Gánh Mẹ

Trên đường từ cơ quan về nhà tôi phải đi qua chợ Bờ Ngựa đường Hưng Nhơn - Bình Chánh mới ra được đại lộ Võ Văn Kiệt. Tôi thấy chộn rộn cảnh xe cộ và người qua lại đông đúc, mua bán tấp nập. Bất giác nhớ lại hôm nay đã là 23 Tết. Mọi người đang lo đưa Ông Táo về trời.

Ảnh: Minh họa

Thường là vào những ngày 25 đến 27 tháng Chạp âm lịch ở Sài Gòn người ta hay đi tảo mộ Ông Bà, hoặc chuẩn bị sơn sửa lại nhà cửa nên chợ búa bắt đầu đông đúc. Ở lứa tuổi U50 này không còn cảnh háo hức trông ngóng Tết như ngày xưa nữa, chỉ mong nhanh được lãnh tiền thưởng tháng 13 đem về cho bà xã sắm sửa 3 ngày Tết là vui rồi và việc dọn dẹp nhà cửa, coi sóc lại bàn thờ Tổ tiên để đón Tết là nhiệm vụ chính.

25 Tết khi dọn đến nơi để đồ linh tinh nằm sau bếp, chợt cây đòn gánh dựng sát góc tường rơi ra. Tôi nhặt lên lau sạch và để lại vị trí cũ mà cách đây đúng 8 năm tôi đã từng để, vì đó là nơi Mẹ tôi từng đặt đôi quang gánh khi ngày xưa mỗi khi đi làm về tới nhà. Dù đôi quang gánh đã mục nát theo thời gian, nhưng cái đòn gánh thì vẫn gần như nguyên vẹn. Tính đến nay tôi 8 mùa xuân mất Mẹ. Nhìn lên bàn thờ được trang hoàng lộng lẫy, tôi thắp nén nhang cho Mẹ, bồi hồi nhớ lại những ngày còn Mẹ và những cái Tết năm xưa mà sóng mắt cay cay…

Tôi nhớ vào những ngày giáp Tết như thế này khi còn nhỏ. Mẹ tôi về rất trễ thường là 19h tối. Mẹ nói tranh thủ bán thêm để có tiền mua quần áo mới cho các con và sắm sửa thịt thà cho ba ngày Tết. Vì là con trai đầu nên tôi thường được mẹ dặn trước 19h ngồi đợi Mẹ trước nhà bạn hàng ở đầu chợ trông chừng quang gánh để Mẹ đi mua đồ cho nhanh. Sau khi nói bạn hàng lấy đủ các mặt hàng cho ngày bán hôm sau, Mẹ dặn tôi nhận xong xếp vào thúng chờ mẹ và coi chừng bị mất cắp. Mẹ vội đi nhanh vào chợ hướng về phía các sạp bán quần áo trẻ con. Hơn nửa tiếng sau Mẹ trở ra trên tay ôm 1 bịch quần áo mới của các chị em chúng tôi. Mẹ nói phải mua trước quần áo, để gần Tết rất đắt. Sau đó Mẹ vội vã đi tiếp vào chợ. Cũng cỡ thời gian như trước mẹ trở ra trên tay đủ thứ đồ khô: Bún Tàu, bánh tráng, nấm mèo, măng khô. Những bịch gia vị đường, đậu, trà… Mẹ nói đây là những thứ cần thiết của ba ngày Tết nhưng rất dễ quên, nhớ gì cứ mua đó thiếu thì mua thêm sau vì không bị hư. Riêng rau và thịt trứng, gà, vịt thì sáng 30 Tết mua cũng được.

Khi hai mẹ con về tới nhà đã 21h đêm. Tôi khệ nệ xách bọc quần áo mới mà trong lòng háo hức quên cả đói. Về tới nhà Mẹ đặt đôi quang gánh vào vị trí thường đặt và dựng cây đòn gánh vào đúng vị trí đó. Chị em chúng tôi lôi đồ mới ra xem, cười nói chê khen đủ thứ rộn ràng. Riêng Mẹ lại vội tắm rửa, lúi cúi sắp đặt đồ ra để mai chuẩn bị đi bán.

Sau này tôi mới hiểu Mẹ lo sắm quần áo Tết cho chúng tôi trước vì biết chúng tôi háo hức, không muốn chúng tôi buồn và có cái khoe với bạn bè trang lứa. Mẹ mua những gì cần thiết nhất. Ngày mai lại phải đi bán mới có tiền sắm sửa tiếp. Lớn lên chút nữa tôi mới biết thêm có những năm khó khăn. Gần Tết Mẹ nợ tiền bạn hàng hoặc mượn tạm qua năm sau trả dần để lo cho gia đình có cái Tết no đủ…

Nhà thơ Trương Minh Nhật

Và cứ thế từng năm,tháng trôi qua… Trôi qua… Khi chúng tôi trưởng thành mới hiểu hết tất cả những gánh nặng mà Mẹ đã còng lưng gánh từng năm tháng cho đến khi đèn dầu le lói tắt trước gió. Vào tháng 6/2014, Mẹ trở bệnh rất nặng, chị em tôi thay nhau vào bệnh viện chăm sóc Mẹ. Nhìn ánh mắt yếu ớt của Mẹ như muốn nói lời gì đó mà không nói được, tôi nói theo phán đoán của mình Mẹ gật đầu tức là đã hiểu. Nhìn thân thể hao mòn vì bệnh tật, cánh tay gầy như muốn nắm tay tôi mà không được, tôi nắm lấy bàn tay Mẹ nước mắt chảy dài. Buổi tối tại bệnh viện tôi thiếp đi trong niềm cảm xúc của cõi nhân sinh, chuyện sinh ly tử biệt. Và tôi viết như chưa bao giờ được viết...

Bài thơ Gánh mẹ của nhà thơ Trương Minh Nhật đã được nhạc sĩ Quách Beem phổ nhạc và được đạo diễn Lý Hải đưa vào bộ phim Lật mặt 4: Nhà có khách. Trương Minh Nhật đã từng nghẹn ngào: “Đó là bài thơ tôi báo hiếu cho mẹ mình, vì tình Mẫu Tử thiêng liêng của mẹ mà tôi đã cho ra Gánh mẹ, vì thế không ai có thể giành lấy tài sản vô giá ấy của tôi”.

Bài thơ Gánh Mẹ ra đời từ đó: “Cho con gánh Mẹ một lần - Cả đời Mẹ đã tảo tần gánh con - Cho con gánh Mẹ đầu non - Cả lòng Mẹ đã gánh con biển trời - Ngày xưa Mẹ gánh à ơi - Con xin gánh lại những lời Mẹ ru…” Và rồi… cũng trong năm đó Mẹ bỏ chúng tôi ra đi mãi mãi…

Xuân này cũng như những mùa Xuân trước, tôi gạt nước mắt để chuẩn bị qua chùa nơi đặt hũ cốt của Mẹ, thắp nén hương mời mẹ về nhà ăn Tết đoàn viên. Để tôi được thấy lại những mùa Xuân còn có Mẹ. Như Mẹ vẫn ở bên tôi…

Nhà thơ Trương Minh Nhật

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/ganh-me-post1499814.tpo