Gặp người 3 lần chụp ảnh Bác Hồ

Dù đã cập tuổi 90, nhưng nghệ sĩ nhiếp ảnh Phan Đinh vẫn nhanh nhẹn tay máy, minh mẫn, khỏe mạnh. Trong căn nhà nhỏ ấm cúng ở phường Gia Cẩm, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, những tấm ảnh chụp Bác Hồ do chính tay ông bấm máy được in khổ lớn, đóng khung và treo trang trọng. Ông xem đó như là “gia tài” của đời mình sau những năm tháng gắn bó với công việc của một người thợ ảnh và biết bao chiếc máy ảnh. Đã gần 65 năm trôi qua, nhưng kỷ niệm lần đầu ông vinh dự được gặp và chụp ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người về thăm Vĩnh Phúc và cả những lần sau đó vẫn vẹn nguyên trong ông như mới vừa hôm qua.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Phan Đinh cùng vợ ôn lại kỷ niệm những lần được bấm máy chụp hình Bác

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Phan Đinh cùng vợ ôn lại kỷ niệm những lần được bấm máy chụp hình Bác

Chúng tôi đến thăm vợ chồng nghệ sĩ nhiếp ảnh Phan Đinh vào một ngày đầu Xuân năm mới. Khi chúng tôi ngỏ ý gợi lại chuyện xưa, bên chén trà nóng, ông không ngại trải lòng mình về những ký ức đã ghi dấu trong cuộc đời ông.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Phan Đinh - Hội viên Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, nguyên Giám đốc Công ty Nhiếp ảnh Vĩnh Phú - sinh năm 1933 tại xã Yên Phương, huyện Yên Lạc trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Bốn anh em ông đều tham gia kháng chiến và phục vụ kháng chiến chống thực dân Pháp.

Bản thân ông đã trải qua nhiều vị trí công tác như nhân viên văn phòng Huyện ủy Tam Dương; cán bộ của Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Vĩnh Phúc; rồi chuyển sang làm ở bộ phận in Li tô của Ty Tuyên truyền văn nghệ Vĩnh Phúc, in ấn các tác phẩm tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ kháng chiến.

Năm 1954, hòa bình lập lại ở miền Bắc, ông tiếp tục công tác ở Ty Tuyên truyền văn nghệ và khi Ty Văn hóa Vĩnh Phúc được thành lập (1956), ông được điều sang phụ trách công tác triển lãm và nhiếp ảnh, được phân công chụp ảnh tài liệu để phục vụ công tác tuyên truyền nhiệm vụ chính trị của địa phương. Kể từ đó, chiếc máy ảnh trở thành người bạn đồng hành gắn bó cùng ông cho đến những năm tháng về sau.

"Đời tôi đã được cầm trên tay không nhớ bao nhiêu chiếc máy ảnh, chụp bao nhiêu cuốn phim, nhưng quý giá nhất với tôi đó chính là những bức ảnh chụp Chủ tịch Hồ Chí Minh trong 3 lần Bác về Vĩnh Phúc: Lần thứ nhất, Bác đến thăm, làm việc tại Văn phòng Tỉnh ủy Vĩnh Phúc và đi thăm một đơn vị bộ đội ở Thành Đỏ (Phúc Yên) vào năm 1958.

Lần thứ hai, Bác về thăm nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc tại thị xã Vĩnh Yên vào tháng 3/1963. Lần thứ 3, vào tháng 7/1963, trong Đại hội giữa nhiệm kỳ của Tỉnh ủy, Bác tới thăm Nhà hát của tỉnh Vĩnh Phúc.

Những bức ảnh về Bác mà tôi đã chụp được không chỉ quý giá ở góc độ tư liệu lịch sử mà còn là cơ duyên, là niềm vinh dự của bản thân tôi vì được gặp Bác, được kính cẩn cất lời chào, xin phép Bác và đã được Bác đáp lại bằng cái gật đầu thân mật cùng ánh mắt, nụ cười trìu mến.

Điều đó làm tôi nhớ mãi và luôn dặn lòng phải thật cố gắng để xứng đáng với nụ cười thông cảm, động viên của Bác dành cho tôi từ buổi đầu ấy" - ông Đinh chia sẻ.

Kể về lần đầu được gặp và chụp ảnh Bác, ông viết trong nhật ký:

“Khoảng 8h ngày 24/12/1958, tôi đang làm việc thì ông Trần Gia Bằng, Trưởng Ty Văn hóa Vĩnh Phúc yêu cầu tôi sang ngay Văn phòng Tỉnh ủy để chụp ảnh. Tôi liền thay quần áo rồi xách chiếc máy ảnh Rolleifelx cũ cỡ 6x6, đi bộ sang Văn phòng Tỉnh ủy, chân lẹt quẹt đôi guốc gỗ. Vừa thấy tôi, anh Nguyễn Thạch Nghiên, công tác ở Văn phòng Tỉnh ủy hớt hải chạy tới bảo bỏ guốc ra ngay và trịnh trọng báo tin: “Bác về! Bác Hồ về! Chú vào chụp ảnh đi!”. Quá bất ngờ, tôi sững cả người, chiếc máy ảnh đeo trên vai như tụt xuống.

