Ghé thăm những ngôi chùa cổ kính nổi tiếng ở Huế

Huế được biết đến là vùng đất Phật giáo, vùng đất của tâm linh với hàng trăm đền chùa khác nhau. Đây là một di sản 'sống' nuôi dưỡng khát vọng sâu xa về tâm linh của người dân Huế.

Là “Kinh đô Phật giáo” nên không lạ gì khi Huế có hơn 300 ngôi chùa và niệm phật đường lớn nhỏ, trong đó có khoảng 100 ngôi cổ tự. Các ngôi chùa hầu như vẫn giữ được kiến trúc cổ kính, mang đậm màu sắc Phật giáo. Nơi đây chứa đựng những giá trị tâm linh, văn hóa, lịch sử của vùng đất cố đô.

Dưới đây là gợi ý một vài ngôi chùa nổi tiếng ở Huế mà mọi người có thể đến để chiêm ngưỡng, cúng bái hoặc tham quan.

Chùa Thiên Mụ

Nhắc đến Huế làm sao có thể bỏ qua ngôi chùa cổ “Thiên Mụ” (“Linh Mụ”) với tuổi đời hơn 400 năm, được xây dựng vào năm 1601 bởi chúa Tiên Nguyễn Hoàng - vị chúa Nguyễn đầu tiên ở Đàng Trong. Chùa nằm ở tạ ngạn sông Hương, trên ngọn đồi Hà Khê thơ mộng, cây xanh phủ dày, gió mát rượi bốn mùa. Chùa Thiên Mụ nổi tiếng và thu hút du khách bốn phương, không chỉ bởi những câu chuyện huyền thoại kỳ bí mà còn một vẻ đẹp cổ kính thâm nghiêm, cộng với sự bình yên, thơ mộng.

Du khách có thể chiêm ngưỡng các công trình kiến trúc như cửa Tam Quan cao vút, tháp Phước Duyên 7 tầng cao 21m hay Ðiện Ðại Hùng. Chùa mang trong mình những giá trị văn hóa và kiến trúc đặc biệt của triều Nguyễn, là một điểm đến tâm linh cho du khách muốn khám phá vẻ đẹp của Huế.

Chùa Thiên Mụ ở địa chỉ: Phường Hương Long, Thành phố Huế

Chùa Huyền Không Sơn Thượng

Đây là một ngôi chùa thuộc hệ phái Nam tông được Thượng tọa Giới Đức khai sơn vào năm 1989. Chùa nằm ở núi Chầm, thôn Chầm, phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà, cách trung tâm thành phố khoảng 17km. Tách biệt với cuộc sống xô bồ ở khu vực thành phố, chùa thu gọn mình trong một thung lũng, giữa những triền đồi, rừng thông bạt ngàn được gọi là Vạn tùng sơn trên độ cao hơn 300m so với mực nước biển. Khi đến đây, chúng ta sẽ có cảm giác như lạc bước vào chốn thần tiên. Phong cảnh sơn thủy hữu tình, tiếng suối chảy rì rào mà êm tai, mang lại cho ta tâm hồn thư thái.

Chùa Huyền Không Sơn Thượng ở địa chỉ: Thôn Chầm, phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà.

Chùa Từ Đàm

Chùa Từ Đàm cũng là một ngôi chùa cổ nổi tiếng ở Huế, do Thiền sư Minh Hoằng - Tử Dung khai sơn vào khoảng cuối thế kỉ XVII. Chùa Từ Đàm được biết đến nhờ vai trò quan trọng của chùa trong công cuộc chấn hưng và phát triển của Phật giáo Việt Nam thời kỳ cận đại và cuộc đấu tranh vì hòa bình và tự do tín ngưỡng. Hiện nay chùa là trụ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế.

Chùa nằm gần trung tâm thành phố nên rất thuận tiện cho người dân và du khách đến đây cúng bái hay tham quan.

Chùa Từ Đàm ở địa chỉ: số 1 Sư Liễu Quán, Phường Trường An, Thành phố Huế.

Chùa Báo Quốc

Chùa nằm trên ngọn đồi Hàm Long, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 1km về phía tây. Nơi đây có một con suối chảy từ đỉnh đồi xuống khuôn viên chùa, tạo ra một không gian yên bình và thanh tịnh. Chùa là một trong những tổ đình cổ nhất ở Huế và có vai trò quan trọng trong việc tu học. Ngoài là nơi thờ tự, chùa còn là trung tâm tu học của xứ Huế, với Trường Trung cấp Phật học Huế được đặt tại đây. Thiên nhiên và kiến trúc của chùa mang một vẻ đẹp thiên nhiên và lịch sử, giữ được hồn xưa tĩnh mặc.

Chùa Báo Quốc ở địa chỉ: 17 Bảo Quốc, Phường Phường Đúc, Thành phố Huế.

