Gặp phiền toái khi cho mượn nhà, bài học kinh nghiệm rút ra

Phản ánh đến Báo Pháp Luật TP.HCM, bạn đọc QA (quận Bình Tân, TP.HCM) chia sẻ những phiền phức khi cho mượn nhà.

Anh QA phải về quê chăm mẹ già ốm bệnh nên cho người họ hàng mượn nhà để ở. Vì nghĩ để nhà không có người ở dễ bị hỏng xuống cấp nên anh cho mượn nhà. Thế nhưng tình anh em họ hàng cũng bị rạn nứt, nhà cửa thì bị tráo đổi đồ đạc, sửa chữa gây nên tình trạng mất mỹ quan.

Vì là người thân nên quá trình cho mượn nhà không làm hợp đồng, chỉ trao đổi miệng qua lại. Khi cha mẹ khỏi bệnh, anh quay trở lại thành phố để sinh sống. Anh đòi lại nhà nhưng người này không có ý định trả lại. Anh thông báo sẽ nhờ chính quyền địa phương can thiệp thì mới được trả lại.

Khi cho mượn nhà thì chủ nhà nên lập hợp đồng để tránh những rủi ro.

Nhà của anh bị cắt điện nước do người mượn dùng mà không trả tiền. Anh phải bỏ tiền túi của mình ra đóng tiền điện nước thì mới được cấp lại.

Bên cạnh đó, cánh cửa nhà thì bị hàn lại, anh phải thuê thợ về sửa. Nhà bị ngăn thành nhiều phòng làm thay kết cấu của ngôi nhà, bây giờ nếu tháo dỡ ra sẽ làm ngôi nhà tan nát, còn nếu để lại thì người mượn yêu cầu anh phải trả lại 50 triệu tiền sửa chữa. Vì sợ hỏng nhà nên anh đành bỏ 50 triệu đưa cho người mượn để xong chuyện. Khi đưa 50 triệu anh có lập văn bản về sự thỏa thuận này.

Anh A chia sẻ, vì muốn giúp đỡ người thân trong lúc khó khăn nên anh không lấy tiền nhưng khi đòi nhà thì thật là khó và gặp biết bao phiền toái. Khi 2 bên không đạt được thỏa thuận thì gây lộn, cãi vã và quan trọng hơn là mất đi tình nghĩa.

Sau khi nghe câu chuyện của anh, chúng tôi đã mời anh gặp luật sư trong chương trình Trợ giúp pháp lý tại Báo.

Luật sư Trần Vân Linh, đoàn Luật sư TP HCM, tư vấn:

Nếu anh có bằng chứng về việc người mượn nhà có những hành vi đe dọa, gây tổn hại đến sức khỏe của mình thì anh nên cung cấp cho công an địa phương.

Về ngôi nhà của mình bị thiệt hại, anh cần có những chứng cứ chứng minh về những thiệt hại do người mượn gây ra để có cơ sở yêu cầu bồi thường. Nếu các bên có thể thỏa thuận được với nhau để giải quyết thì nên lập biên bản về sự thỏa thuận này. Trong trường hợp nếu không thỏa thuận được thì có thể khởi kiện ra tòa yêu cầu tòa giải quyết. Nghĩa vụ chứng minh về những thiệt hại thuộc về người khởi kiện.

Trong cuộc sống vì tin tưởng nhau nên khi cho người khác ở nhờ thường không lập hợp đồng cho ở nhờ. Vì vậy, không ít trường hợp gia chủ “làm phúc phải tội” khi không lập hợp đồng. Trong trường hợp của anh A vừa thiệt hại về tài sản vừa mất tình thân.

Do đó, rút kinh nghiệm từ anh A, Luật sư Linh lưu ý khi trong trường hợp cho người khác ở nhờ: Để hạn chế rủi ro, tranh chấp khi cho ở nhờ, cho mượn nhà, chủ nhà nên xác lập hợp đồng. Nội dung hợp đồng cần có những điều khoản cơ bản sau:

- Quyền và nghĩa vụ của các bên;

- Thỏa thuận chi tiết về những trường hợp chủ sở hữu có quyền lấy lại nhà;

- Hiện trạng nhà trước khi cho ở nhờ;

- Thời hạn cho mượn, cho ở nhờ;

- Cách giải quyết nếu có tranh chấp phát sinh.

Sau khi được tư vấn, anh A ra về với tâm trạng thoải mái, trút đi được hết những nỗi lo âu trước đó. Mong rằng từ vụ việc của anh A, mọi người khi cho người thân ở nhờ thì cần lập hợp đồng cho ở nhờ để bảo vệ quyền lợi của mình trong trường hợp có rủi ro.

PHẠM TUYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/gap-phien-toai-khi-cho-muon-nha-bai-hoc-kinh-nghiem-rut-ra-post759357.html