Gia Lai bảo tồn nghề dệt thổ cẩm gắn với du lịch cộng đồng

Dệt thổ cẩm là một nghề truyền thống lâu đời, gắn bó với đời sống văn hóa của người Jrai và Bahnar ở Gia Lai. Tỉnh Gia Lai đang có nhiều cách làm sáng tạo để bảo tồn và lan tỏa giá trị đặc sắc của thổ cẩm, tạo ra những cơ hội mới trong phát triển kinh tế gắn với du lịch.

Những ngày nông nhàn, gần 30 chị em người Bahnar trong tổ dệt thôn 5, xã Pờ Tó, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai lại tập hợp cùng nhau dệt vải dưới mái nhà sàn. Người lớn tuổi nhất đã ngoài 50 tuổi, có những thiếu nữ mới tuổi trăng tròn. Họ tỉ mỉ chỉ bảo, cùng nhau dệt từng hoa văn truyền thống, hay tạo ra những hoa văn mới trên tà áo, váy.

Chị Đinh Như, ở thôn 5, xã Pờ Tó, cho biết: “Hồi xưa các bà, các cụ tập cho các cô, các bác. Thời đại mới thì các chị học hỏi thêm nữa. Sau này mình lại dạy cho lớp trẻ, các cháu 16 - 18 tuổi học hỏi thêm nữa".

Du khách trải nghiệm tại câu lạc bộ dệt làng Kép 2, xã Ia Mnong, huyện Chư Păh. (ảnh: Nguyễn Thảo)

Còn tại xã Ia M'nông, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai, các chị em người Jrai trong câu lạc bộ dệt làng Kép 2 chọn một ngôi nhà sàn giữa làng làm nơi dệt và trưng bày các sản phẩm thổ cẩm. Đây là điểm đến trong tour du lịch cộng đồng làng Kép 2. Đến đây, du khách cảm nhận vẻ đẹp của chất liệu, hoa văn thổ cẩm trên từng chiếc áo, váy, ví cầm tay, túi xách..., được trải nghiệm sự kỳ công, tỉ mỉ khi dệt thử trên khung cửi, lựa chọn cho mình những món đồ lưu niệm.

Chị H’ Uyên Niê - chủ nhiệm câu lạc bộ dệt cho biết, hiện đã có doanh nghiệp ký hợp tác với câu lạc bộ, mở ra cơ hội mới cho việc bảo tồn phát triển nghề dệt truyền thống. Nhờ việc tạo ra sản phẩm có tính ứng dụng đối với du khách, mà nghệ nhân luôn có thu nhập khoảng 5 triệu đồng mỗi tháng.

"Hội phụ nữ chúng tôi thay đổi cách làm, phát triển các sản phẩm thổ cẩm thành quà lưu niệm. Ví dụ tấm thổ cẩm như thế này chúng tôi có thể làm thành túi, ví, áo, bông tai,... từ đó đáp ứng nhu cầu của khách khi họ tới trải nghiệm. Nghệ nhân được nhận trực tiếp thành quả của mình, từ đó nghệ nhân có tinh thần, đam mê hơn, để lưu giữ bản sắc văn hóa", chị H’ Uyên Niê chia sẻ.

Trang phục thổ cẩm Jrai trình diễn trong một chương trình thời trang năm 2023 tại tỉnh Gia Lai.

Trong toàn tỉnh Gia Lai đã có 106 câu lạc bộ dệt thổ cẩm, tập hợp hơn 1.600 phụ nữ tham gia. Con số này đang tiếp tục gia tăng khi dệt thổ cẩm được tỉnh quan tâm quảng bá như một sản phẩm văn hóa thiết yếu để phát triển du lịch. Tỉnh Gia Lai đã đưa dệt thổ cẩm thành nội dung quan trọng trong dự án "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Hiện sản phẩm thổ cẩm được trưng bày, giới thiệu trong các chương trình trình diễn cồng chiêng cuối tuần, tổ chức thường xuyên tại Quảng trường Đại đoàn kết, trung tâm thành phố Pleiku.

Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết mục tiêu của tỉnh là bảo tồn, quảng bá và đưa sản phẩm thổ cẩm trở thành hàng hóa trong ngành du lịch địa phương: "Qua đây chúng tôi mong muốn tôn vinh nghệ nhân, người nghiên cứu đã không ngừng nghỉ, có sản phẩm đậm đặc tính nghệ thuật. Chúng tôi mong muốn không dừng ở quảng bá, giới thiệu mà còn làm sản phẩm kinh tế, quảng bá cho khách du lịch kết hợp thành sản phẩm thương mại hóa, góp phần vào phát triển kinh tế bền vững của Gia Lai".

Nguyễn Thảo/VOV-Tây Nguyên

Nguồn VOV: https://vov.vn/du-lich/gia-lai-bao-ton-nghe-det-tho-cam-gan-voi-du-lich-cong-dong-post1087716.vov