Ghi nhớ công ơn những tiền nhân khai hoang lập làng

Đà Nẵng có nhiều ngôi làng cổ, được hình thành từ rất sớm theo quá trình Nam tiến mở cõi của dân tộc. Mỗi ngôi làng đều có những vị tiền hiền, gắn liền với công cuộc khai hoang, lập ấp, xây dựng cộng đồng dân cư. Đến nay, dù trải qua hàng trăm năm lịch sử, ngôi mộ của các vị tiền hiền này vẫn được dân làng trân trọng, giữ gìn và bao bọc trong lòng phố.

Các tộc họ và dân làng Đà Sơn thường xuyên chăm sóc, lo hương khói cho mộ tiền hiền Phan Công Thiên để ghi nhớ công ơn của ngài. Ảnh: X.D

Làng Đà Sơn có bề dày lịch sử gần 700 năm, gắn với một tên tuổi lẫy lừng trong số những danh nhân xứ Quảng, ngài Phan Công Thiên. Theo các vị cao niên làng Đà Sơn, ngài Phan Công Thiên được vua Trần Dụ Tông ban tước Thuận Quốc Công (tước hiệu cao nhất dưới thời Trần) gắn liền với quá trình mở cõi của dân tộc. Từ năm 1346-1400, ông được giao trấn thủ vùng đất Hóa Châu từ nam đèo Hải Vân đến sông Thu Bồn, kết hợp chính sách khai hoang, lập làng Đà Sơn. Không chỉ đóng góp vào việc mở mang, khai khẩn đất đai, sự tài ba, danh tiếng của ông đã góp phần tạo nên nét độc đáo, tiền đề phát triển cho làng Đà Sơn hôm nay.

Hiện mộ ngài tiền hiền Phan Công Thiên nằm trên mảnh đất cao, rộng khoảng 384m2 tại đường Đà Sơn 1, tổ 58, phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu). Nhiều năm qua, khu mộ được chính quyền địa phương và người dân làng Đà Sơn duy tu, chăm sóc. Ông Phan Văn Xuân, Chánh bái làng Đà Sơn chia sẻ: “Nhân dân nơi đây luôn tự hào về công đức của tiền nhân sáng lập nên mảnh đất làng Đà Sơn. Mỗi năm, vào ngày mồng 6 và 7 tháng Giêng, dân làng tổ chức lễ cúng kỷ niệm ngày sinh ngài Phan Công Thiên. Đến tháng 3 âm lịch hằng năm, con cháu dân làng tập trung kính cẩn hương khói mời ngài Phan Công Thiên về dự lễ hội đình làng Đà Sơn”.

Để ghi nhận công lao to lớn của Phan Công Thiên, UBND thành phố quyết định xếp hạng mộ ngài là di tích cấp thành phố vào năm 2021. Đến năm 2023, ngôi mộ này được thành phố đầu tư kinh phí trùng tu, tôn tạo khang trang, tạo điều kiện cho nhân dân Đà Sơn làm tốt hơn nữa công tác chăm sóc, thờ phụng, tri ân công đức của tiền hiền Phan Công Thiên.

Theo Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng Huỳnh Đình Quốc Thiện, có thể nói, tiền hiền Phan Công Thiên là một vị thủy tổ của người dân Quảng Nam - Đà Nẵng, cũng như của tộc Phan trên cả nước. Nhờ có công lớn khai phá làng Đà Sơn, nên ngài Phan Công Thiên được người dân địa phương lập mộ thờ, ghi nhận công lao. Việc xếp hạng mộ ngài tiền hiền Phan Công Thiên là di tích lịch sử cấp thành phố và trùng tu ngôi mộ này nhằm tri ân và tôn vinh công lao to lớn của ngài đối với vùng đất Đà Sơn; đồng thời tạo cơ sở quản lý và phát huy giá trị lịch sử theo Luật Di sản văn hóa. “Chúng tôi hy vọng chính quyền địa phương tiếp tục phát huy hiệu quả giá trị di tích, nhất là trong công tác giáo dục lịch sử, truyền thống yêu nước và vun đắp tình làng nghĩa xóm, lối sống cộng đồng”, ông Thiện bày tỏ.

