Gặp gỡ gia đình nữ đại diện duy nhất của Việt Nam tại World Cup

Nữ trọng tài Trương Thị Lệ Trinh là đại diện duy nhất của Việt Nam có mặt tại World Cup U20 với vai trò trợ lý trọng tài. Trong làng thể thao, chị là một nữ trọng tài tài năng; trong gia đình, chị vẫn là cô con gái nhỏ, hiếu thảo của mẹ già. Và có lẽ điều đó đã được vun bồi từ chính gia đình chị.

“Về đến nhà là Trinh lo hết cho tôi từ miếng ăn, giấc ngủ”

Chị Lệ Trinh là con gái út trong gia đình 5 anh, chị em tại ấp 2, xã Phước Tân Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Từ ngày nhỏ, chị đã phát huy năng khiếu đá bóng, có mặt trong đội tuyển bóng đá nữ Quốc gia. Tuy nhiên, do bị chấn thương, chị chuyển sang làm trọng tài và trở thành nữ trọng tài “vàng” của Việt Nam. Trong suốt quá trình làm việc, chị đã đi khoảng 30 quốc gia.

Thời gian chị đi công tác cùng FIFA nhiều hơn thời gian ở nhà. Mẹ chị, bà Trần Thị Bé, kể bằng giọng tự hào: “Trinh đi học đá bóng từ cấp 2. Giờ Trinh là trọng tài FIFA, đi nhiều nước lắm! Theo thể thao nên thời gian ở nhà không được bao nhiêu nhưng về đến nhà là Trinh lo hết cho tôi từ miếng ăn, giấc ngủ!”.

Những thành tích chị Trinh mang về là niềm tự hào của bà Bé - mẹ chị

Những thành tích chị Trinh mang về là niềm tự hào của bà Bé - mẹ chị

Vì các anh, chị đều đã có gia đình riêng nên Trinh sống cùng mẹ ở quê nhà. Chị là giáo viên giáo dục thể chất. Những ngày không đi công tác, chị đến trường. Thời gian ở nhà, chị dành chăm sóc mẹ. Mọi việc nhà từ nấu ăn, dọn dẹp đều một tay chị lo liệu. Bà Bé kể: “Sáng nào Trinh cũng dậy sớm dọn dẹp rồi chuẩn bị đồ ăn sáng cho tôi trước khi đi dạy. Những lúc đi công tác xa, Trinh đều chuẩn bị đồ ăn, sữa để trong tủ lạnh và thường xuyên gọi điện thoại hỏi thăm tôi”. Từ ngày cha mất, chỉ có mình mẹ ở nhà, anh, chị em trong gia đình chị Trinh càng quan tâm, chăm lo cho mẹ nhiều hơn.

Gia đình văn hóa tiêu biểu của địa phương

Gia đình chị Trinh là gia đình văn hóa tiêu biểu, gia đình hiếu học ở địa phương. 5 anh, chị em của chị Trinh đều có công việc ổn định, có người tốt nghiệp tiến sĩ tại nước ngoài. Riêng chị Trinh hiện cũng là thạc sĩ ngành Giáo dục thể chất. Bà Bé kể, vợ chồng bà vốn là nông dân, trước đây, cuộc sống khó khăn nhưng vẫn quyết tâm lo cho con học hành tới nơi, tới chốn. Bà vẫn nhớ như in lời chồng khi còn sống, chỉ có lo cho con học thì mới giúp con có cuộc sống tốt hơn. Nghĩ vậy nên dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông bà vẫn dồn mọi nguồn lực vào chăm lo việc học cho con.

Nữ trọng tài Trương Thị Lệ Trinh (giữa) điều hành giải đấu phong trào ở Long An (Ảnh tư liệu Báo Long An online)

Nữ trọng tài Trương Thị Lệ Trinh (giữa) điều hành giải đấu phong trào ở Long An (Ảnh tư liệu Báo Long An online)

Có lẽ cảm nhận được kỳ vọng và tình cảm cha mẹ dành cho nên các anh, chị em của chị Trinh đều nỗ lực trong học tập. Vừa đi học, các anh, chị em vừa giúp đỡ cha mẹ, nhắc nhở nhau cùng cố gắng. Cuộc sống khó khăn dường như đã trở thành động lực và có lẽ tinh thần kiên trì vượt khó, rèn luyện bản thân của chị Trinh đã được hun đúc từ gia đình như thế. Giờ đây, các cháu nội, ngoại của bà Bé cũng tiếp nối truyền thống hiếu học, giữ thành tích học tập tốt và trở thành niềm tự hào của bà.

Không chỉ lo cho các con, gia đình bà Bé còn gương mẫu, đi đầu trong việc đóng góp, xây dựng quê hương. Hiến đất làm đường, đóng góp tiền cho các công trình, chỉ cần địa phương phát động là gia đình bà Bé đều đồng ý ngay. Bà Bé tâm sự: “Bây giờ hay là lúc ông nhà tôi còn sống cũng vậy, khi địa phương cần là gia đình tôi sẵn sàng đóng góp. Hiến đất hay đóng góp làm đường để có đường mới rộng, đẹp là chuyện nên làm.” Có lẽ cách sống đó của vợ chồng bà Bé chính là tấm gương sáng cho các anh, chị em của nữ trọng tài Lệ Trinh noi theo./.

Quế Lâm

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/gap-go-gia-dinh-nu-dai-dien-duy-nhat-cua-viet-nam-tai-world-cup-a137715.html