Gặp mặt kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống ngành Thủy sản

Sáng nay 30/3, Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức gặp mặt kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống ngành Thủy sản 1/4 (1959 – 2024). Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng tham dự.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng phát biểu tại buổi gặp mặt - Ảnh: L.A

Trong những năm qua, nhất là từ sau năm 1989 tái lập lại tỉnh Quảng Trị, ngành Thủy sản đã có bước phát triển nhanh, góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà; từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của cộng đồng ngư dân vùng biển. Sản lượng thủy sản năm 2023 đạt hơn 35.000 tấn, tăng gấp hơn 7 lần so với năm 1989.

Toàn tỉnh hiện có trên 2.280 tàu cá các loại, với tổng công suất hơn 140.100 CV. Hoạt động khai thác thủy sản được đẩy mạnh theo hướng phát triển hải sản xa bờ gắn với tuần tra, giám sát bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Năng lực tàu thuyền phát triển nhanh, nhất là tàu đánh bắt xa bờ, trang thiết bị, ngư cụ được đầu tư đồng bộ và hiện đại; cơ sở hạ tầng nghề cá ngày được đầu tư xây dựng, góp phần đẩy mạnh các hoạt động thu mua, chế biến và dịch vụ hậu cần nghề cá; công tác bảo tồn biển ngày càng được tăng cường, bảo vệ tốt các hệ sinh thái xung quanh và bên trong Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ.

Các đại biểu tham dự buổi gặp mặt - Ảnh: L.A

Nuôi trồng thủy sản phát triển nhanh theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, nhất là nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng đã có những bước phát triển mạnh cả về diện tích, năng suất và sản lượng ngày càng được nâng cao.

Năm 2023 diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh đạt gần 3.400ha, trong đó diện tích nuôi tôm là hơn 1.300 ha, nuôi tôm công nghệ cao trên 107ha. Sản lượng tôm nuôi đạt gần 8.600 tấn.

Cơ sở hạ tầng và dịch vụ hậu cần nghề cá từng bước phát triển, nhất là hệ thống cảng cá, khu neo đậu trú bão của tàu cá ngày càng hoàn thiện.

Chế biến thủy sản phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa; dịch vụ hậu cần nghề cá phát triển nhanh, đặc biệt là thu mua, chế biến xuất khẩu và tiêu dùng nội địa. Nhiều cơ sở, nhà máy chế thủy sản đông lạnh, surimi và bột cá được đầu tư hiện đại với công suất hàng chục ngàn tấn/năm.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng đã gửi lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công đến toàn thể công chức, viên chức, người lao động ngành Thủy sản qua các thời kỳ; các ngư dân, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản trên địa bàn tỉnh. Nhấn mạnh, bên cạnh những kết quả đạt được, tốc độ tăng trưởng của ngành Thủy sản vẫn chưa tương xứng với tiềm năng; chất lượng và khả năng cạnh tranh còn hạn chế.

Để đưa ngành Thủy sản trở thành ngành kinh tế mạnh của tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng đã giao nhiệm vụ cho Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thủy sản, nhất là Luật Thủy sản 2017, các văn bản chỉ đạo về công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định trên địa bàn tỉnh.

Đẩy mạnh phát triển đội tàu đánh bắt có công suất lớn, trang thiết bị hiện đại, đồng bộ; chú trọng hỗ trợ ngư dân đổi mới công nghệ kết hợp với đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng.

Tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi tôm ven sông và vùng cát ven biển để tạo ra các sản phẩm chủ lực, có chất lượng, giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Phát triển, nhân rộng mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, phù hợp với đặc điểm từng vùng, thân thiện với môi trường.

Hướng tới không sử dụng hóa chất, thuốc kháng sinh ở tất cả các phương thức nuôi và các khâu trong chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, bảo vệ môi trường phát triển bền vững. Hỗ trợ đầu tư, liên kết xây dựng cơ sở hạ tầng các vùng nuôi tôm tập trung, sản xuất giống sạch bệnh.

Tiếp tục tuyên truyền, vận động các nhà máy, cơ sở chế biến tiếp tục đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cấp dây chuyền các cơ sở chế biến hiện đại, đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, phù hợp với nhu cầu thị trường nhằm nâng cao giá trị, hướng đến xây dựng thương hiệu sản phẩm và xuất khẩu.

Khuyến khích đầu tư phát triển cơ sở đóng, sửa chữa tàu cá; sản xuất, dịch vụ ngư lưới cụ, máy móc, thiết bị khai thác, đá lạnh, nhiên liệu...

Hình thành hạ tầng dịch vụ đồng bộ, gắn kết các ngành công nghiệp phụ trợ phục vụ tốt cho khai thác, nuôi trồng, thu mua, chế biến thủy sản; từng bước đầu tư phát triển hoàn thiện và bổ sung quy hoạch, nâng cao năng lực quản lý, khai thác hiệu quả hệ thống các cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão tàu cá.

Lê An

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/thoi-su/gap-mat-ky-niem-65-nam-ngay-truyen-thong-nganh-thuy-san/184499.htm