Tương tự, làng Thạc Gián (quận Thanh Khê) là mảnh đất được khai phá sớm, vào khoảng nửa thế kỷ XV, hình thành theo chủ trương mở mang bờ cõi về phương Nam dưới thời vua Lê Thánh Tôn. Người đầu tiên được nhân dân ghi nhận công lao dẫn đoàn người từ Bắc vào đây khai canh là ông Huỳnh Văn Phước. Khi ngài Huỳnh Văn Phước qua đời, các gia tộc trong làng chôn cất ngài trên một gò đất cao rộng gần 200m2, nằm ở phía trước sân sau của đình làng Thạc Gián. Tuy nhiên, trải qua thời gian, khu vực mộ tiền hiền Huỳnh Văn Phước nay chỉ còn 79m2. Con cháu tộc Nguyễn Ngọc đều không rõ ngôi mộ có cấu trúc như hiện nay khi nào, chỉ biết ngôi mộ được tu sửa những phần hư hại vào năm Bảo Đại thứ 11(1935).

NSND Huỳnh Hùng, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho biết, ngôi mộ có niên đại trên 500 năm với kiến trúc đơn giản và đẹp trang trọng. Thế nhưng, hiện ngôi mộ nằm lọt thỏm giữa bốn bề khu dân cư, đường dẫn đến ngôi mộ dài và hẹp, có đoạn chỉ 0,8m, nhìn rất xót xa. “Điều an ủi là ngôi mộ quan trọng này là một hạng mục trong tổng thể di tích cấp quốc gia đình làng Thạc Gián. Mong rằng, chính quyền và người dân địa phương sớm có giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di tích, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” đối với vị tiền hiền này”, NSND Huỳnh Hùng chia sẻ.

Theo Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Khê Nguyễn Hữu Công, vào ngày mồng 2 tháng 10 âm lịch hằng năm, các dòng tộc ở làng Thạc Gián và người dân xung quanh khu vực đình làng tổ chức lễ cúng tảo mộ tiền hiền Huỳnh Văn Phước; đồng thời thường xuyên lui tới chăm sóc, hương khói tri ân công đức vị tiền nhân có công khai canh lập làng. Hiện trạng ngôi mộ hiện nay được dân làng gìn giữ, bảo quản từ sau giải phóng đến nay, nên ít nhiều xuống cấp. Địa phương đã đề xuất thành phố phương án trùng tu đình làng Thạc Gián, trong đó có hạng mục mộ tiền hiền Huỳnh Văn Phước.

Năm 2023, qua nhiều lần khảo sát, đánh giá, thành phố đã trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch dự án trùng tu, tôn tạo đình làng theo đúng Luật Di sản văn hóa và đã được thông qua, sẽ triển khai trong năm 2024. Dự kiến, hạng mục mộ ngài tiền hiền sẽ được bảo tồn, tôn tạo lại theo nguyên mẫu gốc, bảo đảm khang trang, tôn nghiêm. Phần lối đi được mở rộng, thông thoáng hơn và xây dựng hàng rào để bảo vệ ngôi mộ. “Đình làng Thạc Gián, mộ tiền hiền Huỳnh Văn Phước hay địa điểm nhà Mẹ Nhu và 7 Dũng sĩ Thanh Khê luôn gợi nhớ về một quá khứ anh hùng của cha ông. Chính quyền và nhân dân quận Thanh Khê sẽ cố gắng bảo tồn, phát huy tốt những di tích này để giáo dục lịch sử cho thế hệ trẻ”, ông Công chia sẻ.

KHÔI NGUYÊN

Nguồn Đà Nẵng: http://www.baodanang.vn/channel/5414/202404/ghi-nho-cong-on-nhung-tien-nhan-khai-hoang-lap-lang-3969703/