Gặp gỡ tháng 3: Số phận đã trót ' chia bài quân xấu', mình phải nỗ lực rèn luyện gấp nhiều lần

Lời tựa: “Gặp gỡ tháng Ba là một “mini-series” được Báo Đồng Nai Điện tử thực hiện dành riêng cho Tháng Ba - Tháng Thanh niên, gồm 3 câu chuyện với 3 người trẻ mà hành trình của họ tạo nhiều cảm hứng cho giới trẻ.

Cả 3 gương mặt, 3 câu chuyện đều có sức lan tỏa lớn. Có mồ hôi, có nước mắt, có ước mơ, hoài bão, có cả thất bại lẫn thành công, nhưng trên hết, là tinh thần dấn thân không ngại khó, không ngại khổ để từng ngày, từng ngày gần hơn với mục tiêu và ước mơ của mình.

Đó cũng chính là tinh thần mà Báo Đồng Nai muốn truyền tải đến bạn đọc, đặc biệt là những người trẻ trong Tháng Thanh niên - tháng có ngày thành lập Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh 26-3.

Đến với thể thao chưa đầy một thập kỷ nhưng chàng trai sinh năm 2000 Huỳnh Ngọc Phụng đã để lại dấu ấn đậm nét cho ngành thể thao Đồng Nai. Phụng đã mang về huy chương vàng và huy chương bạc tại Đại hội Thể thao người khuyết tật Đông Nam Á (ASEAN Para Games) lần thứ 11 tổ chức ở Indonesia, đồng thời gần đây nhất là 2 huy chương bạc tại ASEAN Para Games lần thứ 12 được tổ chức tại Campuchia.

Phụng đã nỗ lực từng ngày để vượt qua các rào cản về sức khỏe, hình thể cá nhân, những mặc cảm về tâm lý, khó khăn về kinh tế… để dấn thân cùng đam mê và làm chủ cuộc sống của chính mình.

* Cuộc sống là một chuỗi sự kiện có mất mát và cũng có cơ hội. Trong mất mát của bản thân, Phụng đã tìm thấy cơ hội trong thể thao như thế nào?

- Trong những năm đầu đời, tôi khá nhút nhát và mặc cảm vì khiếm khuyết của mình. Phần vì đi học vất vả quá, tôi đi học thì mẹ cũng phải đi học, có giai đoạn mẹ đổ bệnh tôi phải nghỉ học vì không chủ động được đi lại. Mỗi khi đến trường tôi đều phải bò đến lớp, có năm học ở lầu 4 tôi phải xin ra sớm 10 phút để bò lên đến lớp. Lúc nào có tiết kiểm tra đầu giờ tôi cũng phải xin cô dời lại đến cuối vì tay run bần bật cầm cây viết không nổi. Tôi thấy mình trở thành “gánh nặng” cho cả nhà nên cũng từng có ý định dừng học.

Mãi đến năm lớp 9, tôi được người quen giới thiệu tham gia thi đấu thể thao để giao lưu với mọi người. Ban đầu tôi dự tính theo môn điền kinh là đua xe lăn, tuy nhiên có lẽ, cử tạ đã chọn tôi. Và tôi đã tìm thấy ánh sáng, cơ hội cho chính mình. Năm 2016 - ngay sau năm đầu tiên luyện tập cử tạ, tôi đã giành được huy chương đồng cấp tỉnh. Đến năm 2019, khi đó tôi giành được huy chương vàng đầu tiên ở hạng cân 54kg của tỉnh Đồng Nai. Đây cũng là bước đệm đưa tôi trở thành thành viên chính thức của đội tuyển thể thao khuyết tật tỉnh cho đến đội tuyển quốc gia Việt Nam.

* Thể thao chính là “cánh cửa kỳ diệu” khiến Phụng mở lòng và xóa bỏ được mặc cảm của số phận?

- Thật sự, kể từ khi bén duyên với cử tạ tôi mới dần nhận ra mình may mắn hơn rất nhiều người. Đặc biệt là thể thao chuyên nghiệp cũng mang đến cho mình nguồn kinh tế nhất định để phụ giúp ba mẹ. Sự mặc cảm bấy lâu trong tôi cũng dần tan biến. Bằng ý chí và sự khổ luyện của bản thân, tôi biết mình có thể làm được những điều mà nhiều người không thể, tôi mạnh mẽ hơn từ đó.

VĐV Huỳnh Ngọc Phụng cùng các HLV, VĐV người khuyết tật Việt Nam tham gia ASEAN Para Games 12 năm 2023 tại Campuchia. (Ảnh: NVCC)

Trước kia khi chưa chính thức lên tuyển Việt Nam, vào những lúc không tập luyện hay rảnh rỗi, tôi còn “chạy ship” kiếm thêm, giao đồ ăn cho ứng dụng ShopeeFood. Tôi không muốn bản thân mình rảnh nên luôn tìm cách làm việc, luyện tập. Trong quá trình chạy ship, chính là cơ hội để tôi quan sát xã hội, quan sát môi trường để thấy ngoài kia còn rất nhiều hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Đây cũng là động lực để tôi phấn đấu hơn. Tôi chạy ship mỗi khi có đơn hàng bị bom hoặc thấy các cô chú, các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, mưu sinh vất vả ngoài đường tôi sẽ gửi phần ăn đó cho họ. “Lá rách đùm lá tả tơi”, tôi cũng thấy vui khi mình được sẻ chia và cho đi.