Chùa Từ Hiếu

Chùa Từ Hiếu nằm trên một khu đồi núi thấp khá bằng phẳng, cách Đàn Nam Giao khoảng 2km. Đây chính là chùa tổ nơi thiền sư Thích Nhất Hạnh xuất gia tu hành, tịnh dưỡng và viên tịch. Chùa Từ Hiếu được xây dựng theo kiến trúc truyền thống của ngôi chùa Việt Nam.

Ngoài ra, Chùa Từ Hiếu còn có vai trò quan trọng trong việc bảo tồn di sản văn hóa. Chùa là nơi chôn cất các vị thái giám triều Nguyễn - sau khi hết tuổi phục vụ triều đình thì họ về đây sinh sống an dưỡng tuổi già tới khi mất.

Chùa Từ Hiếu khuất sau những hàng thông xanh ngút ngàn, có hồ sen, ao cá tạo nên một phong cảnh trầm mặc, thanh tịnh đậm chất chốn cửa thiền. Chùa là một trong những ngôi cổ tự lớn và là một danh lam có tính văn hóa, lịch sử của cố đô Huế.

Chùa Từ Hiếu ở thôn Dương Xuân Thượng III, Phường Thủy Xuân, Thành phố Huế.

Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã

Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã là một ngôi thiền viện thuộc phái Thiền Trúc Lâm Yên Tử. Nằm bên cạnh hồ Truồi và trên ngọn núi Linh Sơn trong dãy Bạch Mã, nơi này mang đến một cảnh quan tuyệt đẹp như bức tranh thủy mặc sống động. Với hồ nước yên ắng hòa với tiếng suối reo rì rèo, muôn chim đua hót, thiền viện trở thành điểm đến quen thuộc cho người dân Huế và du khách khi muốn tận hưởng không gian thiên nhiên thơ mộng và yên bình.

Dù nằm xa trung tâm thành phố, nhưng nơi này vẫn thu hút sự quan tâm của du khách bởi sự thanh bình và sự kết hợp hoàn hảo giữa thiền viện và thiên nhiên xung quanh.

Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã ở Lộc Điền, Phú Lộc, Thừa Thiên Huế)

Chùa Từ Lâm

Chùa được Thiền sư Từ Lâm khai sơn vào cuối thời chúa Nguyễn Phúc Tần (1649 - 1687). Hiện tại chùa vẫn lưu giữ bộ tượng cổ bằng gỗ mít có giá trị nghệ thuật bao gồm tượng đức Phật Thích Ca, tượng Ca Diếp và tượng A Nan. Vào năm 2022, chùa đã được trùng tu hoàn thiện, mang lại một vẻ đẹp cổ kính, uy nghiêm.

Mỗi năm, chùa tổ chức 4 khóa tu theo từng mùa dành cho các bạn trẻ vừa để tìm hiểu các nghi thức trong Phật giáo vừa để gieo hạt giống Bồ Đề trong tâm, khuyến khích việc tu thân và hành thiện. Đây là những hoạt động ý nghĩa của chùa để lan tỏa triết lý Phật pháp và nuôi dưỡng lòng tin của cộng đồng.

Chùa Từ Lâm ở 27 Trần Thái Tông, Phường Thủy Xuân, Thành phố Huế

Chùa Ba La Mật

Chùa Ba La Mật là một ngôi chùa nổi tiếng do Đại sư Viên Giác (tên thật Nguyễn Khoa Luận) khai sơn vào năm 1886. Đặc biệt, chùa có hai bộ tượng gỗ A La Hán gồm 18 vị, trong đó bộ tượng A La Hán cưỡi thú được chế tác rất tỉ mỉ và tinh xảo. Không gian của chùa cũng rất thoáng đãng và yên bình. Khi ghé thăm ngôi chùa này, chúng ta sẽ cảm nhận được không khí tĩnh lặng, giúp cho lòng ta trở nên an lạc và thư thái hơn.

Chùa Ba La Mật ở 366 Nguyễn Sinh Cung, Phú Thượng, Phú Vang, Thừa Thiên Huế.

Chùa Tường Vân

Tiền thân của chùa là thảo am Tường Vân, do nhà sư Tánh Hoạt Huệ Cảnh lập khoảng năm 1843. Cùng lúc đó, sư Tánh Huệ Nhất Chơn cũng dựng thảo am Từ Quang cách đó không xa. Sau khi sư Tánh Huệ viên tịch, sư Hải Toàn Linh Cơ đã hợp nhất hai thảo am trên địa điểm am Từ Quang để lập chùa và lấy tên là chùa Tường Vân.

Ngôi chùa là nơi Đại lão Hòa thượng Thích Tịnh Khiết, Hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam từ năm 1951, Đệ nhất Tăng thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất ở miền Nam năm 1964, đã từng xuất gia tu học từ năm 1905.