Vội bỏ guốc, tôi đi nhanh vào Văn phòng. Đang ở chỗ sáng nhìn vào căn phòng hơi tối nên mất một lúc, tôi mới nhận ra Bác Hồ đang ngồi nghe Thường trực Tỉnh ủy báo cáo ở gần bếp sưởi.

Theo lời anh Nghiên dặn, tôi bước vào phòng, nói: “Thưa Bác! Cháu xin được chụp ảnh Bác ạ”. Bác từ từ quay sang nhìn tôi với ánh mắt trìu mến, hơi mỉm cười và gật đầu. Tôi loay hoay tìm góc độ chụp và nguồn sáng vì trong phòng rất hẹp, chỉ có một nguồn sáng ở cửa chiếu vào mà máy của tôi hồi ấy chưa có đèn chụp, phải dựa vào ánh sáng tự nhiên.

Thấy vậy, Bác chủ động xoay tư thế ngồi ra phía cửa cho thuận sáng, tôi lên phim và bấm liền ba kiểu rồi ra ngoài hè ngồi nhìn vào ngắm Bác thỏa thích. Trong suốt buổi làm việc của Bác, thỉnh thoảng tôi lại vào chụp một kiểu với góc độ và khẩu độ khác nhau. Bác nhìn tôi độ lượng và thông cảm, có lẽ Bác hiểu.

Gần trưa, Bác đến thăm một đơn vị bộ đội ở cổng Thành Đỏ. Quang cảnh bên ngoài với ánh sáng chan hòa giúp tôi nhìn Bác rõ hơn và cũng mạnh dạn tay máy hơn. Khi đến cổng Thành Đỏ, bộ đội vây tròn quanh Bác và hô: “Bác Hồ muôn năm, muôn năm!” khiến tôi vô cùng xúc động.

Tôi đã nhanh tay chụp được hình ảnh Bác đi dép cao su đứng nói chuyện thân mật với mọi người. Dịp đó Bác về đột xuất, Tỉnh ủy cũng không biết để bố trí phóng viên chuyên trách, nên tôi là người duy nhất vinh dự được chụp ảnh Bác”.

Cả 3 lần được gặp và chụp hàng chục tấm ảnh về Bác, nhưng ông không giữ được cho mình tấm nào ưng ý nhất. Bởi ngày ấy, những bức ảnh và phim khi chụp làm tư liệu cho tỉnh đều phải nộp về Văn phòng, chỉ giữ lại một vài tấm ảnh chưa được đạt lắm.

Mãi sau này, ông đã cất công tìm gặp những người quen cũ lúc còn làm việc ở Văn phòng Tỉnh ủy để sưu tầm và tìm, chụp lại những tấm ảnh về Bác của mình để rửa lại. Với tất cả những nỗ lực của bản thân và sự giúp đỡ của bạn bè, đồng nghiệp cũ, ông đã có trong tay 100 bức ảnh sưu tầm về Bác Hồ, trưng bày tại triển lãm cá nhân của ông vào năm 1992.

Lần giở từng bức ảnh đen trắng, có tấm đã hoen màu, có tấm đã bị nhòe, nghệ sĩ nhiếp ảnh Phan Đinh vẫn nâng niu trên tay, giới thiệu với chúng tôi thời gian, hoàn cảnh ra đời của mỗi bức ảnh. Chúng tôi cảm nhận được rằng, tình cảm ấy, niềm tự hào ấy của nghệ sĩ Phan Đinh ngày cập tuổi 90 vẫn vẹn nguyên như hồi đang là chàng thanh niên nhiếp ảnh hai mươi lăm tuổi lần đầu được gặp và chụp ảnh Bác.

Có lẽ, chính niềm tự hào, vinh dự đó đã tiếp cho ông tinh thần lạc quan, là động lực, sự quyết tâm để ông luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, trong lĩnh vực nhiếp ảnh, ông cũng đã đoạt được nhiều giải thưởng tại các Triển lãm Nhiếp ảnh nghệ thuật toàn quốc và khu vực; trong đó, tác phẩm “Cọ mùa thu” của ông đã được tuyển chọn đưa vào tập sách ảnh “Ảnh Việt Nam thế kỷ XX”.

Bài, ảnh: Hoàng Cúc

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/van-hoa-van-nghe/73598/gap-nguoi-3-lan-chup-anh-bac-ho.html