Giá giao dịch chung cư mới ở một số thành phố lớn tăng cao

Trong Quý II/ 2023, giá giao dịch chung cư mới ở một số thành phố lớn có những khu vực tăng cao dù thị trường bất động sản đang có dấu hiệu chững lại.

Nội dung thông cáo của Bộ Xây dựng mới ban hành về việc công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản Quý II năm 2023 cho thấy, thị trường bất động sản có nhiều chuyển biến, trong đó việc giá giao dịch bất động sản có xu hướng tăng ở một số thành phố lớn.

Cụ thể, đối với căn hộ chung cư: Trong Quý II/ 2023 giá giao dịch chung cư mới ở một số thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh được đánh giá là có những khu vực tăng cao dù thị trường bất động sản đang có dấu hiệu chững lại, tuy nhiên giá giao dịch thứ cấp căn hộ chung cư tại một số địa phương lại có xu hướng giảm từ 2 ÷ 6% so với cùng kỳ năm trước và giảm nhiều ở một số địa phương như Đà Nẵng (giảm 5,8%), Đồng Nai (giảm 3,5%), Hải Phòng (giảm 3,1%). Phân khúc căn hộ bình dân có mức giá dưới 25 triệu gần như có không biến động và không có dự án mới. Giá sơ cấp trung bình của thị trường căn hộ chung cư đạt khoảng 47,5 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm VAT và phí bảo trì).

Tại Thành phố Hà Nội, mặc dù giá căn hộ chung cư tại Hà Nội được cho là đang ở mức cao, tuy nhiên theo khảo sát thì trong quý II giá vẫn tiếp tục có xu hướng tăng so với quý trước. Mức giá tăng cao nhất là ở các dự án thuộc quận Tây Hồ và khu vực xung quanh, số lượng dự án chung cư mới mở bán ở khu vực này rất hiếm và đều có mức giá khoảng 80 triệu đến 100 triệu đồng/m2. Các dự án căn hộ trên đường Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Huyên, Võ Chí Công, Lạc Long Quân… đều tăng giá mạnh so với giá gốc và tăng khoảng 1% đến 3% so với quý trước.

Tuy nhiên, vẫn có sự biến động giảm giá ở phân khúc trung cấp tại một số khu vực có dự án đã đi vào sử dụng nhiều năm như dự án CT4 Vimeco II (Cầu Giấy) giảm khoảng 1,4%, Imperial Plaza (Thanh Xuân) giảm khoảng 1,9% ...

Tại TP. Hồ Chí Minh, các dự án căn hộ đang phát triển, có đầy đủ pháp lý gần như độc quyền để chào hàng khi thị trường không có nhiều nguồn cung mới trong quý. Đây là lý do dù khó khăn, thị trường ảm đạm nhưng giá căn hộ vẫn tăng khoảng 2% đến 3% so với quý trước tại một số dự án.

Tuy nhiên, theo khảo sát giá bán trung bình trong quý vừa qua cũng có có xu hướng giảm tại một số dự án do các dự án mới có giá cạnh tranh và các chủ đầu tư đưa ra nhiều chiết khấu cho khách hàng.

Giá giao dịch chung cư mới ở một số thành phố lớn tăng cao. Ảnh internet

Đối với nhà ở riêng lẻ, đất nền trong dự án: Trong quý II/2023, phân khúc bất động sản nhà ở riêng lẻ, đất nền trong dự án được nhà đầu tư quan tâm chủ yếu mang tính chất đầu cơ và người mua không còn quan tâm như trước, nhiều nhà đầu tư đang gặp vấn đề về dòng tiền, sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn và chủ đầu tư ngưng hỗ trợ lãi suất cho vay, trong khi thị trường có tính thanh khoản giảm mạnh, dẫn đến nhiều giao dịch mang tính bán cắt lỗ ngày càng mạnh.

Giá bán của phân khúc bất động sản biệt thự, đất nền dự án ở nhiều địa phương trong quý tiếp tục có xu hướng giảm khoảng 2% đến 5% so với quý trước và có thể sẽ tiếp tục được điều chỉnh về giá trị phù hợp, tương xứng với giá trị đầu tư của sản phẩm và hạ tầng khu vực trong thời gian tới.

Một số khu vực có mức giá giao dịch giảm nhiều, đặc biệt là các huyện ven đô và khu vực ngoại thành trong quý như: Quận Hà Đông, huyện Mê Linh, Hoài Đức (Hà Nội); quận 12, huyện Bình Chánh, huyện Nhà Bè (TP.HCM); quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng); TP Biên Hòa, huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai)...

Trong quý II/2023, phân khúc bất động sản nhà ở riêng lẻ, đất nền trong dự án được nhà đầu tư quan tâm chủ yếu mang tính chất đầu cơ. Ảnh: Như Trường

Được biết, thị trường bất động sản (BĐS) đóng góp 15% tỷ trọng vào GDP của quốc gia, ảnh hưởng trực tiếp tới những ngành kinh tế khác như: xây dựng, vật liệu xây dựng, ngân hàng, chứng khoán...

Dữ liệu khảo sát của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARs) với các hội viên là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ BĐS cho thấy tình hình thị trường tiếp tục diễn biến khó khăn khi có tới 66% doanh nghiệp BĐS hiện đang lâm nguy. Thị trường BĐS bắt đầu lao vào khủng hoảng từ tháng 5/2022 đến nay. Nguyên nhân từ chính thị trường này khi giá BĐS tăng quá cao so với giá trị thực, cũng như mức thu nhập của đại bộ phận người dân.

Ngoài ra còn do dịch bệnh, chu kỳ tăng trưởng của thị trường, tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm; hàng loạt các chính sách thắt chặt về tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp... cũng như các vướng mắc về pháp lý trong quá trình triển khai dự án không được tháo gỡ một cách triệt để.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc thúc đẩy thị trường BĐS phát triển lành mạnh, bền vững ngày 17/02/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng doanh nghiệp BĐS phải "tự cứu chính mình, chứ không ai giải cứu ai".

Với tình hình hiện tại, các chuyên gia BĐS cho rằng bước sang quý III/2023 thị trường BĐS sẽ tiếp tục chứng kiến làn sóng rút lui của các doanh nghiệp, thị trường vẫn trong tình trạng “nín thở nằm chờ”; khả quan nhất là phải bước sang quý IV mới bắt đầu tiến trình hồi phục.

N. Trường

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/thuong-truong/gia-giao-dich-chung-cu-moi-o-mot-so-thanh-pho-lon-tang-cao-d197117.html