Khuôn viên chùa có diện tích rộng khoảng 30.000m2 và được bao bọc bởi la thành, tạo nên một không gian yên tĩnh và thanh bình. Vườn chùa rộng lớn và được trang trí với nhiều loại cây, hoa cảnh, sân chùa có hồ bán nguyệt, non bộ và chiếc giếng cổ. Toàn bộ hệ thống kiến trúc chùa theo hình chữ khẩu, theo kiến trúc chùa Huế, tạo ra một không gian linh thiêng và mang lại cảm giác an nhiên cho những ai đến viếng chùa.

Chùa Tường Vân ở đườngTrần Nhân Tông, Phường Thủy Xuân, Thành phố Huế

Chùa Thánh Duyên

Thánh Duyên là ngôi quốc tự nằm trên ngọn núi nhỏ Túy Vân. Trong một lần chúa Nguyễn Phúc Tần (1648-1687) đi qua ngon núi này, thấy phong cảnh thơ mộng, hữu tình, bèn lập ngôi chùa nhỏ đặt tên Mỹ Am Sơn để cầu phúc, an dân. Đến năm, vua Minh Mạng cho tu sửa lại và đổi tên thành chùa Thánh Duyên.

Chùa mang đậm phong cách kiến trúc thời nhà Nguyễn với lối xây “trùng thiềm điệp ốc”. Phía sau cùng, trên đỉnh núi là tháp Điều Ngự 3 tầng cao chừng 13m. Đứng ở tầng cao nhất của tháp có thể chiêm ngưỡng cảnh đầm phá Cầu Hai mênh mông bát ngát cùng dãy núi Bạch Mã hùng vỹ. Chùa Thánh Duyên đã được xếp hạng là di tích Kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia theo Quyết định số 310-QĐ/ BT ngày 13/1/1996.

Chùa Thánh Duyên ở xã Vinh Hiền, Phú Lộc, Thừa Thiên Huế

Chùa Thiền Lâm

Chùa Thiền Lâm theo hệ phái Nam Tông với lối kiến trúc đặc trưng của Ấn Độ, Thái Lan. Điểm ấn tượng khi đặt chân đến chùa là 2 bức tượng Phật với 2 tư thế đứng - nằm nổi bật, được xem là biểu tượng của sự thanh thản và sự tỉnh thức.

Đi vào phía sâu trong chùa là bảo tháp Miến Điện mô phỏng theo kiểu chùa Sirimagala của Myanmar, xung quanh bảo tháp có 4 tượng sư tử nhìn về 4 hướng Đông - Tây - Nam - Bắc, biểu trưng cho quyền uy và niềm tin.

Chùa Thiền Lâm nằm trên ngọn đồi Quảng Tế yên bình, mang lại một không gian tĩnh lặng cho những ai muốn tu thiền hay dành ít thời gian để suy ngẫm.

Chùa Thiền Lâm ở địa chỉ 22/54 Lê Ngô Cát, Phường Thủy Xuân, Thành phố Huế

Chùa Huyền Không

Một trong những ngôi chùa theo hệ phái Nam Tông khác ở Huế là chùa Huyền Không. Điểm nổi bật nhất là Bảo tháp Đại Giác khi xây dựng theo nguyên mẫu đại tháp Mahā Bodhi Gāya của Ấn Độ. Ngoài ra, kiến trúc của chùa là sự giao thoa giữa văn hóa Ấn Độ - Thái Lan - Việt Nam. Nhờ điều này, chùa mang trong mình một khung cảnh rất độc đáo và thu hút du khách đến chiêm ngưỡng.

Tất cả các công trình trong khuôn viên chùa tạo nên không gian linh thiêng và mang lại cho du khách một trải nghiệm tâm linh sâu sắc khi ghé thăm.

Chùa Huyền Không ở Phường Hương Hồ, Thành phố Huế

Chùa Quảng Tế

Ngôi chùa này đã tồn tại từ cuối đời vua Gia Long, khi được. một nhà sư thuộc phái Lâm Tế khai sơn Sau đó, bà Thanh Giản đến lập am tu hành tại đây và đặt tên là Quảng Tế am. Khoảng đầu đời vua Thiệu Trị, bà Thanh Giản quyết định giao chùa cho ngài Hải Nhu.

Mặc dù đã trải qua nhiều lần trùng tu, chùa Quảng Tế vẫn giữ được nét thanh tịnh và mang một không gian yên bình chốn thiền môn. Quy mô và kiến trúc của ngôi chùa cũng đã được xây dựng lại để đáp ứng nhu cầu tu hành và tĩnh tâm của quý chư Tăng và Phật tử.

Chùa Quảng Tế ở địa chỉ 12 Thanh Hải, Phường Trường An, Thành phố Huế

Đặng Trần Nhật Anh/Visithue.vn

Nguồn PetroTimes: https://dulich.petrotimes.vn/ghe-tham-nhung-ngoi-chua-co-kinh-noi-tieng-o-hue-693453.html