Gặp gỡ tháng 3: Tôi trở về ấp Mít Nài để khởi nghiệp và 'nương tựa' thiên nhiên

Lời tựa: “Gặp gỡ tháng Ba là một “mini-series” được Báo Đồng Nai Điện tử thực hiện dành riêng cho Tháng Ba – Tháng Thanh niên, gồm 3 câu chuyện với 3 người trẻ mà hành trình của họ tạo nhiều cảm hứng cho giới trẻ.

Cả 3 gương mặt, 3 câu chuyện đều có sức lan tỏa lớn. Có mồ hôi, có nước mắt, có ước mơ, hoài bão, có cả thất bại lẫn thành công, nhưng trên hết, là tinh thần dấn thân không ngại khó, không ngại khổ để từng ngày, từng ngày gần hơn với mục tiêu và ước mơ của mình.

Đó cũng chính là tinh thần mà Báo Đồng Nai muốn truyền tải đến bạn đọc, đặc biệt là những người trẻ trong Tháng Thanh niên – tháng có ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh 26-3.

Trên một ngọn đồi xanh mướt cách Thành phố Hồ Chí Minh chỉ 90 phút lái xe, ẩn mình giữa những tán cây rợp bóng (ấp Mít Nài, xã La Ngà, huyện Định Quán) là Panorama Glamping và Tropical EGlamping - hai "viên ngọc" lấp lánh dẫn đầu trào lưu du lịch “cắm trại hạng sang” nổi tiếng, đã có hơn 26.000 lượt khách. Nơi đây, du khách được hòa mình vào thiên nhiên hoang dã, tận hưởng bầu không khí trong lành với trải nghiệm dịch vụ cao cấp, tiện nghi.

Người đầu tiên “mở đường” cho mô hình Glamping ở Việt Nam là anh Trần Thiên Phú, sinh năm 1987 tại ấp Mít Nài, xã La Ngà, huyện Định Quán - chủ của 2 khu trại Panorama Glamping và Tropical EGlamping. Ngoài ra, anh còn sở hữu một công ty tư vấn có tên GlampingHub. Với riêng anh, 2 khu trại này không đơn thuần là một dự án khởi nghiệp, mà còn là nơi để anh tìm về, “nương tựa” thiên nhiên trên chính vùng đất mình sinh ra và lớn lên hơn 30 năm trước.

Mô hình Glamping (cắm trại cao cấp) vài năm trở lại đây đã diễn ra sôi động tại Đồng Nai, đặc biệt khu vực quanh hồ Trị An. Điều này thu hút du khách từ các tỉnh, thành lân cận đổ về trải nghiệm mô hình thú vị này.

Đem con "cưng" Glamping về với vùng đất La Ngà - Định Quán, anh Phú trở thành người tiên phong trong phong cách du lịch hòa mình vào thiên nhiên, kết hợp trải nghiệm cắm trại giữa thiên nhiên hoang dã và sự tiện nghi sang trọng của khu nghỉ dưỡng.

Panorama Glamping trải dài một màu xanh rì khi nhìn từ trên cao. Ảnh: NVCC

“Tôi đã đi nhiều nơi để làm thử mô hình này nhưng không thuận lợi về pháp lý, con người... Mãi sau này, khi về lại thăm quê, tôi mới nhận thấy "hồi nhỏ mình sống ở Mít Nài như là một khu nghỉ dưỡng vì thiên nhiên quá đẹp, mà đến bây giờ tư duy mở ra một chút mới thấy được". Do đó, tôi chọn Mít Nài để khởi nghiệp với glamping, vừa muốn đem một mô hình phù hợp về quê, vừa muốn được gần gũi bà con lối xóm ngày xưa, dần dần về sau thì thấy mô hình này cũng giúp được những thanh thiếu niên và những người xung quanh, nên càng ngày tôi càng thấy chọn Mít Nài cho dự án Glamping đầu tiên là đúng đắn” - anh Trần Thiên Phú cho biết.

Từ một quả đồi trồng điều già cỗi, chỉ sau 3 năm, Panorama Glamping và Tropical EGlamping đã “nổi đình nổi đám” cả nước với trào lưu du lịch thiên nhiên nhưng lại tiện nghi, chuyên nghiệp. Cơ sở vật chất tại Panorama và Tropical lúc nào cũng tinh tươm, sạch sẽ, quy trình vận hành có hệ thống. Sự chuyên nghiệp là cần phải có nhưng không được đánh mất tính mộc mạc, chân chất của khu vực. Chính vì thế, nhân viên tại đây đều là những anh em người địa phương. Có người là hàng xóm từ nhỏ, đến giờ cũng đang làm việc cho anh Phú. Du khách có thể cảm nhận văn hóa nơi đây qua giọng nói, nét mặt, sự nhiệt tình của nhân viên. Hơn nữa, tới một nơi xa lạ, họ càng cần được hướng dẫn, hỗ trợ bởi một “chuyên gia” rành rẽ đặc điểm vùng, miền.

