Gây tranh cãi, thép Cà Ná của Hoa Sen vẫn được đưa vào quy hoạch

Bất chấp phản đối của các chuyên gia, Bộ Công thương vẫn đưa dự án thép Cà Ná của Tập đoàn Hoa Sen vào dự thảo quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch hệ thống sản xuất thép đến năm 2025.

Theo dự thảo quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch hệ thống sản xuất thép đến năm 2025, định hướng đến năm 203 do Bộ Công thương công bố, Bộ này chủ trương khuyến khích đầu tư các khu liên hợp thép ở ven biển, nơi có nhiều cảng nước sâu, quỹ đất còn nhiều và không ảnh hưởng đến an ninh lương thực (song an ninh môi trường biển lại đầy rủi ro). Đồng thời, dự thảo cũng đề cập đến việc ưu tiên phát triển sản xuất thép tại miền núi, nơi có các mỏ sắt trữ lượng đủ lớn để đầu tư nhà máy sản xuất khép kín, sử dụng công nghệ tiên tiến và quy mô thích hợp.

Cụ thể, tại phần phụ lục “các nhà máy xây dựng trong giai đoạn 2015 – 2020” có tên dự án thép Cà Ná giai đoạn 1 của Tập đoàn Hoa Sen và Liên hợp thép Quảng Ngãi (Dung Quất). Nội dung dự thảo cho thấy khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná ở Ninh Thuận giai đoạn 1 với công suất 6 triệu tấn/năm do Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen làm chủ đầu tư.

Trong định hướng quy hoạch hệ thống, đầu tư mở rộng sản xuất thép đến năm 2035 cũng có lộ trình thực hiện 4 giai đoạn tiếp theo của dự án thép Hoa Sen Cà Ná. Giai đoạn 2 dự kiến triển khai năm 2022 với công suất được nâng lên gấp đôi. Giai đoạn 3 là năm 2025, giai đoạn 4 năm 2028. Khi kết thúc giai đoạn 5 vào năm 2031, khu liên hợp này có tổng công suất 32 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa xác định thời điểm cụ thể triển khai giai đoạn 1 dự án.

Từ khi thông tin về dự án thép Cà Ná được công bố rộng rãi, nhiều chuyên gia đã công khai lên tiếng phản đối, vì những nhà máy thép có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường, như trường hợp của Formosa. Trong một lần trao đổi với báo chí, GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), nhận định: “Một số ngành công nghiệp gang thép cần rất thận trọng và nếu được không nên phát triển thêm bất kỳ dự án thép nào nữa vì chúng ta có thể là nước đi sau, rõ ràng có thể tránh được những vết xe đổ của các nước đi trước”.

Lý do chính để Bộ Công thương bảo vệ cho dự án gây tranh cãi này là dự báo về thiếu hụt lượng thép, làm gia tăng tình trạng nhập siêu. Tuy nhiên, dự báo công suất ngành thép đến năm 2025 chỉ vào khoảng 20 triệu tấn, nhưng riêng thép Cà Ná là 16 triệu tấn đang đặt ra nguy cơ sản xuất thừa. Chưa kể, ông Mại cũng đưa ra dẫn chứng, Trung Quốc đang thừa lượng lớn thép và đã bắt đầu bỏ các nhà máy gang thép công suất dưới 2 triệu tấn trong 3 năm qua vì không có lợi cho kinh tế, môi trường. Liệu thép Việt Nam, được đặt trong tay một tập đoàn không có nhiều kinh nghiệm về luyện thép, có thể cạnh tranh với Trung Quốc?

Bên cạnh đó, dù Bộ Công thương luôn khẳng định không đánh đổi môi trường để làm thép, dự án Formosa cũng đã từng trải qua nhiều tầng phê duyệt, cũng thực hiện đánh giá môi trường bài bản, nhưng chưa cần chính thức vận hành đã để lại vết thương không nhỏ cho môi trường biển miền Trung. GS Mại đặt câu hỏi: “Trên thế giới, khâu đánh giá tác động môi trường được coi trọng nhưng không quan trọng bằng việc theo dõi trong xây dựng, bắt đầu đưa vào vận hành. Liệu với dự án của Hoa Sen có thể thực hiện được điều đó không?” Còn theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, bài học còn đang nóng hổi thì không nên chấp nhận một dự án tương tự.

Thay vì “đi vào vết xe đổ của các nước khác”, ông Mai cho rằng Việt Nam nên bỏ qua những ngành công nghiệp cổ điển, thay vào đó là đầu tư vào công nghiêp hiện đại như hợp kim cao cấp, vật liệu nano. Chẳng hạn, đầu tư công nghệ hiện đại sản xuất hợp kim cao cấp, nhập khẩu công nghệ ở những nước tiên tiến, nước G7 với giá trị bằng 5-7 lần so với sản xuất thép.

Ngoài dự án thép Cà Ná, có một dự án khác đáng chú ý là Liên hợp thép Quảng Ngãi (Dung Quất). Theo dự thảo giai đoạn 2015 – 2020, dự án này được triển khai với công suất 7 triệu tấn/năm và sẽ đạt công suất 14 triệu tấn/năm vào năm 2025.

Cà Ná là một nơi có vị trí xung yếu, chỉ cách Cam Ranh 75km, với cảng nước sâu, hàng trăm năm qua chưa có bão, lý tưởng cho tàu thuyền neo đậu. Vùng này còn gần nhiều dự án quan trọng như nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân (có nguồn vốn đầu tư của Trung Quốc).

PV

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/xa-hoi-thoi-su/gay-tranh-cai-thep-ca-na-cua-hoa-sen-van-duoc-dua-vao-quy-hoach