Gạo Việt loay hoay tìm lại thương hiệu

GD&TĐ - Bộ NN&PTNT vừa thông qua đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam để thu nhập của nông dân sẽ được cải thiện hằng năm và bảo đảm lợi nhuận từ 30% tổng thu trở lên đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Trong đề án này, 25 chương trình, dự án được ưu tiên vốn gần 7.000 tỉ đồng, gồm các nội dung như: Quy hoạch, rà soát quy hoạch hoàn chỉnh hạ tầng đồng ruộng, chuyển đổi đất lúa; các dự án, đề tài khoa học công nghệ cho nghiên cứu chọn tạo giống; tổ chức sản xuất và cơ giới hóa, chế biến; phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu…

Khuyến khích tư nhân đầu tư vào nông nghiệp

Theo đề án tái cơ cấu, ngành lúa gạo tiếp tục phát huy những lợi thế chiến lược mà Việt Nam có. Bên cạnh việc đáp ứng thị trường trong nước, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu (XK) lúa gạo theo hướng tăng giá trị và phát triển vững bền...

Trong đề án có đề cập đến việc tái cơ cấu và cổ phần hóa các doanh nghiệp (DN) Nhà nước, trọng tâm là Tổng công ty lớn nhất hiện nay là Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) và Lương thực miền Nam (Vinafood 2).

Khuyến khích DN tư nhân mở rộng kinh doanh, đầu tư vào ngành lúa gạo bằng các dự án hợp tác công tư (PPP), ưu đãi thuế, vốn vay..., đặc biệt ưu tiên các DN có vùng nguyên liệu, DN hoạt động nghiên cứu khoa học và khuyến nông, DN kinh doanh vật tư đầu vào có liên kết với nông dân.

Thu hút đầu tư của các DN vào việc xây dựng vùng nguyên liệu, hình thành liên kết và lâu dài giữa các tổ chức liên kết sản xuất của nông dân, hợp tác xã với các DN nòng cốt và tạo điều kiện cho các DN này tham gia XK.

Thu hút đầu tư, liên doanh liên kết lâu dài với DN từ các quốc gia khác có tiềm lực về vốn, công nghệ, thiết bị và kinh nghiệm kinh doanh để phát triển và hiện đại hóa ngành lúa gạo nước ta.

Hỗ trợ DN lớn, có liên kết sản xuất với nông dân tại các vùng nguyên liệu chuyên canh chính, xác định thị trường mục tiêu, thu hút khách hàng lớn, xây dựng thương hiệu, kết nối trực tiếp với hệ thống bán lẻ.

Đồng thời hạn chế tối đa các biện pháp quản lý XK làm méo mó, gián đoạn thị trường như tạm dừng XK, hạn ngạch XK, trợ giá... Tập trung phát triển sản xuất các nhóm sản phẩm theo phân khúc thị trường trong nước như gạo đặc sản, gạo chất lượng trung bình, gạo phục vụ cho chế biến.

Ngoài ra, về thị trường XK, đề án xác định tăng tỷ trọng loại gạo trắng, hạt dài, gạo chất lượng cao (5 - 10% tấm), giảm tỷ trọng loại gạo trên 15% tấm.

Đồng thời, tăng tỷ trọng các loại gạo thơm, gạo đồ, gạo Japonica, đa dạng các sản phẩm chế biến từ gạo. Xây dựng các chương trình hỗ trợ cho các DN ngành gạo phát triển thị trường mới nhằm khai thác hiệu quả của các cam kết hội nhập. Hỗ trợ các DN tìm kiếm, ký kết hợp đồng XK trực tiếp với các hệ thống phân phối nước ngoài.

Tiếp cận hệ thống bán lẻ tại các thị trường nhập khẩu gạo chất lượng cao. Xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam và phát triển hệ thống phân phối tại các thị trường nhập khẩu. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại gạo đồ sang các thị trường châu Phi, Bắc Mỹ, châu Âu...

Đẩy mạnh hoạt động marketing cho sản phẩm gạo Việt Nam có thương hiệu trên cả thị trường nội địa và quốc tế. Xây dựng kho ngoại quan tại các thị trường chủ lực phù hợp với các cam kết hội nhập nhằm phát triển kênh phân phối cho gạo Việt Nam tại các thị trường nhập khẩu.

Mục tiêu có thành hiện thực?

Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu đến năm 2030, 50% lượng gạo XK sẽ có thương hiệu Việt, trong đó 30% là gạo đặc sản, gạo thơm. Để đạt được các mục tiêu trên, Bộ NN&PTNT đã đưa ra lộ trình thực hiện và danh mục các dự án cần ưu tiên thực hiện từ năm 2017 đến năm 2022 - tổng kinh phí vượt hơn 7.000 tỷ đồng.

Trong đó, 5.000 tỷ đồng là dự án hoàn chỉnh đồng ruộng, củng cố giao thông và thủy lợi nội đồng, hệ thống điện phục vụ sản xuất ở các vùng chuyên canh lúa ở ĐBSCL, đồng bằng sông Hồng và duyên hải Nam Trung Bộ.

Ngoài ra, là hàng loạt các dự án về chọn giống lúa, xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật và các chủng loại gạo phục vụ XK... được lên kế hoạch.

Theo số liệu báo cáo mới nhất của Bộ NN&PTNT, trong 9 tháng của năm 2016, khối lượng gạo XK ước đạt 3,76 triệu tấn, thu về 1,69 tỷ USD. So với cùng kỳ, gạo XK năm nay đã giảm 16,4% về khối lượng và giảm 12,5% về giá trị.

Trên thị trường thế giới, không ít vụ việc gạo Việt xuất bị trả về do tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép. Trong khi đó, theo báo cáo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), 6 tháng đầu năm 2016, đã có hơn 500 container gạo thơm của Việt Nam bị đối tác trả về do không đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/gao-viet-loay-hoay-tim-lai-thuong-hieu-2444942-b.html