa triển khai trồng rừng được đã ảnh hưởng đến chỉ tiêu trồng rừng năm nay của tỉnh.

“Để hoàn thành kế hoạch trồng rừng, Sở đề nghị các địa phương lồng ghép từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để hỗ trợ người dân trồng rừng; triển khai trồng rừng theo tín chỉ carbon. Sở Nông nghiệp và PTNT đang có kế hoạch xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến tre biến tính tại chỗ để xây dựng đề án trồng tre trên những diện tích rừng nghèo, đất cao su kém hiệu quả và đất không có rừng tại các ban quản lý rừng phòng hộ cũng như các công ty lâm nghiệp; khoanh nuôi phát triển rừng”-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT thông tin thêm.

LÊ NAM

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/gia-lai-nhieu-dia-phuong-gap-kho-trong-trong-rung-post256255.html