Ghi âm khi làm việc bị đánh nhập viện: "Đẩy một cái"

Liên quan đến vụ việc người đàn ông tố bị công an đánh do ghi âm khi làm việc, lãnh đạo công an lên tiếng.

Trước đó, ông Văn Đức Nguyên (SN 1951, ngụ thôn Đông Thái, xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền, Thừa Thiên-Huế) cho biết ông bị đánh nhập viện do dùng điện thoại ghi âm nội dung cuộc làm việc với công an...

Ngày 22/3, ông Văn Đức Nguyên vẫn đang nằm điều trị tại Bệnh viện T.Ư Huế trong tình trạng bị chấn thương nặng ở vùng đầu.

Theo đó vụ việc xảy ra vào ngày 13/3, tại trụ sở Công an xã Phong Xuân (huyện Phong Điền).

Chiều ngày 22/3, trao đổi với PV, ông Hoàng Chiến -Chủ tịch UBND xã Phong Mỹ cho biết: "Tôi đã biết vụ việc này rồi. Nguyên nhân bắt đầu từ việc tranh chấp đất đai giữa ông Nguyên và gia đình ông T.Q.Tr (xã Phú Xuân).

Tôi cũng nghe thông tin rằng khi được công an xã Phú Xuân mời về trụ sở công an làm việc, ông Nguyên đòi ghi âm cuộc làm việc giữa hai bên nhưng không được công an chấp nhận. Sau đó ông Nguyên tự đập đầu vào bàn chứ công an không đánh. Hiện vụ việc vẫn đang được công an huyện điều tra làm rõ.

Theo tôi vụ việc có thể không đến mức như vậy. Còn vấn đề ghi âm khi làm việc, tôi cho rằng cần phải xem nội dung làm việc với công an là gì? Nếu nội dung trong phạm vi bí mật quốc gia thì không được ghi âm, còn không thì cứ để họ ghi âm chứ có gì đâu".

Công an chưa có nhiều kinh nghiệm

Cùng ngày trao đổi với PV, ông Trần Văn Cân - Chủ tịch UBND xã Phong Xuân xác nhận có sự việc vậy nhưng không đến mức như ông Nguyên tố cáo.

Ông Cân nói: "Sau khi vụ việc xảy ra tôi được anh em báo lại rằng, ông Nguyên khi đó cũng hung hăng chửi bới. Mọi hành động của ông Nguyên đều được người dân chứng kiến hết. Sau khi ông Nguyên điều trị trên viện, phía lãnh đạo xã đã đến thăm hỏi và động viên.

Sau vụ việc, anh Tín có nhận đẩy ông Nguyên một cái nhưng không đến nỗi chảy máu đầu như vậy. Có lẽ do xô qua xô lại trong phòng, ông Nguyên lại lớn tuổi nên va đập chảy máu đầu. Tôi nghĩ đánh một cái không đến mức phải nằm viện".

Liên quan đến thông tin vì không cho ông Nguyên ghi âm nên xảy ra vụ va chạm trên, ông Cân nhận định: "Tôi nghĩ mình là người ngay thẳng nên không có gì phải cấm cả, chỗ nào đúng sai cho họ ghi âm, nhưng anh em trẻ quá lại bồng bột nên không xử lý được.

Công an cũng chưa có nhiều kinh nghiệm nên họ nhiều khi đề phòng quá khiến cả hai không hợp tác với nhau rồi xảy ra vụ xô xát".

Thương tích của ông Văn Đức Nguyên.

Phản xạ nên đẩy

Trước vụ việc trên, anh Trần Văn Tín - Trưởng công an xã cho biết: "Sự việc trên không hẳn là như vậy. Khi làm việc, ông Nguyên có dùng điện thoại ghi âm và tôi có giải thích không được ghi âm nơi làm việc nhưng ông Nguyên không đồng ý rồi vùng vằng chửi bới, thậm chí xé luôn hồ sơ vụ việc hôm đó.

Sau đó ông Nguyên tiếp tục chửi bới và xúc phạm công an, hơn thế ông Nguyên xông vào đấm tôi mấy cái nhưng tôi né được, chỉ bị tím tay.

Ông Nguyên còn túm áo giằng co với tôi, lúc này trong phòng có 3 cán bộ họ chứng kiến và ngăn lại thì ông Nguyên đánh trả khiến Chủ tịch Hội nông dân bị thương.

Sau khi đánh cán bộ, ông Nguyên tiếp tục đánh tôi. Theo phản xạ tôi đẩy ông ra và ông Nguyên ngã vào bàn dẫn đến chảy máu đầu. Chưa dừng lại, ông vẫn tiếp tục đánh tiếp và tôi phải chạy ra sân, sau đó báo công an đến giải quyết.

Đặc biệt mặc dù bị chảy máu đầu nhưng ông Nguyên không chịu đi sơ cứu vết thương, đến khi cán bộ y tế phải đến sơ cứu".

Ông Tín thanh minh tiếp: "Trong tình huống ấy, tôi không hề dùng một dụng cụ hay vật dụng gì đánh ông Nguyên cả.

Cái này chỉ là xô xát giữa hai bên, không phải vì chuyện ghi âm nhỏ nhặt mà công an đánh dân chấn thương.

Nếu ban đầu ông trình bày và xin ghi âm thì chúng tôi sẵn sàng cho ông ghi âm chứ không có gì quá khó khăn cả. Tuy nhiên trong trường hợp này ông không nói gì mà tự ý ghi âm, khi được công an nhắc nhở ông vẫn không đồng ý và nổi nóng, xé hồ sơ rồi chửi bới.

Bình thường ông đánh thì mình bình tĩnh bỏ tay ra, trong trường hợp này ông tiếp tục đánh nên tôi chỉ có phản xạ đẩy ra. Nếu công an đánh người thì lại khác bởi chúng tôi trước đó đã được rèn luyện nên cũng được trang bị những cái cần.

Sau sự việc này tôi cũng sẽ rút ra được nhiều kinh nghiệm hơn. Sự việc đến đâu thì pháp luật giải quyết đến đó, khi mời người lên làm việc phải đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho họ. Không được để sự việc xảy ra quá đà rồi dẫn đến tình huống như vậy được".

Thanh Thanh

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/phap-luat/tin-tuc-phap-luat/ghi-am-khi-lam-viec-bi-danh-nhap-vien-day-mot-cai-3331694/