Gắng sức “mua nghề” cho con

Làm nghề báo, được rong ruổi khắp các vùng, miền của Tổ quốc, tôi từng biết chuyện có những “đại gia” vung tiền thưởng ngay cho các cậu ấm, cô chiêu của mình một “con” xế hộp thời thượng trị giá cả tỷ bạc khi chúng đỗ đại học. Và tôi cũng biết, trên mảnh đất hình chữ “S” này, từ miền xuôi đến miền ngược, có rất nhiều những gia đình nghèo lo âu cho tương lai của con mình bằng cách gắng sức “mua” lấy một cái nghề - “bảo bối” để giúp cho chúng có một tương lai tốt đẹp...

Nổi tiếng là “làng hiếu học”, hằng năm, các dòng họ ở làng Nại Cửu (xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, Quảng Trị) đều tổ chức phát thưởng cho các cháu học sinh vượt khó, học giỏi. Ảnh: Hoàng Phương Uyên

Đổi nương, ruộng lấy cái chữ

Người nổi tiếng nhất ở vùng cao Đa Thông (huyện miền núi Thông Nông, Cao Bằng) bây giờ có lẽ là ông Dương Văn Tu, dân tộc Mông, ở bản Ma Pản. 4 năm trước, để có tiền nuôi đứa con trai là Dương Văn Nguyện bước chân vào giảng đường Trường Đại học Quốc gia Hà Nội (Khoa Luật), vợ chồng ông phải quyết định bán đi mấy mảnh ruộng của gia đình lấy 30 triệu đồng và vay thêm ngân hàng hơn 20 triệu đồng.

Trước cháu Nguyện, gia đình ông có 2 đứa con lớn đã có được nghề nghiệp vững chắc để lo cho cuộc sống của mình. Cụ thể, con trai cả Dương Văn Dũng, tốt nghiệp trường Đại học Văn hóa Hà Nội, hiện đang công tác tại xã Thượng Thôn, huyện Hà Quảng; con gái thứ hai là Dương Thị Mù, tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Cao Bằng, hiện làm việc tại trường Mẫu giáo Bình Lãng, huyện Thông Nông.

“Để các con đi tới đích, vợ chồng tôi chẳng tiếc cái gì. Nếu cần bán hết nương ruộng, tôi cũng sẵn sàng” - Ông Tu quả quyết. Nhớ lại ngày tiễn đứa con đầu là Dương Văn Dũng vào đại học, ông Tu bảo: “Mừng mà lo quá. Ở Hà Nội không quen ai, ăn ở, tiền bạc chi tiêu không biết thế nào...”. Đó là cái lo của người chưa có kinh nghiệm, chứ đến lượt con gái thứ hai, rồi đến con trai kế tiếp - Dương Văn Nguyện, đậu vào Khoa Luật, trường Đại học Quốc gia Hà Nội, ông đã “đủ bản lĩnh”, dù vẫn phải tiếp tục bán ruộng bán nương, lại phải vay thêm ngân hàng. “Lo cho chúng nó học hành bằng mọi giá là vợ chồng tôi đã xác định sống chết gì cũng dứt khoát không để con khổ như mình” - Ông Tu “kết luận” với chúng tôi.

Cùng “cảnh ngộ” với ông Dương Văn Tu, ông Cao Ngọc Hiệp ở xã Tân Lược (huyện Bình Tân, Vĩnh Long) cũng bán dần bán mòn 7 công đất canh tác lúa là “nồi cơm” của gia đình để các con “học đến khi nào không học được nữa thì thôi”.

Ông Hiệp kể với chúng tôi, vợ chồng ông đã phải bán đất nhiều lần để nuôi 8 người con ăn học thành tài. Ở thời điểm 3 đứa lớn đang học đại học và 5 đứa nhỏ học phổ thông, vợ lại lâm bệnh nặng, ông quyết định bán nốt 1 công vườn cuối cùng, vừa để nuôi các con ăn học, vừa bù phụ vào việc chữa bệnh cho vợ. Đến khi vợ qua đời, ông Hiệp cắn răng thuê thêm ruộng vườn canh tác lúa, hoa màu lấy tiền đóng học cho con.

“Trời không phục công người, đến nay, cả 8 đứa con tôi đều đã tốt nghiệp và có công ăn việc làm ổn định. Cháu đầu và cháu thứ hai được vào làm ở ngành ngân hàng. Những đứa còn lại đều được các doanh nghiệp lớn tuyển dụng với mức đãi ngộ rất cao” - Ông Hiệp tâm sự với chúng tôi.

