Gặp chàng trai người Mỹ gốc Việt với chiếc ví rỗng đi xuyên Việt để tìm lại chính mình

GD&TĐ - Đó là Trần Hùng John (sinh năm 1989) - người nổi tiếng với hành trình đi bộ xuyên Việt bằng chiếc ví rỗng để trở thành người Việt Nam thực thụ.

Nhân chuyến công tác tại (Lộc Bình, Lạng Sơn), chúng tôi có dịp gặp Trần Hùng khi anh đi tặng quà cho các em học sinh Trường tiểu học Nhượng Bạn.

* Chào Trần Hùng! Câu chuyện tìm lại chính mình của bạn khá nổi tiếng và nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của các bạn trẻ Việt Nam. Sau chuyến đi, Hùng đã có được bài học gì?

- Từ chuyến hành trình xuyên Việt, Hùng đã rút ra được rất nhiều bài học. Quan trọng nhất sau chuyến đi đó Hùng thấy mình kiên nhẫn hơn, sẽ không đánh giá người khác trước khi mình tìm hiểu về họ.

Trước đây tôi sống ở bên Mỹ, quen với môi trường, cuộc sống của một đất nước công nghiệp nên cái gì cũng rất là nhanh và tôi trở thành một phần trong guồng quay ấy, hàng ngày cứ chạy, chạy mãi mà không có được một khoảng lặng cho mình để ngẫm về cuộc sống.

Chính vì thế chuyến đi xuyên Việt của tôi đã giúp tôi có thời gian, có điều kiện để lặng nhìn cuộc sống. Sau chuyến đi này tôi cũng đã ra mắt cuốn sách "John đi tìm Hùng".

Cuốn sách như một quyển nhật ký kể về hành trình xuyên Việt và cũng là hành trình tìm lại con người Việt trong tôi, rằng tôi là người Việt Nam.

Điều quan trọng là, sau hành trình ấy tôi đã ngày càng nhận thức sâu sắc rằng, cuộc sống không chỉ có hai màu: trắng và đen; con người không chỉ có một mặt mà có thể có nhiều mặt khác nhau.

Chính vì thế mọi người nên giành thời gian tìm hiểu, khám phá và trải nghiệm. Điều đó sẽ rất thú vị và khiến cho chúng ta yêu cuộc sống này hơn.

Trần Hùng John chụp ảnh cùng người dân trong chuyến đi xuyên Việt của mình

* Vậy sau chuyến hành trình xuyên Việt, đất nước và con người Việt Nam hiện lên trong mắt bạn như nào?

- Thú thật, trước khi đến Việt Nam, tôi hoàn toàn là một người Mỹ. Bà ngoại và bố mẹ tôi đều là người Việt Nam nhưng sang Mỹ định cư. Tôi lớn lên ở đất nước Mỹ. Vì thế một chữ tiếng Việt cũng không biết nói, biết viết.

Nhưng giờ đây, tôi có thể khẳng định mình là một người am hiểu và không ngừng quảng bá hình ảnh tốt đẹp về con người, đất nước Việt Nam đến bạn bè năm châu. Tôi có thể tự hào giới thiệu rằng: Tôi tên là Hùng và tôi là một công dân Việt Nam thực sự.

Nếu chỉ được chọn một từ khóa để nhận xét về đất nước, con người Việt Nam thì tôi sẽ chọn từ: TUYỆT VỜI. Tôi ngày càng yêu đất nước, con người Việt Nam. Tôi hài lòng vì thấy Việt Nam của chúng ta thật đẹp, con người thật thân thiện.

Còn phụ nữ Việt Nam, phải nói rằng tôi ngưỡng mộ họ. Họ mạnh mẽ hơn nhiều so với những gì tôi nghĩ. Đơn cử như bà tôi, bà đã nuôi 10 người con sống tốt ở nước Mỹ trong khi bà không biết tiếng Anh.

Rồi mẹ tôi, sau khi ly hôn chồng nhưng vẫn nuôi 2 con sống tốt và vươn lên, trở thành một doanh nhân giỏi ở Mỹ?.

Chỉ bấy nhiêu thôi đã đủ để tôi cảm phục và yêu mến đất nước, con người Việt Nam.

Trần Hùng John: Hành trình xuyên Việt càng khiến anh thêm yêu đất nước và con người Việt Nam

* Trong hành trình xuyên Việt của mình, như bạn nói: bạn đã từng ăn nhờ, ngủ nhờ nhiều gia đình từ nông thôn đến thành thị và có dịp tiếp xúc với nhiều bạn trẻ. Vậy từ những trải nghiệm này, bạn có nhận xét gì và chia sẻ điều gì đến các gia đình cũng như các bạn trẻ Việt Nam?

- Có một vấn đề về cách nuôi dạy con của cha mẹ Việt Nam là hay “ôm” con chặt quá, bao bọc cho con quá nhiều mà ít quan tâm đến việc xây dựng ý thức tự lập cho con.

- Nhiều gia đình cứ cứ lo cho con từ A đến Z, từ khi còn nhỏ đến khi lập gia đình vẫn cứ lo. Như vậy thì hơi thái quá, điều này không những không tốt cho con cái mà còn hình thành tính ỷ lại, không chịu vươn lên của các con.

Với các bạn trẻ, tôi thấy một số bạn có lối sống gấp, vội vàng. Cần phân biệt rằng, đây không phải là lối sống nhanh theo kiểu xã hội công nghiệp.

Vì thế tôi khuyên các bạn nên dừng lại, suy nghĩ lại vì nếu mình sống vội vàng mà không có mục đích thì mình sẽ không tìm ra mục tiêu và hướng đi đúng của mình.

Tôi cũng muốn các bạn phải sống tự lập hơn, phải biết ơn và trân trọng bố mẹ mình nhưng phải hiểu họ không thể sống cho mình được.

Mình phải đi tìm con đường riêng của mình. Nhưng không phải con đường nào mình cũng đi mà phải xem xét xem con đường đó có đúng hay không. Từ đó mình lựa chọn đi ngược lại hay rẽ về một hướng khác.

Sau hành trình xuyên Việt, nhiều bạn trẻ cũng muốn đi như Hùng. Nhưng Hùng khuyên nếu các bạn thấy mình có một mục tiêu riêng nào đó cần phải đi, ví dụ: Đi để hiểu hơn về Việt Nam, về văn hóa, các phong tục, tập quán của các vùng, miền thì các bạn nên trải nghiệm nhưng nếu đi chỉ là để theo người khác hoặc để được như người khác thì rất có thể có thể sau này bạn sẽ phải hối hận.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/tre/gap-chang-trai-nguoi-my-goc-viet-voi-chiec-vi-rong-di-xuyen-viet-de-tim-lai-chinh-minh-2541835-v.html