Sau 2 năm làm Glamping, anh Phú đã đào tạo nhiều thanh niên địa phương làm quen với ngành du lịch, từ cung cách phục vụ tới các tiêu chuẩn cần thiết trong ngành dịch vụ. Đến nay họ đã tự trang bị cho bản thân kỹ năng, sự hiểu biết về du lịch lưu trú, cắm trại. Một số người được giao cho vai trò quản lý vận hành các khu cắm trại của anh.

Xác định đem mô hình “cắm trại hạng sang” về ấp Mít Nài, nhưng những “cú chạm” đầu tiên của anh Phú cũng đầy thách thức. Dù đã có kinh nghiệm triển khai mô hình này tại Đắk Nông, Đà Lạt, nhưng khi mọi thứ đều tự mày mò, đầu tư thuê đất khó, thủ tục pháp lý rắc rối khi mô hình quá mới, không có thủ tục hướng dẫn nào nên để triển khai và vận hành cho phù hợp với khung pháp luật hiện tại không phải chuyện dễ dàng.

Lối đi của Panorama và cả Tropical được xếp từ gỗ. Ảnh: NVCC

Một khó khăn nữa là khi một mô hình quá mới sẽ gặp nhiều sự "phản đối". Chẳng hạn, khi áp dụng mô hình tự phục vụ, một số người khi đến khu glamping đã phản ứng gay gắt "vì sao đã trả tiền đắt mà vẫn phải tự dọn dẹp sau khi ăn, tự rửa ly sau khu uống cafe/ uống nước...". Trên một số trang mạng xã hội, từng có những khách hàng đánh giá “1 sao” vì chuyện này, nhưng sau nhiều cân nhắc, anh Phú cương quyết giữ lại tính chất tự phục vụ của camping và không thay đổi mô hình cho đến tận bây giờ, và khách cũng đã quen, ủng hộ. Một khó khăn khác, do đây là loại hình không được sử dụng vật liệu kiên cố, nên sẽ có những hạng mục khó duy trì thành một chuẩn "khách sạn", ví dụ như nhà vệ sinh, nhà bếp… nên chi phí bảo dưỡng, bảo trì cao.

“Nhiều khi liên tục phải đối mặt với những thách thức về pháp lý, thói quen… tôi nản chí và đôi lần muốn bỏ cuộc. Nhưng nhờ sự ủng hộ kiên trì của chính quyền địa phương, họ đồng hành vì nhận thấy mô hình này phù hợp với định hướng phát triển du lịch nông nghiệp, nên tôi thấy được “an ủi” và nỗ lực phát triển đến giờ” - anh Trần Thiên Phú tâm sự.

Những khó khăn này không chỉ riêng anh Phú gặp phải, mà là khó khăn chung của thị trường du lịch theo phong cách camping, glamping. Do thiếu khung pháp lý, thiếu hướng dẫn cụ thể nên nhiều doanh nghiệp đầu tư loại hình du lịch này e ngại rủi ro khi đầu tư dài hạn. Họ tập trung vào các mô hình tạm bợ, thiếu sự đầu tư bài bản về cơ sở vật chất và dịch vụ. Điều này cũng góp phần làm tăng giá thành dịch vụ khiến Glamping trở nên đắt đỏ hơn so với du lịch truyền thống.

Trần Thiên Phú cho biết, anh không muốn làm tổn hại dù chỉ một cái cây - trong suốt quá trình triển khai dự án. Vườn điều ngày xưa cha mẹ anh trồng đã quá quen thuộc với tuổi thơ 3 chị em anh. Những ngày làm cỏ, những mùa thu hoạch điều, những buổi chiều chị em ngồi nướng hạt điều bên đống lửa với mùi thơm ngào ngạt đặc trưng của hạt điều vùng đất miền Đông… Tất cả được anh Phú “dẫn dắt” vào thực tế kinh doanh của mình khi xây dựng 2 khu trại.

Không chỉ vậy, Panorama và Tropical đều sử dụng vật liệu tự nhiên hài hòa với cảnh quan xung quanh: củi khô, gỗ tạp, gốc cây... đều được xử lý lại để “decor” cho 2 khu trại, hài hòa và thân thiện. Hệ thống lều và các tiện ích cũng được tích hợp để tối đa hóa trải nghiệm nhưng không làm tổn hại môi trường mà ngược lại, tôn vinh và kết hợp hoàn hảo với tự nhiên.

Xuyên suốt đường đi trong khuôn viên Glamping đều được làm từ gỗ. Chất liệu mộc mạc của gỗ giúp khu Glamping không những tránh xa khỏi bê tông công nghiệp mà còn tạo nên sự gần gũi với thiên nhiên. Đường đi gỗ không chỉ là một phần của khuôn viên, mà còn là một nghệ thuật, hòa quyện với cảnh đẹp xung quanh một cách tinh tế. Trần Thiên phú cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động như chèo sup, hiking xuyên rừng, tham quan vườn trái cây… cùng người hướng dẫn để khách hàng có cơ hội thưởng thức và tìm hiểu về đặc điểm thiên nhiên đặc trưng của vùng La Ngà - Định Quán cũng như hồ Trị An nổi tiếng. Vào những đêm trời trong, du khách cũng được trải nghiệm hoạt động ngắm sao trời đúng kiểu “trời sao ở trên, mặt hồ ở dưới”.

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/media/202403/megastory-gap-go-thang-3-bai-2-cfa578b/