Giá điện còn phải tăng mấy lần nữa thì EVN mới cắt lỗ?

Bộ Công Thương đã kiến nghị các cơ quan Bộ ngành, Chính phủ điều chỉnh giá điện trong năm 2024. Việc tăng giá điện chắc chắn khiến chi phí của người dân, doanh nghiệp đội thêm, trong khi câu trả lời giá điện phải tăng bao nhiêu lần nữa thì EVN mới cắt lỗ rất khó có đáp án.

Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo giá mới đây, Bộ Công Thương kiến nghị các cơ quan bộ ngành, Chính phủ điều chỉnh tăng giá điện trong năm 2024. Giá điện điều chỉnh nằm trong kế hoạch phản ánh biến động các chi phí đầu vào cho EVN, và để tập đoàn này có nguồn lực thanh toán cho chủ đầu tư các nhà máy điện.

Giá điện sẽ tiếp tục tăng ở những lần điều chỉnh tiếp theo

Năm 2023, giá điện đã 2 lần được điều chỉnh tăng với mức 3% và 4,5%, song đến nay khoản lỗ của EVN vẫn chưa thể khắc phục. Báo cáo EVN gửi Bộ Công Thương hồi tháng 12, giá điện bình quân năm 2023 của tập đoàn ước đạt 1.950 đồng/kWh, mặc dù tăng 68,48 đồng/kWh song vẫn đang thấp hơn so với giá thành.

Bộ Công Thương đã kiến nghị các cơ quan Bộ ngành, Chính phủ điều chỉnh giá điện trong năm 2024.

Trong năm 2023, tập đoàn này đã lỗ 17.000 tỷ đồng, riêng công ty mẹ báo lỗ 24.595 tỷ đồng. Trước đó, báo cáo gửi Bộ KH&ĐT về tình hình sản xuất kinh doanh năm 2022, khoản lỗ của công ty mẹ được công bố là 26.499 tỷ đồng và toàn tập đoàn lỗ 20.747 tỷ đồng do giá nhiên liệu cho sản xuất điện, tỷ giá tăng.

Việc tăng giá điện, đồng nghĩa áp lực chi trả của người dân khi sử dụng điện, cũng như tác động của tăng giá điện tới các mặt hàng khác. Theo Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính, đối với mặt hàng điện, trong năm 2023, đã có 02 lần điều chỉnh theo quyết định của EVN trên cơ sở có sự quản lý, giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, mức tăng lần lượt là 3% và 4,5% và việc đánh giá tác động của điều chỉnh giá điện được thực hiện kỹ lưỡng trong các kịch bản điều hành giá của Ban chỉ đạo điều hành giá của Thủ tướng Chính phủ để vừa đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát, vừa đảm bảo hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội.

Tổng chung cả năm do tác động của việc điều chỉnh giá của EVN và nhu cầu sử dụng điện tăng trong dịp Tết, mùa hè năng nóng nên chỉ số giá nhóm điện sinh hoạt tăng 4,86% và tác động làm CPI chung tăng 0,16 điểm phần trăm (theo số liệu của Tổng cục Thống kê công bố).

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, điện là mặt hàng rất quan trọng trong sản xuất và tiêu dùng nên có tác động trực tiếp khá lớn tới lạm phát. Năm 2023, điện đã điều chỉnh 2 lần giá bán lẻ điện bình quân vào tháng 5 và tháng 11, tuy nhiên mức điều chỉnh không cao, chỉ tăng 3% và 4,5% và lần điều chỉnh thứ hai vào cuối năm nên tác động rất ít tới chỉ số giá tiêu dùng của năm 2023 nhưng sự tác động sẽ thể hiện rõ ràng hơn trong năm 2024.

Thêm vào đó, có khả năng giá bán lẻ điện bình quân sẽ tiếp tục những lần điều chỉnh trong năm 2024 khi mà nhu cầu sử dụng điện tiếp tục tăng lên cùng với sự biến đổi khí hậu gây nên thời tiết cực đoan, từ đó tạo áp lực lên lạm phát.

Về phía EVN, Phó Tổng Giám đốc Võ Quang Lâm phân trần năm 2023 ngành điện đối diện với rủi ro cao về cân đối tài chính, trong đó có chi phí kinh doanh điện là do theo cơ chế mua bán điện, nguồn điện chi phí cao mà EVN mua vẫn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu tổng nguồn điện của EVN, nên chi phí kinh doanh của tập đoàn vẫn mất cân đối tài chính dù mức độ có giảm so với năm 2022.

Tuy vậy, ông Ngô Đức Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng, nhấn mạnh việc đẩy nhanh các dự án nguồn điện thay tăng giá mới là giải pháp căn cơ cho ngành điện, thay vì lấy việc tăng giá điện để xử lý các khoản lỗ của EVN.

