Gập ghềnh đường lên Liên Phương

Liên Phương là 1 trong 5 xóm có đông đồng bào Mông sinh sống của xã Văn Lăng (Đồng Hỷ). Xóm có 185 hộ với trên 900 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc Mông chiếm gần 70%. Giao thông kết nối đến với xóm và khu vực là trở ngại lớn nhất ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân nơi đây.

Hằng ngày các em học sinh mầm non, tiểu học tại xóm Liên Phương phải lội qua tràn Khe Đà để đến trường.

Vượt qua đoạn đường dài gần 4km đất đá lổm chổm, chỗ thì dốc cao, chỗ thì hằn lún vệt bánh xe... chúng tôi cũng đến được trung tâm xóm Liên Phương. Cảnh tượng đầu tiên chúng tôi bắt gặp là những em học sinh mầm non, tiểu học của Điểm trường Liên Phương quần kéo quá đầu gối đang lội bì bõm qua tràn Khe Đà. Anh Ngô Văn Phương, nhà ở cách tràn hơn 30m cho biết: Trước đây, tràn Khe Đà đã được lắp đặt ống cống, nhưng được một thời gian đất, đá vùi lấp hết, nước suối chảy tràn qua đường. Hôm nào trời mưa to, nước dâng cao các cháu lại phải nghỉ học, đến khi nào nước rút mới đi học tiếp.

Không chỉ ảnh hưởng đến việc đi lại, giao thông còn đang cản trở không nhỏ đến phát triển kinh tế của người dân nơi đây. Anh Ngô Văn Tính, một người dân trong xóm chia sẻ: Hạt ngô làm ra nếu gọi người vào mua thì chỉ bán được với giá từ 3.000-4.000 đồng/kg, mang ra chợ xã bán được với giá khoảng 5.000 đồng/kg nhưng đi lại rất vất vả. Kinh tế của bà con trong xóm chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông, lâm nghiệp với gần 1.000ha đất rừng sản xuất, trên 37ha đất trồng ngô. Thế nhưng hiệu quả đem lại không cao do giao thông khó khăn, các loại phân bón, vật tư nông nghiệp đưa vào đều bị đẩy giá lên cao, đến mùa thu hoạch thương lái lại ép giá, thành ra cái nghèo cứ đeo bám bà con nơi đây. Đến nay, xóm vẫn còn 104 hộ nghèo và 31 hộ cận nghèo.

Ông Lý Văn Vàng, Trưởng xóm Liên Phương cho biết: Con đường trục chính của xóm không chỉ nối liền với đường trục chính của xã mà còn nối với xã Quảng Chu, huyện Chợ Mới (Bắc Kạn). Là điều kiện thuận lợi để bà con trong xóm buôn bán, trao đổi hàng hóa. Vì vậy, mong muốn lớn nhất của người dân là sớm được nhà nước đầu tư cho con đường để việc đi lại thuận tiện hơn. Qua đó thúc đẩy sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng thêm thu nhập, thoát nghèo cho người dân trong xóm.

Trao đổi với chúng tôi về những khó khăn của người dân xóm Liên Phương, bà Nguyễn Thị Nguyệt, Phó Chủ tịch UBND xã Văn Lăng cho biết: Năm 2020, xã đã đầu tư hơn 70 triệu đồng từ nguồn vốn Chương trình 135 để tu sửa nhiều đoạn đường bị xuống cấp. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời, do tuyến đường dài, nhiều đoạn có suối chảy qua nên đòi hỏi kinh phí đầu tư lớn. Việc huy động trong nhân dân để làm đường không thể thực hiện được vì kinh tế của người dân còn khó khăn. Về lâu về dài xã mong muốn các cấp chính quyền từ tỉnh đến huyện có chính sách ưu tiên về nguồn vốn sớm đầu tư cải tạo tuyến đường để bà con đi lại thuận tiện cũng như phát triển kinh tế của địa phương.

Vũ Công

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/kinh-te/gap-ghenh-duong-len-lien-phuong-281475-108.html