Gắn trách nhiệm 'người đứng đầu' sẽ dẹp được xe hết 'đát'

Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng, muốn dẹp xe hết “đát”, các đơn vị liên quan cần thực hiện nghiêm Chỉ thị 29/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là trong vấn đề gắn trách nhiệm “người đứng đầu”.

Ông đánh giá như thế nào về những nguy cơ các xe ô tô hết niên hạn sử dụng mà vẫn tham gia giao thông có thể gây ra?

Điều dễ nhận thấy là các xe hết niên hạn sử dụng hầu hết điều kiện kỹ thuật đều không đảm bảo. Có xe hết niên hạn sử dụng nhiều năm vẫn tham gia lưu thông trên đường, chất lượng ngày càng xuống cấp. Những xe này đương nhiên có nguy cơ gây tai nạn, mất an toàn giao thông rất cao. Thực tế chứng minh, suốt thời gian qua đã có nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra có liên quan tới xe hết niên hạn sử dụng, thậm chí có những vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng khiến nhiều người thương vong. Ngoài ra, phải nói thêm rằng, nhiều xe hết niên hạn sử dụng còn được dùng để chở hàng quá tải cũng góp phần cày xới mặt đường, tác động tiêu cực tới hạ tầng giao thông ở các địa phương.

Theo ông, đâu là những nguyên nhân chính khiến cho việc quản lý xe hết niên hạn sử dụng còn kém hiệu quả?

Tôi cho rằng, đầu tiên phải kể tới ý thức trách nhiệm của chủ xe chưa cao. Xe đã hết niên hạn sử dụng mà vẫn tham gia giao thông. Bên cạnh đó, khi xe chạy trên đường, do cố tình lựa chọn những cung đường ít lực lượng tuần tra kiểm soát nên xe vẫn tránh né trót lọt vượt qua sự kiểm tra.

Một trong những “nguồn cơn” mấu chốt khiến cho suốt thời gian qua xe hết niên hạn sử dụng vẫn có thể hoạt động ngang nhiên là chính quyền cấp địa phương chưa dành sự quan tâm đúng mức trong vấn đề này, chưa thực sự quyết liệt, thậm chí còn tình trạng cơ quan chức năng làm ngơ trước xe hết niên hạn sử dụng. Đôi khi, những người sử dụng xe hết niên hạn sử dụng là những người nghèo, chạy tập trung ở khu vực địa phương nhất định nên cơ quan quản lý có thấy cũng không hẳn đã xử lý quyết liệt.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 29/CT-TTg về việc xử lý phương tiện giao thông đường bộ hết niên hạn sử dụng, quá hạn kiểm định yêu cầu các bộ, ngành, địa phương ráo riết hơn trong công tác này. Xin ông cho biết, động thái này có giúp vấn nạn xe hết niên hạn sử dụng mà vẫn tham gia giao thông được giải quyết dứt điểm?

Tôi cho rằng, nếu các bộ, ngành, địa phương quyết tâm cao thực hiện đồng bộ các giải pháp theo đúng tinh thần chỉ đạo từ Chỉ thị 29 của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là ở nội dung nhấn vào trách nhiệm của “người đứng đầu” thì việc quản lý các phương tiện hết niên hạn sử dụng sẽ có chuyển biến tích cực trong thời gian tới.

Trách nhiệm “người đứng đầu” ở đây là phải quy tới tận cấp địa phương nhỏ nhất như xã, phường, rồi tới cấp huyện, cấp tỉnh. Trên thực tế, các xe hết niên hạn sử dụng thường tránh né không chạy ở các tuyến đường cấp tỉnh, cấp huyện nhưng lại chạy ở các tuyến đường liên huyện, liên xã… Do chính quyền cấp địa phương quản lý an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn nên đương nhiên sẽ nắm được tường tận hoạt động của các xe này. Thậm chí, chính quyền cấp xã còn nắm rõ được cụ thể xe hoạt động của gia đình nào trong xã. Nếu chính quyền cấp xã không xử lý được thỏa đáng thì phải báo cáo lên huyện để huyện nắm được thông tin, xử lý triệt để. Huyện không làm được dứt điểm thì tiếp tục báo cáo chính quyền cấp tỉnh.

Khi gắn với trách nhiệm “người đứng đầu”, chỉ cần nêu rõ chính quyền địa phương nào để xảy ra tình trạng xe hết niên hạn sử dụng tham gia giao thông thì lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm. Ví dụ, khi nảy sinh bất cập ở cấp xã, lãnh đạo xã nói chung mà cụ thể là chủ tịch xã phải chịu trách nhiệm. Làm được như vậy, tin rằng vị chủ tịch xã sẽ nêu cao tinh thần trách nhiệm, không dám nể nang, lơ là trong quản lý. Động thái quyết liệt này cũng không cần triển khai đồng bộ ngay một thời điểm tại tất cả các xã trong huyện hay tất cả các huyện trong tỉnh mà chỉ cần làm mẫu trước tiên ở một vài địa phương nhất định, sau đó tổ chức họp rút kinh nghiệm ở các địa phương còn lại.

Bên cạnh việc nhấn vào trách nhiệm “người đứng đầu”, theo ông cần phải triển khai các giải pháp cụ thể ra sao để công tác quản lý xe hết niên hạn sử dụng đạt hiệu quả cao hơn?

