Gạo ST25 bị làm giả và câu chuyện bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ

Gạo ST25 bị mạo danh, làm giả xuất hiện tràn lan một lần nữa báo động thực trạng giả mạo thương hiệu thông qua nhãn mác, bao bì, thậm chí là giả mạo gạo ST25.

Sau khi được vinh danh là giống gạo ngon nhất thế giới, gạo ST25 bị mạo danh, làm giả xuất hiện tràn lan làm giảm uy tín hạt gạo Việt Nam trên thị trường trong nước và xuất khẩu.

Mới đây, đầu tháng 4/2023, nhiều cơ sở kinh doanh gạo tư nhân tại Hà Nội bị phát hiện làm giả nhãn hiệu gạo ST25 Ông Cua. Sự việc một lần nữa báo động thực trạng giả mạo thương hiệu thông qua nhãn mác, bao bì hay thậm chí là giả mạo gạo ST25 đã có từ lâu khiến người tiêu dùng rất khó phân biệt thật - giả...

Thực tế, không chỉ gạo ST mà hàng loạt các sản phẩm khác từ thực phẩm đến hàng thời trang, gia dụng… đều bị làm giả. Điển hình như Nón sơn – thời gian qua, cơ quan chức năng trong cả nước liên tục phát hiện hàng triệu sản phẩm mũ bảo hiểm có dấu hiệu làm giả thương hiệu Nón Sơn. Thậm chí, giữa năm 2023, Tổng công ty Du lịch Sài Gòn - TNHH Một thành viên (Saigontourist) đã nộp đơn khởi kiện Công ty CP Vận chuyển Sài Gòn Tourist ra Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh về hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc kinh doanh của doanh nghiệp.

Là chủ sở hữu có sản phẩm bị giả mạo, ông Hồ Quang Cua - cha đẻ của giống lúa ST25, liên tục bày tỏ bức xúc về vấn đề này. Bởi cứ mỗi khi gạo ST25 được xướng danh trên thế giới thì ở trong nước tình trạng làm giả, làm nhái thương hiệu càng nở rộ.

Gạo ST25 liên tục bị làm giả

Thực tế việc giả mạo gạo, lúa giống, giả mẫu gạo dự thi gạo ngon đã xuất hiện từ năm 2020, chỉ vài tháng sau khi gạo ST25 đoạt giải thưởng gạo ngon nhất thế giới và càng lúc càng rộng hơn, tưởng chừng như không kiểm soát nổi.

Dù với hình thức "ăn theo", copy hay giả mạo đi chăng nữa thì mục đích cuối cùng của những hành vi này là muốn đạt lợi nhuận nhanh, dễ dàng.

Sự cạnh tranh không lành mạnh này còn bị đẩy lên cao khi so với "hàng chính gốc", những thương hiệu nhái lại làm ăn chụp giật, lấp liếm, khiến người chủ thật bị vạ lây. Cách thức kinh doanh này thành công đến mức đây là "công thức" của nhiều người làm ăn.

Trong khi doanh nghiệp “vật lộn” để bảo vệ thương hiệu thì người tiêu dùng như rơi vào mê cung, bị nhầm lẫn bởi những cái tên na ná đặt cạnh nhau hay thêm những chữ "mới", "tân" hay thêm dấu một cách kín kẽ.

Mặc dù thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, cơ quan chức năng đã rất tích cực, chủ động trong việc bảo vệ thương hiệu song kết quả vẫn chưa được như kỳ vọng, bởi các chế tài xử lý chưa đủ để răn đe. Nếu có xảy ra tranh chấp, kiện tụng, quy trình này sẽ kéo dài, ngay cả khi xử phạt hành chính thì mức xử phạt cũng thấp hơn nhiều so với lợi nhuận kiếm được. Chưa kể, để xử phạt được thì bên thực thi cũng mất không ít chi phí, thời gian, công sức.

Tình trạng nhờn luật khi hàng nhái, hàng giả thương hiệu nhưng không bị nghiêm trị đang tạo ra môi trường kinh doanh không lành mạnh. Là mảnh đất màu mỡ cho những người ra làm ăn nhưng lại có suy nghĩ làm giàu phi pháp, lấy của người làm của mình.

Theo các chuyên gia, để bảo vệ thương hiệu các doanh nghiệp, người sản xuất phải bảo vệ thương hiệu của mình ở cả thị trường trong nước và quốc tế. Và việc cần làm trước tiên hiện nay là phải thay đổi nhận thức cho các chủ thể. Trong thời đại cạnh tranh về thương hiệu, chỉ những hàng hóa có thương hiệu mới có giá trị cao.

Về phía các cơ quan chức năng, cần hoàn thiện các quy định pháp luật cho việc bảo hộ, quản lý và phát triển thương hiệu dựa trên những quyền sở hữu trí tuệ đối với địa danh dùng cho các sản phẩm nông nghiệp đặc thù. Đặc biệt, những cơ quan này cần quy định về quản lý, kiểm soát về các nhãn hiệu chung cho sản phẩm nông nghiệp đặc thù.

Không chỉ vậy, các cơ quan cần đẩy mạnh công tác bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nói chung và đặc biệt là cho sản phẩm nông nghiệp đặc trưng nói riêng để nâng cao nhận thức cộng đồng, đồng thời triển khai các nội dung của các chính sách hỗ trợ một cách hiệu quả.

Đặc biệt, các cơ quan nhà nước cần nâng cao khả năng quản lý, kiểm soát việc sử dụng nhãn hiệu trên thị trường; phát triển nguồn lực và thời gian tham gia dự án nhằm tăng cường hỗ trợ giai đoạn quản lý cũng như thúc đẩy hoạt động quảng bá, thương mại cho sản phẩm. Có như vậy, tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả hàng nhái mới được đẩy lùi và doanh nghiệp chân chính mới có thể yên tâm sản xuất, kinh doanh.

Hà Linh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/gao-st25-bi-lam-gia-va-cau-chuyen-bao-ve-quyen-so-huu-tri-tue-314482.html