Gập ghềnh đi tới… chính danh tài chính vi mô

Được xem là một trong những giải pháp giúp xóa đói giảm nghèo và đã từng thành công ở nhiều quốc gia, hoạt động tài chính vi mô với 2 dịch vụ chính là huy động và cho vay cũng không còn quá xa lạ ở Việt Nam.

Tuy nhiên, làm sao để hoạt động này được chuẩn hóa và chính danh là tổ chức tài chính vi mô thì hãy còn lắm gập ghềnh.

Theo một thống kê của Đại học Ngân hàng TPHCM, tỷ lệ nợ xấu tại các tổ chức tài chính vi mô khá thấp. Điển hình như tại Ngân hàng Chính sách xã hội (VBSP), tỷ lệ nợ xấu bình quân giai đoạn 2013-2015 chỉ 2,12% và tiếp tục theo xu hướng giảm. Tương tự, nợ xấu tại Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tỉnh Tiền Giang cũng chỉ 0,14% (năm 2016)…

Tất nhiên, nếu làm một phép so sánh đơn giản về lãi suất thì có thể nhận thấy nhiều tổ chức đang có hoạt động tài chính vi mô hiện nay vẫn chưa đạt được sự cạnh tranh với các tổ chức tín dụng “chính quy” khác như VBSP hay thậm chí là Agribank, nhưng chi phí vay vốn không chỉ đơn thuần là chi phí lãi vay mà còn là chi phí giao dịch và nhiều chi phí cơ hội khác để có thể được duyệt một khoản vay. Vì vậy, trong nhiều trường hợp, người vay vẫn muốn vay tiền từ các tổ chức tài chính vi mô hơn là tìm cách tiếp cận vốn của các tổ chức tín dụng chính thức.

Từ những chuyển mình nhọc nhằn

Được xem như một trong những điển hình thành công trong phát triển hoạt động tài chính vi mô, Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tỉnh Tiền Giang (gọi tắt là Quỹ MOM) đã đi vào hoạt động được 15 năm với nguồn vốn đầu tiên từ Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh Tiền Giang.

Là tổ chức phi lợi nhuận, mang tín dụng đến cho người nghèo, đặc biệt là phụ nữ nghèo tại địa phương, quỹ MOM đã từng bước cải thiện đời sống khi đã thực hiện được hơn 182.000 khoản vay với tổng số tiền hơn 870 tỷ đồng.

Hiện mạng lưới của quỹ MOM đã phủ sóng toàn bộ các huyện, thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh Tiền Giang. Thế nhưng, để mang cơ hội tín dụng đến cho nhiều người nghèo ở các địa bàn khác nữa thì Quỹ này phải được Ngân hàng Nhà nước công nhận là tổ chức tài chính vi mô chính thức, tức phải đáp ứng nhiều điều kiện, tiêu chuẩn về nguồn vốn, người sáng lập, bộ máy quản trị…

Và hàng loạt khó khăn đã theo đuổi tổ chức này trong suốt cuộc hành trình 6 năm ròng theo đuổi mục tiêu đưa Quỹ MOM trở thành một định chế tài chính vi mô chính thức. Dù UBND Tỉnh Tiền Giang đã đồng ý, nhưng nhiều năm qua Quỹ MOM vẫn chưa thể hoàn thành hồ sơ xin phép chuyển đổi pháp nhân theo như các yêu cầu của cơ quan quản lý ngành ngân hàng.

Mỗi lần điều chỉnh, cập nhật để đáp ứng những yêu cầu ấy lại thêm một lần khó khăn với những người tâm huyết. Ví dụ chỉ cần phía đối tác nước ngoài thay đổi người đại diện hay Chủ tịch của Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Tiền Giang thay đổi theo nhiệm kỳ thì người đại diện cao nhất của các bên có liên quan đều phải ký lại từ đầu, và phải ký từng trang của bộ hồ sơ nặng đến 6 cân.

“Quỹ không có giấy phép của tổ chức tài chính vi mô nên địa bàn hoạt động chỉ loay hoay trong tỉnh. Thiếu vốn như vậy nên tăng trưởng tín dụng mấy năm gần đây chỉ 30% thay vì tăng đến 60-70% như những năm trước”, Giám đốc Quỹ MOM Trần Thị Thanh Thụy nuối tiếc.

Thế nhưng, nỗi lo của người lèo lái con tàu MOM vẫn chưa dừng lại. Bởi lẽ, nếu Dự thảo Thông tư của NHNN về cấp phép, tổ chức và hoạt động của tổ chức tài chính vi mô chính thức hóa nội dung không cho phép đối tác nước ngoài góp vốn thì đây mới là khó khăn thực sự.

Đến sự thành công và thách thức phía trước

Ở một vị thế may mắn hơn, cũng là một tổ chức phi lợi nhuận cung cấp dịch vụ tài chính vi mô, Quỹ Trợ vốn cho người lao động nghèo tự tạo việc làm (Quỹ CEP) trực thuộc Liên đoàn Lao động TPHCM lại có cơ hội tăng phạm vi hoạt động tài chính vi mô lên đến 9 tỉnh, thành khác nhau với 33 chi nhánh trực thuộc. Để có CEP của ngày hôm nay với nguồn vốn lên đến hơn 3.000 tỷ đồng, Liên đoàn Lao động TPHCM còn nhận được sự đồng hành của nhiều nhà tài trợ.

Hiện vốn chủ sở hữu của CEP cũng đã hơn 800 tỷ đồng. Đây là thành quả tích lũy sau 25 năm hoàn toàn được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp. Toàn bộ lợi nhuận vì vậy đều được bổ sung vào vốn. Hoan hỉ trước thông tin CEP sẽ chính thức trở thành tổ chức tài chính vi mô từ đầu tháng 8 tới, nhưng bà Phan Thị Kim Lan, Trưởng phòng Quản lý nhân lực hành chính của CEP lại hết sức băn khoăn trước các thách thức sắp tới.

Bởi, mang pháp nhân là tổ chức tài chính vi mô cũng đồng nghĩa CEP sẽ phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp lên tới 17%. Mức thuế này tuy có thuận lợi hơn các doanh nghiệp khác trong nền kinh tế nói chung nhưng chắc chắn sẽ khiến phần vốn bổ sung vốn hằng năm của CEP bị thu hẹp không ít.

Ngoài ra, đã là một tổ chức tài chính vi mô thì phải thực hiện trích lập dự trữ bắt buộc trên tổng số dư tiền gửi tiết kiệm, nghĩa là phần vốn dành để cho vay ra cũng sẽ eo hẹp hơn trước. Và cũng chưa ai dám chắc quy định về các tỷ lệ an toàn vốn trong hoạt động tín dụng liệu có là áp lực đối với một định chế tài chính như CEP hay không. Chỉ biết rằng CEP đang đề xuất được miễn thuế TNDN cho 2 năm đầu hoạt động với tư cách pháp nhân mới và đóng thuế ở mức 50% trong 4 năm tiếp theo.

“Các cơ quan quản lý từng nhấn mạnh cần tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tài chính vi mô hoạt động nên chúng tôi đặt rất nhiều kỳ vọng vào tương lai của tổ chức”, người đại diện CEP bày tỏ hi vọng.

Phương Hiền

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/kinh-te/gap-ghenh-di-toi-chinh-danh-tai-chinh-vi-mo/312404.vgp