'Giá điện chỉ cần 1 bộ chịu trách nhiệm chính là đủ'

Theo các chuyên gia, việc giao nhiều bộ quản lý, điều hành giá điện rất dễ xảy ra tình trạng chồng chéo, bộ nọ đẩy trách nhiệm cho bộ kia, cuối cùng không giải quyết được gì do vậy chỉ cần một bộ chịu trách nhiệm chính là đủ.

Nhiều bộ quản lý chỉ thêm rối

Bộ Công Thương vừa có báo cáo số 36/BC-BCT về Dự thảo Quyết định thay thế Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.

Theo đó, Bộ Công Thương vẫn giữ trách nhiệm phối hợp của Bộ Tài chính nhưng cụ thể vai trò của Bộ này là "cơ quan quản lý nhà nước về giá". Bộ Công Thương cũng đề xuất các bộ, cơ quan liên quan tham gia, phối hợp với các nội dung liên quan, theo "chức năng, nhiệm vụ".

Điều hành giá điện: 'Chỉ cần một bộ chịu trách nhiệm chính là đủ!'

Cùng với đó, để minh bạch hơn quá trình xem xét điều chỉnh giá điện, Bộ Công Thương muốn bổ sung trách nhiệm của Tổng cục Thống kê trong đánh giá tác động của việc điều chỉnh giá điện đến kinh tế vĩ mô. EVN sẽ cung cấp các số liệu có liên quan để cơ quan này có cơ sở thống kê, đánh giá.

Nhận định về vấn đề này, TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, việc quy định vai trò, trách nhiệm phối hợp của Tổng cục Thống kê vào trong văn bản pháp luật là không cần thiết. Bởi dù không quy định vào văn bản pháp luật nhưng có chỉ đạo thì Tổng cục Thống kê vẫn làm.

“Theo tôi, không cần thiết phải đưa nhiều cơ quan ban ngành vào cùng quản lý, điều hành giá điện, bởi khi có vấn đề gì xảy ra rất khó xử lý trách nhiệm tập thể, chỉ cần một bộ chịu trách nhiệm chính là đủ”, ông Lâm cho biết.

Ông Lâm chỉ ra rằng, vấn đề quan trọng ở đây là EVN phải công khai, minh bạch giá thành và điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường. EVN phải tính đúng giá thành, những khoản không được tính trong giá thành thì không được phép đưa vào và cần gắn trách nhiệm của Bộ Tài chính là cơ quan quản lý giá vào phần giám sát giá thành sản xuất điện.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cũng nhấn mạnh, đối với Tổng cục Thống kê, cơ quan này không có nhiệm vụ là cơ quan chính, chủ trì trong việc tính toán, đánh giá tác động của việc điều chỉnh giá điện từng mặt hàng, mà chỉ là cơ quan phối hợp cung cấp những chỉ tiêu, tiêu chí cần thiết giúp bộ, ngành tự tính toán, đánh giá tác động của việc điều chỉnh giá trình Chính phủ quyết định.

Còn theo ông Ngô Đức Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng, Bộ Công Thương, việc giao nhiều bộ quản lý, điều hành giá điện rất dễ xảy ra tình trạng chồng chéo trách nhiệm, đến khi có vấn đề gì xảy ra, bộ nọ đẩy trách nhiệm cho bộ kia, cuối cùng không giải quyết được gì.

Theo đó, Bộ Công Thương là cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực điện năng, đồng thời là cơ quan chủ trì điều hành giá. Do vậy, nên giao thống nhất việc điều hành giá điện cho Bộ Công Thương. Khi có vấn đề phát sinh hoặc biến động bất thường, có thể phối hợp với các bộ ngành để tham vấn.

Hoặc trong trường hợp cần thiết, Bộ Công Thương có thể yêu cầu EVN thuê tư vấn độc lập để thẩm tra báo cáo chi phí sản xuất kinh doanh điện của tập đoàn cùng các đơn vị thành viên.

Quy định mới về lợi nhuận định mức

Theo quy định tại điều 4, Quyết định 24/2017, giá điện bình quân được tính trên cơ sở giá điện sản xuất tại các nhà máy trong nước và cả điện nhập khẩu, cộng lợi nhuận định mức từ các nhà máy điện cung cấp dịch vụ phụ trợ; chi phí mua dịch vụ truyền tải điện kèm lợi nhuận định mức, mua dịch vụ phân phối kèm lợi nhuận định mức và quản lý chung của EVN.

Đặc biệt, giá điện bình quân cũng "gánh" luôn các chi phí mua dịch vụ điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực cộng lợi nhuận định mức, bao gồm cả chi phí điều tiết thị trường điện lực.

Bộ Công Thương có thể yêu cầu EVN thuê tư vấn độc lập để thẩm tra báo cáo chi phí sản xuất kinh doanh điện của tập đoàn cùng các đơn vị thành viên.

Tuy nhiên, trong dự thảo sửa đổi Quyết định 24/2017, Bộ Công Thương đã đề xuất không quy định cụ thể về việc xác định lợi nhuận định mức trong một số chi phí đã được đưa vào công thức tính giá bán điện bình quân của quyết định cũ.

Về đề xuất này, ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách nhìn nhận, về nguyên tắc thị trường, việc không xác định lợi nhuận là đúng. Nếu như toàn bộ cơ chế giá điện áp dụng theo cơ chế thị trường và đảm bảo quyền tự do kinh doanh, tự do cạnh tranh của các nhà sản xuất trung gian cũng như bên mua bán điện, còn việc lỗ lại là do thị trường quyết định.

Tuy nhiên, theo ông Việt, cho đến hiện nay, chúng ta chưa có thị trường điện cạnh tranh hoàn hảo mà mới chỉ manh nha một số cấu phần trong thị trường điện là chúng ta có yếu tố cạnh tranh mà thôi.

Nhà nước vẫn kiểm soát giá trong một thời gian nhất định và áp đặt một cơ chế về lợi nhuận định mức, có thể không phải cố định nhưng luôn có giới hạn trần lợi nhuận trên và trần lợi nhuận giới dưới và cho phép các doanh nghiệp tự linh hoạt trong vấn đề này.

Ông Việt dẫn chứng thực tế, một số doanh nghiệp kinh doanh điện mái nhà thì chi phí dẫn đến lợi nhuận có thể giảm từ 15 - 20% so với EVN. Trong trường hợp này, nếu như họ được quyền tham gia bán điện trực tiếp cho những khách hàng lớn thì họ sẽ có một mức lợi nhuận định mức thấp hơn EVN.

Vì vậy, khi xác định giá điện thì phần lợi nhuận định mức nên ở một khung từ trần đến sàn, tạo không gian cho các đơn vị thành viên của EVN cũng như doanh nghiệp tư nhân bên ngoài có thể tham gia một thị trường điện cạnh tranh tốt hơn.

Vân Trang

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/gia-dien-chi-can-1-bo-chiu-trach-nhiem-chinh-la-du-20180504224296543.htm