* Quá trình theo đuổi thể thao chuyên nghiệp chắc chắn rất khắc nghiệt, lịch trình tập luyện có bao giờ khiến Phụng thấy “quá sức”?

- Cử tạ kén người chơi lắm. Thứ nhất là mình phải có tố chất, cái thứ hai là phải chịu được cường độ tập luyện rồi nguy cơ chấn thương. Ai có đam mê mới theo nổi “sức nhiệt” của cử tạ. Nó căng lắm, nặng lắm! Bao nhiêu trọng lượng, sức nặng dồn lên cơ vai, cơ tay. Đặc biệt những giai đoạn siết thi đấu, tôi tập đến mức xây xẩm. Ngay cả những lúc được “xả” trại, nghỉ ngơi cũng không dám nghỉ vì chỉ cần bỏ tập vài ngày là quay lại nâng tạ không nổi nên phải luôn trong trạng thái “sẵn sàng” chiến đấu với nó.

Trong khi cơ thể con người không phải được lập trình sẵn, đặc biệt thể lực, thể trạng mình không như ý thì cũng gây bế tắc lắm. Nhưng vào những lúc như vậy, hình ảnh ba mẹ đã vất vả mưu sinh, chăm lo cho tôi cùng những năm tháng nhọc nhằn, sự cố gắng hiện lên trong tâm trí, tôi không chỉ đang phấn đấu cho riêng mình mà còn cả gia đình. Do đó không thể vì chút căng thẳng nhỏ mà tôi chùn bước. Bằng mọi giá tôi phải vượt lên chính mình, chiến thắng số phận.

* Với những người lành lặn, việc luyện tập thể thao chuyên nghiệp đã rất khó. Với người khuyết tật chắc hẳn còn khó gấp bội phải không Phụng?

- Cái khó của cử tạ đối với người khuyết tật là phải có sự hỗ trợ ban đầu, tức là cần phải có huấn luyện viên hỗ trợ lấy tạ, hoặc gắn những cái bánh tạ. Vì những cái bánh tạ nó trên cao và rất nặng, nên VĐV khuyết tật không thể tự lấy được.

Gần 1 thập kỷ theo cử tạ rồi, kể ra cái khó rất nhiều. Tuy nhiên càng khó khăn tôi lại phải càng cố gắng, không phải muốn dừng là dừng. Hơn nữa, thể thao là cứu cánh của cuộc đời tôi. Tôi nhận được nhiều sự quan tâm, nhiều niềm vui và xã hội cũng biết đến thể thao người khuyết tật nhiều hơn. Tôi thường nói vui với gia đình rằng, nếu mà không có thể thao thì có lẽ không ai biết thằng Phụng này là ai và nó làm cái gì.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh; Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng cùng lãnh đạo Sở VH-TTDL, Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT tỉnh, đại biểu, HLV tuyên dương, khen thưởng với hai VĐV Huỳnh Ngọc Phụng, Trần Thị Châu vì có thành tích cao trong năm 2022. (Ảnh: Ngọc Thành)

Do đó, tôi luôn đặt ra mục tiêu của riêng mình, để đến khi chạm được mục tiêu đó rồi thì mình sẽ chinh phục những mục tiêu tiếp theo. Đặt mục tiêu để mình không bao giờ cảm thấy chán hay dừng lại. Bây giờ mỗi khi có ai hỏi tôi cuộc sống có khó khăn gì không? Tôi đều trả lời không có gì khó cả, vì cái khó của mình lớn cỡ nào cũng thành dễ khi mình nghĩ đơn giản hóa nó.

* Bây giờ đã có nhiều người biết Phụng là ai và làm được những gì rồi, Phụng có những mục tiêu và hy vọng gì trong thời gian tới hay không?

- Điều tôi thấy vui nhất bây giờ là bản thân đã vượt qua được chính mình để hòa nhập, có nghề nghiệp và được sống với đam mê thể thao của chính mình. Mong muốn của tôi là cải thiện điểm trên bảng xếp hạng để ngày càng đến gần hơn với những giải đấu lớn. Sắp tới ở Giải Cúp mở rộng tại Thái Lan, tôi không đặt nặng phải vào top bao nhiêu mà sẽ tích lũy điểm kinh nghiệm, cọ xát, giao lưu học hỏi với bạn bè quốc tế. Cúp mở rộng lần này cũng là tiền đề để tôi có thể tham gia nhiều hơn các giải, cúp ngoài khu vực Đông Nam Á.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh trao bằng khen của UBND tỉnh cho VĐV Huỳnh Ngọc Phụng với thành tích giành 2 huy chương bạc tại ASEAN Para Games 12. (Ảnh: Huy Anh)

Bên cạnh đó, thông qua những chia sẻ này, tôi cũng muốn truyền cảm hứng cho mọi người, đặc biệt là những người khuyết tật, có hoàn cảnh kém may mắn. Tôi tin là mỗi người ai cũng có năng lực, tài năng riêng nào đó chưa phát hiện ra mà thôi. Chỉ cần luôn nỗ lực, tin vào bản thân, tích cực nhìn về phía trước thì sẽ luôn có con đường dành cho mình.

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/media/202403/gap-go-thang-3-so-phan-da-trot-chia-bai-quan-xau-minh-phai-no-luc-ren-luyen-gap-nhieu-lan-f2b54b9/