Gặp hai mẹ con bà Tôn trong Bí mật Eva

(TGĐA) - Đảm nhận nhân vật mẹ chồng “tai tiếng” trong phim là NSƯT Ngọc Lan còn Hưng – anh chồng tội nghiệp - do diễn viên Mai Nguyên thủ vai.

Trong số những câu chuyện rất đời thường của Bí mật Eva, gia đình bà Tôn cùng con trai và con dâu là Hưng và Minh Tâm gây được sự chú ý của người xem hơn cả. Là người phụ nữ rất mực thương con, mong có cháu nhưng khi những mong mỏi của mình càng ngày càng trở nên xa xôi, mù mịt, bà Tôn đã làm những việc “bất đắc dĩ”, vô hình chung đẩy cả gia đình đến chỗ bi kịch. Đảm nhận nhân vật mẹ chồng “tai tiếng” trong phim là NSƯT Ngọc Lan còn Hưng – anh chồng tội nghiệp - do diễn viên Mai Nguyên thủ vai. Gặp bà Tôn Đã xây dựng và giữ hình ảnh ở những vai diễn thuộc mẫu phụ nữ nhân hậu, hiền lành như chính mình ngoài đời, hẳn bà sẽ không khỏi lo lắng khi hóa thân thành bà Tôn trong Bí mật Eva? Không phải tôi lo mình sẽ không diễn được mà hơi e ngại khi thấy như vai này ác quá, ghê gớm quá, và cũng đã nói với đạo diễn xem nếu có thể được thì nên “hãm” lại một chút. Và thực sự thì tôi đã tiết chế hết mức trong khi diễn để có được một bà Tôn như trên phim, chứ không thì bà ấy còn dữ dằn hơn! Bạn bè cũng góp ý không nên đóng những vai như vậy, vì cần phải giữ ấn tượng với những vai diễn ngày xưa, nhưng tôi lại nghĩ khác. Có thể bản thân mình, khán giả yêu thích mình vẫn muốn xem bà Ngọc Lan ngày xưa bây giờ ra sao. Trước đây, ngoài những vai diễn hiền lành, thuần phác, tôi cũng đã đóng Lý (Mùa lá rụng trong vườn), vợ cả Nghị Hách (phim Giông tố)… đều là những vai nanh nọc cả và bây giờ trở thành bà Tôn – xem đây là một dịp nữa để khám phá bản thân mình. Và khi nhìn lại mình trên màn ảnh nhỏ, cảm giác của bà? Thấy cũng được! Bây giờ tôi đi ra đường bị người ta gọi ơi ới là bà Tôn. Thôi, thế là biết mình đã diễn tròn vai, đúng với nhân vật. Bí quyết nào giúp bà diễn ngọt đến thế? Tôi quan niệm, khi vào vai, bất kể là dạng vai gì thì người diễn viên cũng phải cho khán giả thấy được sự chân thực và như thế người ta mới chấp nhận. Trong tất cả các cảnh, mình phải hiểu nhân vật từ đầu đến cuối thì mới trở thành họ được. Khi quay, có những cảnh tôi thấy chưa được, cảm thấy mình chưa thực sự vào vai là biết ngay. Lúc đó, tôi yêu cầu đạo diễn được làm lại 1 lần nữa, chứ không phải cứ ào ào cho xong. Bà nhận xét như thế nào về câu chuyện lấy bối cảnh gia đình nhà bà Tôn, người có vẻ như sẵn sàng làm tất cả để đạt được mục đích của mình, ở đây là có cháu nội? Bà mẹ ở trong phim là một người rất yêu con trai mình, chăm chút cho con từng li từng tí và khát khao có một đứa cháu để bế… Trên đời, người mẹ nào cũng thế nhưng cách ứng xử của bà Tôn với con dâu thì hơi quá. Ở những tập sau này, bà ấy còn tai quái hơn, thậm chí còn cho con trai ăn ở với cô osin. Có lẽ do kịch bản hơi phóng bút, do cách suy nghĩ của tôi khác, giống như sự khác biệt giữa nhân vật bà Tôn trong phim và tôi ở đời thực, bản thân tôi cũng thấy bà Tôn ác quá! Bộ phim đang được khán giả chú ý và muốn biết đôi chút về quá trình thực hiện, bà có thể chia sẻ về công việc hậu trường? Tôi thích dàn diễn viên tham gia phim. Tôi cũng có một con trai và cũng rất yêu nó, đến nỗi khi đóng phim với Mai Nguyên, tôi cứ nghĩ và hình dung đó chính là con trai mình. Khi diễn, Mai Nguyên cũng biết cách tung hứng với mẹ nên cảm giác rất lạ. Làm phim với những người trẻ lúc đầu đúng là hơi căng thẳng, phim quay hai máy, diễn viên diễn một cảnh dài, rất vất vả… nhưng về sau mọi người cùng nhận ra, như thế mới giữ được cảm xúc. Nói chung là vui, bởi thế nên tôi mới có động lực ngày nào cũng ra khỏi nhà lúc 6h sáng và trở về lúc 7, 8h tối. Tôi ốm ho húng hắng là thế nhưng đi đóng phim là tiêu tan hết. Xin hỏi “bà Tôn” ngoài đời là người như thế nào? Rất thương con, chiều cháu! Và vai diễn mới nhất của bà? Đó là vai tôi rất thích, hiền và nhân hậu, khác hẳn với bà mẹ trong Bí mật Eva. Đó là một bà già 70 tuổi có 3 người con, một người Hà Nội với tất cả những nề nếp, gia