Theo chuyên gia Lâm, giá điện cần sự ổn định để giảm thiểu tác động bất lợi đến ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội, bởi giá điện khác với các sản phẩm khác như xăng dầu, chịu ảnh hưởng tức thời của giá thế giới, không đòi hỏi tần suất điều chỉnh ngắn.

EVN khuyến nghị khách hàng tiết kiệm điện

Trong khi đó Lãnh đạo EVN khẳng định: Nhiệm vụ năm 2024 của EVN có hàng loạt nội dung được Bộ Công Thương, Chính phủ đặc biệt quan tâm trong đó cơ bản nhất là vẫn phải đảm bảo cung ứng điện.

"EVN xác định có 3 lĩnh vực then chốt gồm đảm bảo cung ứng điện, phát triển và duy trì nguồn điện, lưới điện và khuyến khích cơ chế tiết kiệm điện", lãnh đạo EVN nói.

Về bảo đảm cung ứng, ông Lâm cho biết hiện nay EVN nắm giữ 37% cơ cấu nguồn điện, các nhà máy điện của tập đoàn đã được quán triệt cao, luôn phải đảm bảo duy trì hoạt động, tích nước, đủ than và chuẩn bị kịch bản sửa chữa, duy tu máy móc sớm.

Còn hơn 63% nguồn điện khác hiện đang thuộc các tập đoàn khác như Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), đối tác tư nhân điện gió, mặt trời, sinh khối, EVN cũng phối hợp làm việc để yêu cầu họ chuẩn bị sẵn các kịch bản cung ứng, không để thiếu hụt điện.

Đối với phát triển nguồn điện, lưới điện, Phó Tổng EVN cho biết, trước năm 2016, EVN tham gia lĩnh vực này nhiều hơn nhưng hiện nay các dự án mới đầu tư chưa nhiều nên nguồn điện, lưới điện còn hạn chế.

Ông Lâm cũng bật mí một số dự án nguồn điện, lưới điện đang và sẽ triển khai sắp tới như Quảng Trạch 1, Hòa Bình mở rộng, Yaly mở rộng, đồng thời sẽ sớm hoàn thành trục mạch 3 (Dự án đường dây 500kV mạch 3 kéo dài có chiều dài 514km) kéo dài từ Vũng Áng - Quảng Trạch - Dốc Sỏi - Pleiku 2... để đảm bảo cung ứng điện của EVN thời gian tới.

Lãnh đạo EVN khẳng định, nếu việc đầu tư mới nguồn điện, lưới điện phụ thuộc năng lực tài chính, thời gian kéo dài, khó làm ngay thì giải pháp tiết kiệm điện, sử dụng hiệu quả có thể làm ngay được và ích lợi cho cả ngành điện và đất nước.

Quan trọng nhất lúc này, lãnh đạo EVN nhấn mạnh rằng tập đoàn này mong muốn toàn bộ khách hàng của mình tham gia vào kế hoạch tiết kiệm điện, trong đó lớn nhất là khách hàng công nghiệp - xây dựng và khách hàng hộ tiêu dùng.

Theo ông Lâm, đối với khách hàng là hộ tiêu dùng, hiện cả nước có 27 triệu hộ tiêu dùng điện đang ký hợp đồng mua điện của EVN, trong đó nhóm khách hàng sử dụng điện cao trên 600 kWh/tháng, chiếm khoảng 6-7% lượng khách hàng sử dụng điện, tương đương 1,6 triệu hộ đến gần 2 triệu hộ, còn lại 2/3 trong số này là nhóm sử dụng dưới 600 kWh/tháng và nhóm sử dụng 200 kWh/tháng.

Phó Tổng EVN khẳng định, đối với khách hàng sử dụng điện nhiều trên 600 kWh/tháng sẽ có nhiều dư địa để tiết kiệm điện so với nhóm khách hàng sử dụng ít điện và hiệu quả hơn. "Đây chính là nhóm dẫn dắt, nếu tiết kiệm triệt để thì hiệu quả sẽ cao đối với bản thân họ và đối với ngành điện và đây cũng là nhóm khách hàng có nhiều dư địa để tiết kiệm điện", ông Lâm.

Đối với nhóm sử dụng điện cho công nghiệp, ông Lâm cho biết năm 2023, lượng điện của nhóm này sử dụng đã giảm xuống còn 51% sản lượng điện thương phẩm, giảm nhẹ so với các năm trước song về cơ cấu nhóm khách hàng sử dụng nhiều điện vẫn rất lớn.

"Hiện vẫn còn có đến 4.000 doanh nghiệp sử dụng trên 3 triệu kWh/năm, nhóm này sử dụng 34% tổng sản lượng điện đang sử dụng, chúng tôi rất mong muốn nhóm khách hàng này sử dụng điện tiết kiệm", Phó Tổng EVN tha thiết đề nghị.

Nhật Linh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/gia-dien-con-phai-tang-may-lan-nua-thi-evn-moi-cat-lo-1098053.html