Gia đình trong nhịp sống hiện đại

Những biểu hiện tiêu cực trong xã hội hiện đại đang gióng lên 'hồi chuông' cảnh báo, đe dọa dẫn đến nhiều gia đình đổ vỡ. Đây là một thách thức lớn trong việc xây dựng gia đình theo chuẩn mực 'no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc'.

Các thành viên trong gia đình bà Nguyễn Thị Thắng (tổ dân phố An Châu, phường Mỏ Chè, TP. Sông Công) luôn dành thời gian ở bên nhau mỗi ngày.

Bàn về đạo đức gia đình xuống cấp, nhiều người dân Thái Nguyên nhắc ngay đến một số vụ việc tiêu cực điển hình, giống như một lời cảnh báo. Cụ thể là việc anh trai chém chết em gái ở phường Chùa Hang (TP. Thái Nguyên); vụ con rể dùng dao đâm bố mẹ vợ tại xã Thành Công (TP. Phổ Yên) do vợ chồng mâu thuẫn; vụ chồng sát hại vợ cùng 4 người thân, hàng xóm ở xã Sơn Phú (Định Hóa) do ma túy... Các vụ việc trôi qua đã khá lâu, nhưng thời gian chưa đủ làm xã hội nguôi quên nỗi đau vì sự xuống cấp đạo đức từ gia đình.

Lối sống thực dụng, vì cái tôi quá lớn làm người trong cuộc quên mất vị trí, vai trò, trách nhiệm của mình trong gia đình. Điều tất yếu xảy ra là hành động lặng mạ, cãi vã và nói chuyện với nhau bằng chân tay. Việc gia đình bất hòa, ban hòa giải cơ sở biết rất rõ. Song đó là chuyện nội bộ gia đình, quyền riêng tư, chính quyền địa phương không can thiệp quá sâu nếu các thành viên trong gia đình không lên tiếng.

Vì tâm lý “xấu chàng hổ ai”, hoặc do con hư cha mẹ phải dạy, nhưng dạy dỗ quá mức đến thô bạo, xảy ra nhiều lần và kéo dài trong một thời gian dài dẫn đến tình cảm giữa các thành viên trong gia đình rạn nứt. Giải pháp cuối cùng là ly hôn, hoặc cùng sống chung trong mái ấm nhưng không còn nghĩa chồng vợ.

Xã hội hiện đại, các biểu hiện tiêu cực trong gia đình ngày càng nhiều, đặc biệt là bạo lực gia đình đang trở thành vấn đề nhức nhối. Nhiều năm qua, tình trạng này diễn ra không chỉ ở nông thôn, miền núi, mà còn xuất hiện ngày càng nhiều ở khu vực thành thị...

Theo số liệu của Tòa án nhân dân TP. Thái Nguyên: Trong 3 năm gần đây, Tòa án đã thụ lý gần 1.700 vụ ly hôn. Các vụ ly hôn chủ yếu xảy ra ở các cặp vợ chồng trẻ có thời gian chung sống từ 5 năm trở xuống. Thực tế có không ít cặp vợ chồng khi đã lên thiên chức ông, bà mới đến tòa xin ly hôn vì một lý do rất đơn giản: “Không hợp”. Vậy nhưng trước hôn nhân họ đã từng yêu nhau, thề sống chết đồng thuận xây dựng một “thiên đường” hạnh phúc. Nhưng khi về cùng một nhà thì chuyện khó khăn áo cơm đời thường đặt ngay trước mắt; “thần tượng” đổ vỡ, lời cay nghiệt, miệt thị, so sánh hơn thua mỗi ngày một nhiều hơn. Mái ấm nhỏ bé hết chịu nổi sự dồn nén tâm lý và “đường ai nấy đi”. Chỉ khổ những bé thơ có bố mất mẹ hoặc ngược lại.

Trở lại câu chuyện trong nhà bất ổn vì bạo lực gia đình: Theo số liệu của Phòng Xây dựng nếp sống Văn hóa và Gia đình (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch): Trong 3 năm gần đây, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 130 vụ bạo lực gia đình dưới các hình thức về tinh thần, thân thể, tình dục và kinh tế.

Để răn đe, giáo dục, các địa phương đã phê bình, góp ý cho 55 trường hợp; xử phạt hành chính 65 trường hợp; áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc đối với 5 trường hợp; áp dụng biện pháp giáo dục tại chỗ 7 trường hợp; xử phạt hình sự 2 trường hợp. Các cơ quan chức năng cũng đã tư vấn tâm lý, tinh thần, pháp luật cho 90 nạn nhân; 33 nạn nhân được chăm sóc hỗ trợ sau khi bị bạo lực.

Con người bị cuốn vào vòng xoáy của công việc nên nhiều khi không dành thời gian đúng mức cho gia đình. Cũng vì thế, sợi dây gắn kết giữa các thành viên ngày càng lỏng lẻo; việc tìm tiếng nói chung ngày càng khó khăn. Khoảng cách giữa các thế hệ ông bà, cha mẹ và con cái ngày càng xa...

