Gen Z đỗ phỏng vấn nhưng không đi làm

Nhiều doanh nghiệp cho rằng Gen Z có vấn đề về sự cam kết, bởi không ít ứng viên bỏ mặc nhà tuyển dụng trong các buổi hẹn, không đến công ty sau khi nhận việc.

Hiện tượng ghosting của ứng viên gây khó khăn cho doanh nghiệp. Ảnh minh họa: Pexels.

"Ghosting" - hành động tự nhiên im lặng, không đưa ra lời giải thích rồi biến mất - không còn là thuật ngữ chỉ dành cho việc hẹn hò nữa. Giờ đây, Gen Z đang đối xử với những nhà tuyển dụng tiềm năng của họ như vậy.

Nhiều ứng viên không xuất hiện trong buổi phỏng vấn xin việc, thậm chí họ không đến công ty trong ngày đầu tiên làm việc và biến mất mà không hề có một cuộc gọi hay email xin phép, theo Fortune.

Indeed đã khảo sát 1.500 doanh nghiệp và 1.500 người lao động ở Anh và nhận thấy tình trạng ghosting trong tuyển dụng đang ngày càng phổ biến. 75% người lao động cho biết họ đã phớt lờ một nhà tuyển dụng tiềm năng trong năm qua.

Thế hệ nhân sự trẻ ở chốn công sở là những người hay mắc lỗi này nhất. 93% Gen Z nói với Indeed rằng họ từng bỏ qua một cuộc phỏng vấn. Tệ hơn nữa, 87% cho biết dù đã trúng tuyến, họ không đến công ty vào ngày đầu tiên nhận việc, sau đó biến mất mãi mãi.

Vậy lý do của người trẻ là gì? Theo kết quả khảo sát, hành động ghosting khiến họ “cảm thấy kiểm soát được sự nghiệp của mình".

Tuy nhiên, hành vi thiếu trách nhiệm này lại có tác động lớn đến các doanh nghiệp. Hơn 50% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết việc ghosting khiến quá trình tuyển dụng trở nên khó khăn hơn.

93% Gen Z tham gia khảo sát cho biết họ từng "ngó lơ" nhà tuyển dụng. Ảnh minh họa: MART PRODUCTION/Pexels.

Không phải chỉ Gen Z

Mặc dù Gen Z (sinh năm 1997-2012) là "thủ phạm" lớn nhất trong vấn đề này, những người lao động thuộc thế hệ khác, như Baby Boomers (sinh năm 1946-1964), Gen X (sinh năm 1965-1980) và Millennials (sinh năm 1981-1996), cũng không phải ngoại lệ.

Dữ liệu nghiên cứu cho thấy mọi người đều từng ghosting doanh nghiệp ít nhất một lần. Gần 50% người được khảo sát cho biết họ có kế hoạch thực hiện lại màn biến mất một lần nữa. 1/3 trong số đó cho rằng việc phớt lờ nhà tuyển dụng là hành vi có thể chấp nhận được trước cuộc phỏng vấn.

Tuy nhiên, những người lao động thế hệ trước thường cảm thấy hối hận về việc họ đã làm, khác với Gen Z.

Ví dụ, thế hệ Millennials cảm thấy lo lắng sau khi phớt lờ nhà tuyển dụng và sợ tác động tiêu cực có thể ảnh hưởng đến cơ hội nghề nghiệp của họ trong tương lai.

Ngay cả các doanh nghiệp cũng phạm phải vấn đề này. Một số nhân sự phàn nàn rằng nhà tuyển dụng đã không đến gặp họ ở cuộc hẹn phỏng vấn. Ngoài ra, 23% ứng viên cho biết họ đã nhận được lời mời nhận việc qua điện thọa, nhưng sau đó bị bỏ quên.

Đó là lý do người lao động hiện nghĩ rằng việc ghosting là một trò chơi công bằng. Hơn 50% nhân sự đồng ý rằng vì nhà tuyển dụng ghosting ứng viên, nên họ có thể làm điều ngược lại. Bất ngờ hơn là 1/3 số công ty được khảo sát cũng cho rằng quan điểm này là hợp lý.

Gen Z không phải là "tội phạm" duy nhất trong xu hướng này. Ảnh minh họa: Cottonbro Studio/Pexels.

Đâu là giải pháp?

Đối với nhiều nhà tuyển dụng, họ cho rằng thế hệ Z có vấn đề về sự cam kết.

Cuối năm ngoái, bởi quá chán cảnh ứng viên trẻ không xuất hiện trong cuộc phỏng vấn, Christina Qi, Giám đốc tài chính của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), đã đăng bài trên X nhằm phàn nàn.

“Một ứng viên đã vắng mặt sau khi xác nhận cuộc hẹn phỏng vấn với tôi. Thật tốn thời gian! Tôi biết rằng đại học không phải là dành cho tất cả, nhưng cuộc hẹn này có thể ảnh hưởng đến nơi bạn sẽ đi trong 4 năm tiếp theo của cuộc đời”, cô viết.

Tương tự, Cơ quan Thống kê Quốc gia (ONS) của Anh cũng nhận thấy rằng Gen Z rất khó xác định.

Cơ quan chính phủ buộc phải loại bỏ những dữ liệu về tình hình việc làm vì các thanh niên trẻ tuổi không quan tâm đến việc khảo sát của họ. Điều này gây khó khăn cho việc thu thập thông tin và phân tích xu hướng về thị trường lao động và việc làm của người trẻ tại Anh.

Dữ liệu từ Indeed cho thấy để ngăn chặn hiện tượng ứng viên bỏ cuộc đột ngột, các doanh nghiệp nên đề xuất một gói thưởng hấp dẫn. Cụ thể, người lao động xếp hạng lương cao hơn là yếu tố quan trọng nhất, tiếp theo là các lợi ích khác như bảo hiểm, phúc lợi và các chế độ làm việc linh hoạt.

Các gói thưởng hấp dẫn, mức lương cao, nhiều phúc lợi là yếu tố để thu hút nhân sự. Ảnh minh họa: Edmond Dantès/Pexels.

Indeed phát hiện ra rằng cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đã khiến hiện tượng ghosting trở nên trầm trọng hơn, với khoảng 40% số người được khảo sát thừa nhận rằng họ có nhiều khả năng phớt lờ nhà tuyển dụng nếu tìm được một công việc có mức lương cao hơn hoặc chỗ làm gần nhà hơn.

Bên cạnh đó, Gen Z buộc phải từ chối các lời đề nghị vì họ không thể chi trả các chi phí để bắt đầu công việc mới, như mua quần áo phù hợp với công việc, xăng xe hàng tháng…

“Rõ ràng yếu tố tài chính là điều hấp dẫn nhất để các doanh nghiệp thu hút nhân tài và ngăn chặn hiện tượng ghosting khi tuyển dụng", Danny Stacy, người đứng đầu bộ phận nhân tài của Indeed tại Anh, kết luận.

Thiên An

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/gen-z-do-phong-van-nhung-khong-di-lam-post1468005.html