Gạo nếp - món ăn ích khí, kiện tỳ

Vị dẻo, ngọt và hương thơm khó quên, gạo nếp không chỉ là nguyên liệu chính của nhiều món ăn dân dã mà hấp dẫn như xôi, làm các loại bánh: bánh chưng, bánh dày, bánh khảo, gánh nướng, bánh trôi chay...;

mà nó còn là một thực phẩm giàu chất dinh dưỡng đối với sức khỏe và phòng trị bệnh.

Gạo nếp còn gọi nhu mễ, giang mễ, tên khoa học Oryza sativa L. var. glutinosa Tanaka, họ lúa (Poaceae). Bộ phận dùng làm thuốc là hạt lúa và hạt gạo.

Gạo nếp rất giàu dinh dưỡng: Có protein, đường các loại, tinh bột, vitamin nhóm B (có nhiều trong cám gạo) và chất vô cơ... Gạo nếp là lương thực chính hàng ngày cho người bệnh viêm loét dạ dày tá tràng, tác dụng băng niêm mạc chống loét. Người bệnh phát ban mụn nhọn kỳ đầu ăn gạo nếp có tác dụng thúc đẩy mọc ban, mưng mủ sớm để mau lành bệnh.

Theo Đông y, gạo nếp vị ngọt, tính ôn, vào tỳ vị và phế. Tác dụng bổ trung, ích khí, kiện tỳ, cố biểu chỉ tả. Dùng tốt cho người đái tháo đường, tự hãn, tiểu dắt, di niệu, tiêu chảy. Hằng ngày dùng 50 - 200g. Có thể nấu, rang, sấy hoặc tán bột...

Mỗi ngày ăn một bát con cơm rượu nếp để kiện tỳ, bổ khí khai vị, giúp ăn ngon miệng, dễ tiêu hóa.

Một số bài thuốc có gạo nếp

Chữa nôn liên tục: Gạo nếp 20g, gừng tươi 3 lát. Gạo nếp sao vàng, sắc cùng với gừng lấy nước uống.

Chữa viêm loét dạ dày - tá tràng: gạo nếp 10g, mai mực 10g, cam thảo 10g, bằng sa phi 5g, mẫu lệ nung 10g, hoàng bá 10g, kê nội kim 10g, gừng tươi 3 lát. Sắc uống ngày 1 thang.

Chữa liệt dương: cám nếp, hoài sơn, đinh lăng, ý dĩ, hoàng tinh, hà thủ ô, kỷ tử, long nhãn, mỗi vị 12g; trâu cổ 8g, cao ban long 8g, sa nhân 6g. Để riêng cao ban long; các vị khác sắc lấy nước, hòa tan cao và uống trong ngày.

Món ăn thuốc từ gạo nếp

Xôi bát bảo: Hạt sen 20g, bạch biển đậu 20g, ý dĩ 20g, đào nhân 20g, long nhãn 20g, mơ chín 30g, đại táo 20g, sơn dược 20g, gạo nếp 100g, đường trắng vừa đủ. Tất cả đồ thành xôi. Dùng tốt cho người suy nhược cơ thể, ăn kém chậm tiêu, tiêu chảy, phù nề...

Cơm nếp: Gạo nếp 150g, nấu cơm nếp dẻo, thêm chút muối, ăn sáng và chiều khi đói. Dùng tốt cho người hen suyễn, viêm khí phế quản, tiêu chảy, đau loét dạ dày - tá tràng.

Bột gạo nếp củ mài: Gạo nếp 500g, củ mài 500g. Gạo nếp ngâm nước khoảng 1 giờ, vo sạch, để khô, sao tán bột. Củ mài cũng sao qua tán bột. Khi dùng lấy mỗi thứ 1 thìa, thêm đường và bột tiêu, hòa nước sôi khuấy đều. Ăn bữa sáng. Thích hợp cho người cao tuổi, trẻ em ăn kém suy nhược, người bệnh tiêu chảy lâu ngày, ăn kém.

Nước gạo nếp rang: Gạo nếp 1.000g ngâm nước 1 ngày đêm, thay nước vài ba lần, vo rửa sạch, phơi hoặc sấy khô, sao vàng và tán bột để sẵn. Khi dùng hòa với nước sôi, chút đường uống. Dùng tốt cho người bị nôn do trào ngược dạ dày - thực quản, hẹp môn vị, thai nghén...

Rượu nếp (cơm rượu): Nấu cơm nếp lứt (gạo xay) rồi trộn với men cơm rượu, ủ trong vài ngày, qua quá trình lên men ta được cơm rượu. Men rượu trong dân gian có 2 loại: loại men cơm rượu chủ yếu chuyển tinh bột thành đường mà ít chuyển đường thành rượu; loại men rượu chuyển tinh bột thành đường rồi chuyển nhanh thành rượu... Rượu nếp hay cơm rượu từ xa xưa rất được ưa chuộng. Mỗi ngày ăn 1 bát con cơm rượu để kiện tỳ, bổ khí khai vị, giúp ăn ngon, miệng.

Chè gạo nếp đậu đỏ: Gạo nếp 50g, đậu đỏ 50g, cám gạo 50g, đường vừa đủ. Nấu thành chè ăn. Chữa bệnh tê phù.

Kiêng kỵ: Người bị bệnh đàm kết, phong, nhiệt hạn chế dùng.

TS. Nguyễn Đức Quang

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/gao-nep-mon-an-ich-khi-kien-ty-n171747.html