Gazprom tiếp tục cung cấp khí đốt bất chấp tranh chấp với Naftogaz của Ukraine

Gã khổng lồ khí đốt Gazprom (Nga) đã duy trì dòng khí đốt đến châu Âu qua trạm khí đốt Sokhranovka (tỉnh Lugansk, Ukraine) bất chấp tranh chấp quá cảnh đang diễn ra với Naftogaz (Ukraine).

Theo dữ liệu từ Gazprom, lưu lượng khí đốt quá cảnh của Ukraine vẫn ổn định ở mức trên 40 triệu mét khối mỗi ngày.

Giám đốc điều hành Gazprom Alexei Miller trước đó đã đe dọa áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Naftogaz khi công ty này tiếp tục theo đuổi vụ kiện về việc Gazprom không thanh toán phí vận chuyển.

Ảnh minh họa: Oilprice.

Theo Naftogaz, "các khoản tiền đã không được Gazprom thanh toán, không đúng hạn cũng như không đầy đủ" cho quá trình vận chuyển khí đốt. Năm ngoái, Ukraine đã đình chỉ dòng khí đốt qua Sokhranovka, nơi cung cấp gần 1/3 nhiên liệu từ Nga đến châu Âu thông qua Ukraine.

Kể từ tháng 2/2022, doanh thu và lợi nhuận của Gazprom sụt giảm nghiêm trọng sau khi châu Âu cắt giảm mạnh việc mua khí đốt từ nước này.

Lợi nhuận của công ty trong năm tài chính 2022 đạt 1,226 nghìn tỷ rúp (15,4 tỷ USD), thấp hơn 41% so với năm 2021 do công ty viện dẫn lý do giảm thuế vì bị Moscow áp đặt vào năm ngoái.

Công ty đã quyết định không trả cổ tức cho cả năm 2022, trước đó đã trả cổ tức tạm thời 1,208 tỷ rúp (15 tỷ USD) vào mùa thu năm ngoái cho kết quả được ghi nhận trong nửa đầu năm 2022.

Phó Tổng giám đốc Gazprom Famil Sadygov đã cố gắng tạo ra một góc nhìn tích cực về tình hình thực tế: “Chúng tôi không chờ đợi kết quả trong cả năm mà mang đến cho các cổ đông cơ hội nhận trước một số tiền đáng kể. Do đó, cổ tức nhận được có giá trị thực tế cao hơn số tiền đã trả”.

Hoạt động kinh doanh đã khiến cổ phiếu của Gazprom giảm sâu hơn nữa, đưa mức lỗ trong 12 tháng lên gần 10%. Tuy nhiên, cổ phiếu của các công ty cùng ngành dầu khí của Nga đã hoạt động tốt hơn, với cổ phiếu của Rosneft tăng 54,3% trong khi Novatek tăng 52,6%.

Nền kinh tế Nga hứng chịu loạt lệnh trừng phạt từ phương Tây sau chiến sự ở Ukraine từ tháng 2/2022. Ngành năng lượng Nga dường như chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, khi nguồn thu từ dầu và khí đốt giai đoạn tháng 1-5 chỉ bằng gần một nửa so với cùng kỳ năm trước, do giá dầu thấp hơn và khối lượng xuất khẩu khí đốt tự nhiên giảm. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán nền kinh tế Nga chỉ tăng trưởng 0,7% trong năm nay.

Tuy nhiên, giới chức Nga vẫn lạc quan về khả năng kinh tế tăng trưởng. Thủ tướng Mishustin hôm 4/7 báo cáo với Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng tăng trưởng GDP nước này có thể vượt 2% trong năm nay và lạm phát giá tiêu dùng hàng năm có thể không vượt 5%.

Khánh Vy (Theo Oilprice)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/gazprom-tiep-tuc-cung-cap-khi-dot-bat-chap-tranh-chap-voi-naftogaz-cua-ukraine-post256258.html