Gặp nguyên mẫu 'Đại đội trưởng của tôi' của Đào Hồng Cẩm

Ông là nguyên mẫu trong một vở kịch nổi tiếng một thời của nhà viết kịch Đào Hồng Cẩm: 'Đại đội trưởng của tôi'. Ông còn mang một biệt danh khác 'Cọp đen ở Cồn Cỏ' trong chiến tranh chống Mỹ- người đã từng giữ kỷ vật của cựu thù hơn 40 năm. Tên ông là Trần Văn Thà, đại tá quân đội, hiện định cư tại Nha Trang.

Đại tá Thà trao chiếc dao cạo râu cho ông Neil Hannan -Ảnh: TRẦN ĐĂNG

Quần nhau với giặc ở Cồn Cỏ

Ông Trần Văn Thà tuổi Mậu Thìn (1928), quê Khánh Hòa nhưng thời oanh liệt của ông lại gắn liền với mảnh đất Quảng Trị.

Năm 1983, ông về hưu với quân hàm đại tá, “đóng chốt” hẳn tại Nha Trang cho đến nay. “Năm 1961 tôi đã có mặt tại vùng giới tuyến Vĩnh Linh, thuộc Trung đoàn 270, Sư đoàn 341. Năm 1965, khi không quân Mỹ bắt đầu đánh phá miền Bắc, hải quân Mỹ “nhòm ngó” Cồn Cỏ, tôi được điều động ra hòn đảo này, làm đại đội trưởng. Ra Cồn Cỏ ngày ấy là đồng nghĩa với hy sinh. Sau hơn 2 năm quần nhau với đủ các loại binh chủng Mỹ, đến cuối tháng 12.1967, đơn vị tôi đã trải qua 1.441 trận đánh lớn nhỏ với máy bay, tàu chiến và biệt hải Mỹ. Như vậy, bình quân mỗi ngày có hai trận đánh, không có thời gian để ăn chứ đừng nói đến ngủ”, ông Thà kể.

“Sao lại là “cọp đen?” hả bác?”. Tôi hỏi ông Thà. Ông cười: “Chắc anh em thấy tôi ... đen, lại lắm mẹo, Mỹ nó cũng bó tay, đánh hoài mà tôi vẫn không hề hấn gì nên họ đặt tên vậy”.

Cồn Cỏ chỉ rộng khoảng hơn 2 cây số vuông một chút chứ có phải núi cao rừng thẳm gì đâu mà một đại đội của quân giải phóng ở đó, Mỹ đánh hoài mà không “bứt gốc” được. Ông Thà kể rằng, có hôm, nó tập trung đủ các loại hỏa lực, bắn xối xả , bắn cấp tập hàng mấy tiếng đồng hồ, cứ tưởng Việt cộng chết ngủm hết rồi, thế là tàu chiến nó lù lù mò vô. Đợi nó đến sát, anh em “đòm” một phát, tàu nó bốc cháy, những chiếc còn lại, cong đuôi lên mà chạy tháo thân. Rồi cái bận tiêu diệt biệt hải Mỹ ngày 11.7.1967 cũng thế. Nó cũng tưởng Việt cộng chết sạch rồi nên mò lên. Và chúng đã phải trả giá đắt.

Ông Thà cho anh em đào công sự, xây boong ke ngay ở sát mép nước biển chứ không ở sâu trong đảo như lính của ông “nghi binh”. Đây là điều bất ngờ đối với lính Mỹ, chúng luôn đánh trật mục tiêu là vậy.

Những năm gần đây, khi mối bang giao Việt-Mỹ đã “ấm lại”, một số cựu chiến binh Mỹ từng tham gia chiến trường Quảng Trị tìm đến ông và lấy làm ngạc nhiên khi thấy một ông Thà hiền lành, chất phác, bao giờ cũng nhỏ nhẹ đến khiêm nhường, khác hoàn toàn với những trận đánh do ông chỉ huy khiến họ phải bạt vía kinh hồn thuở nào. Họ hỏi ông rằng chiến hạm nào đã tiếp tế cho Cồn Cỏ trong những năm ác liệt ấy? Ông bảo chả có chiến hạm nào cả, chỉ có một “chiến hạm” duy nhất, đó là máu của nhân dân Vĩnh Linh đã “tiếp tế” để Cồn Cỏ đứng vững trước đạn bom thôi.

Gần nửa thế kỷ giữ kỷ vật của cựu thù

Trong hành trang đời lính của mình, ông Thà luôn mang theo một kỷ vật. Đó là con dao cạo râu của một người lính Mỹ đã tử trận tại Gio Linh. Mùa hè năm 2016, tại nhà riêng ông Thà đã diễn ra một cuộc “bàn giao” chưa từng có trong đời quân ngũ của ông. Chiếc dao cạo râu đã theo ông 48 năm qua đã được trả lại cho thân nhân người lính Mỹ xấu số nọ.

Chiếc dao cạo râu mà ông Thà giữ của một người lính Mỹ -Ảnh: TRẦN ĐĂNG

Ngày đó, ông Thà là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 47, Trung đoàn 270, từng giao tranh với quân đội Mỹ qua rất nhiều trận đánh ác liệt tại mặt trận Quảng Trị. Chiếc dao cạo râu ấy là một kỷ niệm khó quên của ông Thà vì nó gắn với một trận đánh.