Theo tôi, phối hợp đồng bộ các giải pháp, đặc biệt là đẩy mạnh khâu tuyên truyền để nâng cao nhận thức từ đó người dân hiểu được mức độ nguy hiểm khi sử dụng các xe hết niên hạn sử dụng và những chế tài xử phạt, các hình thức tăng nặng trong trường hợp xe hết niên hạn gây tai nạn giao thông cũng là giải pháp quan trọng. Chính quyền địa phương các cấp có trách nhiệm chủ chốt trong khâu tuyên truyền, phổ biến này. Hình thức có thể là thông qua các tổ chức đoàn thể, cơ quan thông tin đại chúng…

Để triển khai Chỉ thị 29 của Thủ tướng, mỗi địa phương cũng cần xây dựng các kế hoạch rõ ràng, cụ thể như thời hạn hoàn thành kiểm tra, rà soát phương tiện ở cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã như thế nào. Trong quá trình thực hiện, các lực lượng liên quan sẽ chịu trách nhiệm ra sao…

Ở góc độ của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, thời gian tới, Ủy ban cũng sẽ đẩy mạnh công tác truyền thông, tích cực đôn đốc, đề nghị Ban An toàn giao thông các địa phương phối hợp với cơ quan chức năng địa phương thực hiện tốt Chỉ thị 29 của Thủ tướng, đồng thời tham gia đoàn kiểm tra liên ngành cấp địa phương (nếu có) để giải quyết vấn đề này.

Xin cảm ơn ông!

Chỉ thị 29/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý phương tiện giao thông đường bộ hết niên hạn sử dụng, quá hạn kiểm định nêu rõ: Hiện nay, tình trạng phương tiện giao thông đường bộ hết niên hạn sử dụng, quá hạn kiểm định tham gia giao thông gia tăng, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh vận tải.

Để xử lý dứt điểm tình trạng trên, nhằm bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp tục thông báo danh sách phương tiện cơ giới đường bộ hết niên hạn sử dụng, quá hạn kiểm định cho Bộ Công an, Công an các địa phương và công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng; đồng thời, yêu cầu các đơn vị đăng kiểm trên cả nước tăng cường phối hợp với lực lượng Thanh tra giao thông vận tải, Cảnh sát giao thông và chính quyền địa phương trong công tác thống kê, kiểm soát, xử lý đối với tất cả các phương tiện hết niên hạn sử dụng, quá hạn kiểm định trên địa bàn…

Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm xe ô tô hết niên hạn sử dụng, xe quá hạn kiểm định vẫn tham gia giao thông; đồng thời rà soát, kiểm tra, đôn đốc, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký, biển kiểm soát theo quy định đối với phương tiện hết niên hạn sử dụng do cơ quan Đăng kiểm cung cấp…

Đối với UBND các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chỉ đạo các cơ quan chức năng địa phương công khai số lượng, biển kiểm soát xe hết niên hạn sử dụng, quá hạn kiểm định trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương; chủ động, phát hiện, thông báo tới cơ quan chức năng phương tiện hết niên hạn sử dụng, quá hạn kiểm định, phương tiện không bảo đảm an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; gắn trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan trong việc xử lý tình trạng xe hết niên hạn sử dụng trên địa bàn; xử lý trách nhiệm của người đứng đầu nếu để xảy ra tình trạng phương tiện hết niên hạn sử dụng, quá hạn kiểm định tham gia giao thông gây tai nạn…

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP. Hà Nội: Còn tiêu cực, sẽ còn xe hết “đát” tham gia giao thông

Thời gian vừa qua, tình trạng các xe hết “đát” tham gia lưu thông vẫn diễn ra khá phổ biến tại nhiều địa phương. Các xe này thường trốn đăng kiểm và khi lưu thông trên đường, việc nhận biết khá dễ dàng nên không thể có chuyện xe chạy mà cơ quan chức năng không phát hiện, xử lý được.

Như vậy, nguyên nhân mấu chốt là quản lý cấp địa phương thiếu chặt chẽ. Ở đây, nếu khâu đăng kiểm không có vấn đề thì trách nhiệm thuộc về khâu tuần tra kiểm soát. Thậm chí, nhiều ý kiến cho rằng, nếu không tồn tại tiêu cực, làm ngơ thì không thể có các xe hết “đát” to đùng, chạy nghênh ngang trên các tuyến đường, thậm chí gây ra những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Để giải quyết dứt điểm tình trạng này, rõ ràng cần nâng cao ý thức trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước, nhất là ở cấp địa phương sát sườn.

Ông Đặng Trần Khanh, Phó Trưởng phòng Phòng Kiểm định xe cơ giới, Cục Đăng kiểm Việt Nam: Cần có chế tài xử lý chủ xe mua bán, chuyển vùng xe hết "đát" mà không sang tên

Hiện nay, thực trạng khá phổ biến là nhiều xe hết niên hạn sử dụng được mua đi, bán lại, chuyển vùng để tiếp tục hoạt động mà chủ xe không hề nộp lại giấy tờ xe cũng như biển số cho cơ quan quản lý.

Việc này gây ra nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng khi xác định chủ xe đích thực. Trong khi đó, hiện vẫn thiếu những chế tài xử lý đối với chủ xe đứng tên đăng ký mà không làm thủ tục nộp lại đăng ký, biển số xe khi xe hết niên hạn sử dụng. Do đó, trong thời gian tới, để công tác quản lý xe hết niên hạn sử dụng đạt được hiệu quả cao hơn, bên cạnh việc tăng cường quản lý ở cấp địa phương, cần có chế tài rõ ràng xử lý các chủ xe này.

Đức Quang (thực hiện)

Uyển Như (thực hiện)

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/gan-trach-nhiem-nguoi-dung-dau-se-dep-duoc-xe-het-dat.aspx