Nhiều “cặp đôi hoàn hảo” đã tạo dựng được cho mình một gia đình đầm ấm. Trước ngày cưới, họ chưa từng gặp mặt trực tiếp, mà gặp nhau qua mạng xã hội. Họ đã ứng dụng công nghệ để đến với nhau một cách chân thành. Nên dù không trực tiếp gặp mặt thường xuyên, họ vẫn hiểu đầy đủ về nhau, cảm thông cho nhau và dọn về cùng ở một nhà sau ngày cưới.

Cổ nhân dạy: “Hạnh phúc đến từ hai phía”. Nên các cặp vợ chồng đến với nhau bằng cách truyền thống hay qua mạng xã hội cũng đều cần sự tôn trọng. Trong tất các các mối quan hệ xã hội, kể cả quan hệ vợ chồng cũng luôn cần sự tôn trọng và tha thứ. Từ đó sẽ nhân lên tình cảm thân thiết, gắn bó. Chuyện vui, buồn thường ngày đều sẵn lòng chia sẻ, cảm thông. Đó chính là nền tảng cho một gia đình bền vững.

Hiện mạng Internet phủ sóng đến từng ngóc ngách trong mỗi gia đình. Nam, phụ, lão, ấu đều có thể sử dụng thành thạo các ứng dụng mạng xã hội. Hiện tượng nghiện điện thoại trở nên khá phổ biến trong xã hội. Hình ảnh trong bữa cơm vợ, chồng và các con trên tay mỗi người 1 điện thoại không còn xa lạ. Chiếc điện thoại trở thành vật bất ly thân... dẫn đến cảnh “đồng sàng dị mộng”.

Các thành viên trong một nhà không cùng suy nghĩ và hành động thì làm sao “tâm đầu ý hợp”. Trong gia đình có thành viên “nghiện công nghệ” thường có lối sống vô cảm, không biết quan tâm, hỗ trợ nhau. Điều họ quan tâm lớn nhất là lướt mạng.

Nhịp sống hiện đại, mô hình gia đình truyền thống (gia đình có nhiều thế hệ cùng chung sống) đang dần ít đi. Đặc biệt, quan niệm về hôn nhân cởi mở hơn, theo đó có khá nhiều mô hình gia đình phi truyền thống, phụ nữ đơn thân nuôi con.

Ở khía cạnh tích cực, trong những mô hình gia đình hiện đại và gia đình phi truyền thống, các thành viên trong nhà có quyền tự do cao hơn, và họ dễ dàng thực hiện ý tưởng của mình trong cuộc sống gia đình. Tuy nhiên, mặt hạn chế là nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống dần mai một. Tệ hại hơn đối với những gia đình quá coi trọng tiền bạc, dẫn đến cảnh con cái phỉ báng cha mẹ; vợ - chồng không biết cảm thông, đòi hỏi ở nhau tài chính quá khả năng dẫn đến căng thẳng, stress, bạo hành và “chiến tranh lạnh”.

Các bạn trẻ cùng tìm hiểu Luật Hôn nhân và Gia đình.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến vai trò và vị thế của gia đình. Người khẳng định: “Quan tâm đến gia đình là đúng, vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn, hạt nhân của xã hội là gia đình…”.

Vâng lời dạy của Người, những năm qua, các cấp, ngành chức năng của tỉnh luôn quan tâm tới công tác gia đình. Ví như năm 2023, Ban Chỉ đạo công tác gia đình tỉnh đã triển khai Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình trên toàn tỉnh và được đông đảo nhân dân đón nhận.

Để hạn chế những chuyện đáng tiếc liên quan đến gia đình, các cấp, ngành của tỉnh đã tăng cường hoạt động tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; hỗ trợ nâng cao hoạt động mô hình câu lạc bộ xây dựng gia đình hạnh phúc, phòng, chống bạo lực gia đình.

Các cấp, ngành, địa phương đã có nhiều hoạt động thiết thực như việc tổ chức các hội thảo, hội thi với nhiều nội dung phong phú như: “Vì một mái ấm gia đình không có bạo lực”; thi tìm hiểu pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình; kinh nghiệm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc trong thời hội nhập quốc tế. Các hoạt động này thu hút được đông đảo nhân dân tham gia.

Để mỗi gia đình thật sự là “pháo đài” hạnh phúc, góp phần làm cho xã hội ngày càng tiến bộ, văn minh, các cấp, ngành chức năng của tỉnh cần tiếp tục duy trì, phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm, có giải pháp thiết thực phù hợp với từng giai đoạn cụ thể; đồng thời phát huy hiệu quả các mô hình gia đình trong xã hội hiện đại. Mỗi thành viên trong gia đình phải tự ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc xây dựng mái ấm, thực sự là tế bào khỏe mạnh của xã hội.

Hiện nay, 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được đường dây nóng tiếp nhận thông tin về bạo lực gia đình. 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn được xây dựng địa chỉ tạm lánh cho nạn nhân bạo lực gia đình. Có 1.555 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng; gần 1.000 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình được thành lập, duy trì hoạt động hiệu quả.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202403/gia-dinh-trong-nhip-song-hien-dai-1df0823/