Đại tá Thà kể, ngày 6.5.1968, đơn vị ông giao tranh với một đơn vị quân đội Mỹ tại cánh đồng Nhĩ Trung - Nhĩ Hạ thuộc xã Gio Thành, huyện Gio Linh tỉnh Quảng Trị. Sau này ông mới biết đó là Đại đội A, Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn 196 của Mỹ. Trận đánh đã gây nhiều thương vong cho cả hai phía. Một số lính Mỹ đã thiệt mạng và họ không lấy được xác ngay lúc đó.

Khi đi “kiểm tra chiến trường”, ông Thà thấy một xác lính Mỹ đang nằm ven đường với dáng vẻ khác thường. “Có thể anh ta là một chỉ huy”, ông Thà suy đoán. Lật người anh ta lên, ông Thà phát hiện một con dao cạo râu khá lạ mắt, văng ra khỏi túi áo. Ông đã giữ con dao cạo râu ấy cho đến tận hôm nay.

Qua nhiều “kênh” khác nhau, những cựu binh Mỹ từng đánh nhau tại Quảng Trị đã tìm ra địa chỉ của viên chỉ huy trận đánh năm nào. Một ngày hè của năm 2014, ông Neil Hannan (67 tuổi), một đồng đội của người lính Mỹ xấu số nọ, may mắn thoát chết trong trận đánh tại cánh đồng Nhĩ Trung-Nhĩ Hạ, có ghé thăm ông Thà tại Nha Trang vì ông ấy biết, ông Thà là người đã chỉ huy một tiểu đoàn, từng “xáp mặt” với đơn vị ông tại Quảng Trị.

Hai bên hàn huyên một hồi, ông Thà mới kể chuyện chiếc dao cạo râu nọ và đem “khoe” với ông Neil Hannan. Sau khi nghe ông Thà thuật lại trận đánh ngày 6/5/1968 tại cánh đồng Nhĩ Trung-Nhĩ Hạ, rồi nhìn kỷ vật “quen thuộc” của bạn mình, ông Neil Hannan đã ồ lên một cách vui mừng đồng thời xác nhận, chiếc dao cạo râu cùng “dáng nằm khác lạ” khi chết ấy chính là Wiliam Kimball, chỉ huy trung đội của Neil Hannan.

Sau lần gặp đó, ông Neli Hannan về Mỹ và kể lại câu chuyện với người vợ ông Wiliam Kimball. Vợ ông Wiliam đã ủy quyền cho ông Neli Hannan xin lại kỷ vật của chồng mình. Và chiếc dao cạo râu- kỷ vật chiến tranh đã được trở về Mỹ sau 48 năm “lưu lạc” tại nhà đại tá Thà vào mùa hè năm 2016.

Nguyên mẫu “Đại đội trưởng của tôi”

Những năm lăn lộn tại chiến trường Quảng Trị, ông Thà có một kỷ niệm khó quên. Đó là lần gặp nhà viết kịch Đào Hồng Cẩm giữa năm 1968, lúc ông vào Vĩnh Linh để “thâm nhập thực tế chiến trường”. Ông Vũ Kỳ Lân (cùng với Nguyễn Sinh là tác giả tập “Ký sự miền đất lửa”, giải thưởng Hội Nhà văn VN năm 1979-T.Đ), bấy giờ là Chính ủy Bộ chỉ huy quân sự Vĩnh Linh có giới thiệu ông Thà với Đào Hồng Cẩm.

Ông Thà kể cho nhà biên kịch nhiều chuyện, trong đó có chuyện đơn vị ông (Tiểu đoàn 47) đánh chặn địch ở Cửa Việt cùng chi tiết “đắt giá” là Đảng ủy tiểu đoàn chỉ đạo rút quân ra để bảo toàn phiên hiệu đơn vị, nhưng trên đường đi, ông Thà với tư cách tiểu đoàn trưởng đã đứng ra kêu gọi mọi người quay trở lại chiến đấu và đã chiến thắng.

Nhà biên kịch Đào Hồng Cẩm có hứa với ông Thà là sẽ viết một vở kịch về câu chuyện này. Đến năm 1973, ông Thà có dịp ra Hà Nội và gặp lại Đào Hồng Cẩm. Ông Cẩm có đưa cho ông Thà xem bản thảo “Đại đội trưởng của tôi” để góp ý. Xem xong, ông Thà không ý kiến gì mà chỉ thắc mắc ... cho vui: “Tôi là tiểu đoàn trưởng mà anh “hạ cấp” tôi còn đại đội trưởng là sao?”. Ông Cẩm chỉ còn biết “phân bua” với nhân vật của mình rằng thời điểm bấy giờ chỉ dám phê phán cấp ủy đến mức... đại đội thôi chứ tiểu đoàn là chưa dám! Họ nhìn nhau cười xòa. Ông Thà nói rằng, xem vở kịch của Đào Hồng Cẩm ông như thấy ánh hỏa châu nơi chiến trường Vĩnh Linh soi rọi lên từng con chữ.

Hơn nửa thế kỷ rồi mà mỗi lần nhắc lại, ông vẫn rưng rưng...

Trần Đăng

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/gap-nguyen-mau-dai-doi-truong-cua-toi-cua-dao-hong-cam-185220.htm