Gia đình hạnh phúc - Quốc gia thịnh vượng

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến vai trò của gia đình. Bác Hồ khẳng định: 'Quan tâm đến gia đình là đúng vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn, hạt nhân của xã hội là gia đình'.

Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm và có nhiều chủ trương, chính sách nhằm giữ gìn giá trị gia đình và tạo mọi điều kiện để các ngành, các cấp và mỗi cá nhân chăm lo xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, hạnh phúc. Ở tỉnh ta, các cấp, các ngành, địa phương đẩy mạnh triển khai, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, nâng cao ý thức của toàn dân về vai trò, giá trị của gia đình trong xã hội.

Gia đình văn hóa tiêu biểu của huyện Sốp Cộp tham gia Hội thi "Gia đình hạnh phúc" tỉnh Sơn La lần thứ nhất năm 2023.

Ông Phạm Hồng Thu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Ngành đã chỉ đạo phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Truyền thông - Văn hóa các huyện, thành phố đẩy mạnh truyền thông về xây dựng gia đình hạnh phúc, nhất là phong trào xây dựng gia đình văn hóa; phòng, chống bạo lực gia đình. Duy trì và nhân rộng các mô hình về xây dựng gia đình hạnh phúc; phòng, chống xâm hại trẻ em, giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng, xã hội về giá trị của gia đình cũng như tầm quan trọng trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình.

Công tác tuyên truyền hàng năm được gắn với các hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế hạnh phúc (20/3), Ngày Gia đình Việt Nam 28/6, Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình và các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Bản văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa” với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, tạo hiệu ứng lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng. Quá trình triển khai thực hiện luôn có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể, như: “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”, “Gia đình hiếu học”... tạo động lực để xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc.

Những năm qua, phong trào xây dựng gia đình văn hóa đạt được hiệu quả tích cực. Năm 2022, toàn tỉnh có 216.540 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa, chiếm 74% tổng số hộ trong tỉnh. Giai đoạn 2018-2022, toàn tỉnh có 45,3% số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa tiêu biểu.

Quỳnh Nhai là địa phương thực hiện tốt phong trào xây dựng gia đình văn hóa. Ông Lò Thanh Thủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai thông tin: Hằng năm, huyện chỉ đạo các xã, bản hướng dẫn các hộ đăng ký danh hiệu gia đình văn hóa; đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện các phong trào thi đua. Năm 2022, toàn huyện có 11.621 hộ gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 82,51%; có 6.776 hộ đạt gia đình văn hóa 5 năm (2018-2022), đạt tỷ lệ 46%.

Từ các phong trào thi đua, xuất hiện nhiều gương điển hình tiêu biểu về xây dựng gia đình văn hóa, gia đình hiếu học, gia đình làm kinh tế giỏi. Là 1 trong 85 đại biểu được vinh danh tại Hội nghị biểu dương gia đình văn hóa tiêu biểu giai đoạn 2018-2022, anh Đặng Văn Mẫn, dân tộc Dao tại xã Phiêng Luông, Mộc Châu, phấn khởi nói: Trong gia đình, các thành viên luôn giữ không khí hòa thuận, đầm ấm. Ông bà, bố mẹ làm gương để con cháu noi theo. Với thành tích gia đình văn hóa tiêu biểu 5 năm liền là sự động viên to lớn, động lực giúp xây dựng gia đình hạnh phúc hơn nữa, phát triển kinh tế và tích cực tham gia các hoạt động xã hội tại địa phương.

Còn bà Đỗ Thị Tình, bản Tân Lập, xã Chiềng Sung, huyện Mai Sơn, nói: Trong gia đình luôn hòa thuận và sống đoàn kết với bà con, lối xóm xung quanh. Những năm qua, gia đình tôi luôn tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, đóng góp công sức, vật liệu xây dựng các công trình công cộng. Gia đình còn ủng hộ kinh phí cho đội văn nghệ bản, hỗ trợ mua sắm trang thiết bị nhà văn hóa, sân thể thao với tổng số tiền hơn 50 triệu đồng.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình được các địa phương quan tâm với những thông điệp ý nghĩa “Hạnh phúc sẽ tỏa sáng trong gia đình không có bạo lực”; “Hành vi bạo lực gia đình là vi phạm pháp luật!”; “Phòng, chống bạo lực gia đình là trách nhiệm của toàn xã hội”. Đặc biệt là tuyên truyền, phổ biến về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, gồm 6 chương, 56 điều, có hiệu lực từ ngày 1/7/2023.

Xây dựng gia đình hạnh phúc, tạo nền tảng xây dựng xã hội hạnh phúc.

Hiện nay, toàn tỉnh còn duy trì 168 mô hình phòng, chống bạo lực gia đình; 290 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững; 487 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình; 989 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng, 163 đường dây nóng ở cơ sở. Số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh có chiều hướng giảm. Năm 2022, toàn tỉnh xảy ra 37 vụ bạo lực gia đình, giảm 7,5% so với năm 2021; 100% các vụ bạo lực gia đình đã được xử lý với các hình thức phù hợp.

Ông Phạm Hồng Thu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết thêm: Tăng cường công tác tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình đã góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của mọi tầng lớp nhân nhân, nâng cao vai trò, giá trị của gia đình, đạt được hiệu quả tích cực trong công tác bình đẳng giới; nhất là xây dựng mối quan hệ bình đẳng giữa nam/nữ, vợ/chồng, bố mẹ/con cái trong gia đình.

Ngày gia đình Việt Nam 28/6 năm nay có chủ đề “Gia đình hạnh phúc - Quốc gia thịnh vượng” với ý nghĩa tôn vinh truyền thống gia đình, hướng tới mục tiêu xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Công tác xây dựng gia đình là nhiệm vụ, mục tiêu quan trọng cần tiếp tục được triển khai thực hiện hiệu quả, không ngừng nâng cao nhận thức của cộng đồng về xây dựng gia đình hạnh phúc chính là tạo nền tảng để xây dựng xã hội hạnh phúc. Công tác xây dựng gia đình vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển bền vững đất nước.

Thanh Đào

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/van-hoa-xa-hoi/gia-dinh-hanh-phuc-quoc-gia-thinh-vuong-nDpuEi9VR.html