Mơ về một “mùa quả ngọt”

Còn nhớ, cách đây hơn 5 năm, tôi có dịp theo chân một đồng nghiệp thường trú ở miền Trung đến làng Nại Cửu (xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, Quảng Trị), nơi đã nổi danh khắp vùng vì “thành tích” bán đất để nuôi con ăn học.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà tuềnh toàng, bà Đặng Thị Thúy kể: “Để có tiền nuôi 4 đứa con ăn học đến nơi đến chốn, vợ chồng tôi vừa quyết định đem sổ đỏ thế chấp ngân hàng. Trước đó, tiền hộ nghèo, tiền vay học sinh, sinh viên, tôi đã vay, bà con dòng họ ai mượn được, tôi cũng mượn. Không riêng gì gia đình tôi, ở Nại Cửu, gần 20 năm nay, trong số hơn 750 hộ với gần 3.100 khẩu thì có đến trên dưới 400 người là cử nhân, thạc sĩ, trong đó nhiều nhất là công chức ngành giáo dục. Trong số này, hầu hết được bố mẹ nuôi ăn học bằng những nghề cực nhọc hoặc bằng cách đi vay nợ trả dần. Nhiều đấng sinh thành ở đây còn “bấm bụng” bán đất bán nhà cho con nuôi dưỡng ước mơ trên giảng đường đại học...”.

Giống như các bậc phụ huynh ở làng Nại Cửu, với quan niệm cho con cái nghề là cho cả tương lai, người đàn ông khắc khổ tên là Nguyễn Văn Kim, ở ấp 4, xã An Thạnh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An, phụ huynh của 2 nữ sinh viên đang theo học tại trường Đại học Sư phạm Cần Thơ mà chúng tôi có dịp gặp trong chuyến công tác vào vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng có “máu liều”, dám đánh đổi mọi khó khăn gian khổ lấy sự thành công của các con. Bằng cái giọng hết sức xởi lởi, ông Kim cho chúng tôi biết: Khi vợ chồng ông dồn hết lực cho hai đứa con gái học đại học, không ít người trong xóm xầm xì: “Cái tay Kim nghèo mà làm phách, cho con học riết cũng thất nghiệp!”.

Họ có lý đôi phần bởi cái nhà vách lá cột cây mà dám dốc lòng cho con đi học. Nhưng rồi sự kiên quyết của vợ chồng ông cuối cùng thuyết phục được bà con lối xóm. Sự thành đạt của hai người con gái của vợ chống ông bà đã khiến cho dân trong vùng vị nể. Hễ có chuyện về học hành, thi cử, bà con lại kéo đến nhà xin được tham vấn. “Người ta đã thấy cái học cần thiết đến mức nào rồi!” - Ông Kim tự hào tâm sự với chúng tôi.

Trở lại với câu chuyện của ông Cao Ngọc Hiệp, ở xã Tân Lược (huyện Bình Tân, Vĩnh Long), nói về quyết định bán đất nuôi con ăn học của mình, ông đưa ra đáp số của “bài toán cuộc đời”: “Bán đất thì đau lòng lắm, nhưng chỉ bám vào mấy mảnh ruộng thì sau này các con không thể khá lên được. Suy đi nghĩ lại chỉ có con đường học cái chữ. Mình cho con kiến thức rồi sau này nó khắc tự lo”.

Cái “khắc tự lo” của ông Hiệp bây giờ là những thành quả đáng tự hào: Cậu cả và cậu hai sau khi tốt nghiệp đại học thì “đầu quân” cho 2 ngân hàng có chi nhánh tại địa phương. Cậu ba sau khi tốt nghiệp, hiện làm cho một công ty lớn tại Vĩnh Long. Cậu con trai thứ tư làm tại Quỹ tín dụng xã Tân Lược và cậu thứ năm công tác tại Viettel chi nhánh Bình Tân. 3 đứa còn lại cũng đều có công ăn việc làm đề huề mà đối với nhiều người, “có mơ cũng không được”...

Hầu hết những nhân vật trong bài viết này không hề muốn phô bày nỗi khổ riêng “sợ con biết nó buồn” (ông Cao Ngọc Hiệp nói vậy). Còn ông Nguyễn Văn Kim thì “mình làm tròn bổn phận với con chứ có gì đâu?”. Chúng tôi thì nghĩ khác: Có những bậc phụ huynh với nghĩa biển trời đã nuôi dưỡng con mình trưởng thành, gắng sức “mua” lấy một cái nghề cho những đứa con của mình thì cái khổ, cái nghèo không phải là lý do để họ chùn bước, cúi đầu.

Hoàng Phương Uyên

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/gang-suc-mua-nghe-cho-con/