phong được gìn giữ gần như nguyên vẹn trong bộ phim Nếp nhà của đạo diễn Vũ Trường Khoa. Diễn viên Mai Nguyên: “Đàn ông cần những khoảng lặng” Tham gia trong phim này, vào vai một anh chồng hơi có chút vấn đề về đầu óc, anh thấy thế nào? Ngay đầu tiên đọc kịch bản, mình chỉ cảm thấy thích vai này rồi. Sau đó 1 tháng, vào quay trực tiếp, mình mới hiểu nhân vật Hưng. Có thể ví Hưng như một người diễn viên xiếc đứng trên con lăn. Bản thân cậu ấy cũng chẳng vững vàng gì đâu, nên nếu cậu ta không điều tiết tốt thì bị ngã ngay. Chính vì thế, đây là thách thức đối với người diễn viên, phải làm thế nào cho đúng với hoàn cảnh nhân vật. Phản ứng đầu tiên của anh với đạo diễn khi được mời tham gia phim là…? … từ chối. Vì lúc đó, mình đang làm phó đạo diễn cho một phim khác, giờ lại thấy phim dài quá, sợ là không có thời gian để làm. Hơn thế, mình cũng vừa làm phó đạo diễn cho một phim dài tập xong nên cảm thấy khá mệt mỏi. Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn nói cứ gửi kịch bản vào email để mình xem và hẹn nói chuyện sau, đồng thời nói sẽ dời bối cảnh nhà bà Tôn lại chờ mình thu xếp công việc… Nói chung, ngoài chuyện kịch bản khá hấp dẫn thì mình có nhiều thuận lợi để không thể nói lời từ chối lần thứ 2 được. Bộ phim đem đến cho anh cái nhìn như thế nào về chính các Adam? Cụ thể là nhân vật Hưng? Không biết có phải vì tên phim thiên về các Eva không mà về sau ekip làm phim quyết định nâng tầm các Adam lên một bậc, trong đó có Hưng. Bản chất của cậu ta là người tốt, yêu gia đình, kính trọng mẹ, rất yêu vợ, nhưng lại rơi vào bi kịch là sự khiếm khuyết của bản thân dẫn tới tất cả những hành động như vậy. Hưng bị vô sinh, và chỉ mình anh ta biết, đến tập 67, Tâm mới biết, sau đó chuyện vỡ lở khi Tâm không thể chịu đựng những lời lẽ cay nghiệt của bà Tôn đã phải nói ra sự thật. Còn trước đó, suốt thời gian dài, mình anh ta chịu đựng, gồng mình lên. Đàn ông bị khiếm khuyết ở một bộ phận nào đó, rất có thể tính khí sẽ trở nên thất thường thậm chí bị stress nặng. Những hành động của Hưng được giải thích là có căn nguyên bởi sự khiếm khuyến chứ không đơn thuần là người khó tính, gia trưởng. Anh có đồng ý với cách giải quyết bi kịch gia đình Hưng như trong kịch bản? Có một số chi tiết hơi cường điệu một chút, nhưng nằm trong tổng thể thì giữa những tình huống khá quen thuộc của đời thường đạo diễn muốn có những câu chuyện giả định để ngụ ý một điều gì đó để khán giả sau khi xem phim có thể tiếp nhận được cái gì, chấp nhận hay không, đồng tình hay phản đối…. và câu chuyện của gia đình Hưng được kể theo cách này. Mình là đàn ông, đã lập gia đình và có con rồi, nên mình hiểu khi hai vợ chồng không có con thì thế nào? Mình khẳng định diễn biến tâm lí nhân vật như thế là hoàn toàn hợp lí, với tư cách là người xem lẫn người làm, vì có thấy hợp lí mới làm. Nói gì thì nói, cái gì gần với cuộc sống nhất, chân thực nhất là cái dễ thuyết phục nhất. Sau này khi xem xong phim, biết rõ câu chuyện nhà Hưng thì hi vọng khán giả sẽ hiểu điều mà mình muốn nói. Ngoài đời, anh sẽ chọn nghiêng về bên hiếu hay bên tình? Sẽ chọn theo cách mình cho là hợp lí nhất. Chỉ có điều, mình không phải là Hưng! Chính vì thế, ở cảnh cuối, mình rất muốn được diễn tả tâm lí ngổn ngang, vừa đau khổ, day dứt vừa ngần ngại của Hưng bằng cách để anh ta trầm ngâm một mình, giữa bốn bề cô đơn, tĩnh lặng. Đàn ông cần những khoảng lặng như thế để tìm lại chính mình. Anh có bàn bạc cùng NSƯT Ngọc Lan trước mỗi cảnh quay không, bởi trong phim mẹ con bà Tôn đúng là một cặp bài trùng? Có, hai bà con thường thảo luận rất kĩ trước khi diễn. Mình thấy bà rất ăn vai, đoạn nào liếc, đoạn nào nhấn nhá…rất vào, rất hợp lí. Những diễn viên kì cựu có rất nhiều kinh nghiệm và chắc chắn phải là những người từng trải thì mới có được tất cả những điều ấy. Qua phim này, mình học được rất nhiều kinh nghiệm từ bà. Linh Giang

Nguồn TGĐA: http://thegioidienanh.vn/20100616125946750p111c138/gap-hai-me-con-ba-ton-trong-bi-mat-eva.htm