Gắn kết di sản và cộng đồng

Xác định con người là trung tâm, là mục tiêu của phát triển, những năm qua, việc bảo tồn và phát huy tiềm năng, giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên được nhiều địa phương thực hiện gắn với phát huy vai trò của cộng đồng và vì cộng đồng.

Chủ nhân gìn giữ, phát huy di sản

“Di sản văn hóa ở làng Trường Lưu phong phú và đa dạng theo quy ước của UNESCO, gồm di sản vật thể, phi vật thể, tư liệu. Toàn bộ hệ thống di sản thuộc sở hữu của dân làng Trường Lưu hiện được lưu giữ, bảo quản tại làng. Có thể thấy, số di sản ở làng còn lại khá nhiều là nhờ sự bảo vệ của dân làng” - GS.VS. Nguyễn Huy Mỹ, người tâm huyết với di sản của làng và dòng họ cho biết. Hiện tại làng Trường Lưu, Hà Tĩnh, có 3 di sản tư liệu được Ủy ban Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương (MOWCAP) ghi danh, gồm: Mộc bản Trường học Phúc Giang, Hoàng hoa sứ trình đồ và Văn bản Hán Nôm ở làng Trường Lưu (1689 - 1943).

Cộng đồng gìn giữ, bảo lưu và được hưởng lợi từ di sản văn hóa. Ảnh: Danatravel

Theo GS. VS. Nguyễn Huy Mỹ, cộng đồng đã gìn giữ di sản trong thời gian dài, trải qua nhiều biến thiên lịch sử. Như câu chuyện về ông Nguyễn Huy Triện (1852 - 1909), lúc nhỏ tuổi, khi đi học nghe các thầy giáo nói về Hoàng hoa sứ trình đồ, từ năm 15 tuổi ông bắt đầu tìm kiếm và 20 năm sau, đến năm 1887, ông mới tìm được và mượn về dốc sức sao chép trong vòng 20 ngày, được con cháu giữ gìn cho đến nay. Nhiều sách như gia phả, văn cúng, sách học... được các gia đình giữ gìn từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Năm 2009, Bắc Giang cùng với tỉnh Bắc Ninh có Dân ca Quan họ được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Sau gần 15 năm được ghi danh, Quan họ không chỉ phát triển ở huyện Việt Yên, trung tâm Quan họ bờ Bắc sông Cầu, mà đã lan tỏa, được thực hành rộng rãi ở các huyện, thành phố trong tỉnh. Từ 18 làng Quan họ cổ, trong đó có 5 làng được UNESCO ghi danh, đến nay, Bắc Giang đã có trên 100 câu lạc bộ Quan họ với gần 2.000 hội viên, hàng trăm nghệ nhân có khả năng truyền dạy di sản, một số tổ chức hội những người yêu Quan họ đã được thành lập, thu hút đông đảo cộng đồng tiếp tục kế thừa, phát huy giá trị di sản.

Với phố cổ Hội An, một trong những điển hình bảo tồn và phát huy giá trị di sản, ThS. Phạm Phú Ngọc, Giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An cho biết, Khu phố cổ có đến hàng nghìn di tích, chủ yếu trong khu vực I với tổng cộng 1.130 di tích kiến trúc nghệ thuật. Hơn 80% di tích thuộc sở hữu tư nhân và tập thể, tạo nên sự đặc thù của Khu phố cổ Hội An so với các di sản khác ở Việt Nam. Di tích thuộc sở hữu tư nhân và tập thể đồng nghĩa trong từng di tích vẫn đang hàng ngày diễn ra hoạt động cư trú, sinh hoạt, hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội của người dân và vì thế Khu phố cổ được xem là một “bảo tàng sống”.

Ông Phạm Phú Ngọc cho rằng, chủ nhân thực sự trong đó chính là cộng đồng dân cư. Cộng đồng dân cư ở đây không chỉ nắm giữ các di tích mà còn đang thực hành, bảo lưu các giá trị di sản văn hóa phi vật thể vô cùng phong phú như nếp sống truyền thống của cư dân đô thị, lễ hội, tín ngưỡng dân gian, ẩm thực… và luôn có sự sáng tạo để đưa giá trị di sản đến với bạn bè trong nước cũng như quốc tế.

Cân bằng bảo tồn và sinh kế

Không chỉ đóng vai trò quan trọng trong gìn giữ, trao truyền di sản, cộng đồng cũng được hưởng lợi về cả vật chất và tinh thần khi phát huy giá trị di sản.

Ninh Bình có lượng lớn di sản văn hóa gồm gần 2.000 di sản văn hóa vật thể, gần 500 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó đáng chú ý là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An. Công tác bảo tồn di sản gắn với phát triển du lịch bền vững tạo thêm sinh kế mới cho người dân trong vùng di sản được chú trọng. Trong quá trình này, cộng đồng dân cư được tham gia vào việc hoạch định cơ chế, chính sách, tham gia quản lý di sản, hưởng lợi từ di sản, hình thành sự cân bằng giữa bảo tồn và bảo đảm sinh kế người dân, tiến tới xây dựng cộng đồng trở thành “trung tâm” trong công tác bảo vệ di sản.

Hiện nay, số lao động trực tiếp tại khu vực Quần thể danh thắng Tràng An đạt trên 10.000 người, lao động gián tiếp đạt hơn 20.000 người, tập trung vào một số nhóm nghề như: chèo đò, bán hàng, bảo vệ, biểu diễn nghệ thuật truyền thống, vận hành các cơ sở lưu trú du lịch... chưa kể những người kinh doanh, buôn bán nhỏ lẻ. Thu nhập của cộng đồng dân cư địa phương từ các hoạt động phát huy giá trị di sản, phát triển du lịch, nhất là du lịch cộng đồng được nâng lên rõ rệt qua từng năm. Cùng với đó, hệ thống cơ sở hạ tầng, kết nối giao thông trong khu vực di sản được đầu tư nâng cấp, cải tạo, tạo thuận lợi lớn cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trong vùng di sản.

Tại Quảng Nam, nhờ phát huy những thế mạnh về di sản văn hóa, kết hợp với quảng bá, giới thiệu Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh, những năm qua tốc độ tăng trưởng khách du lịch hàng năm luôn ở 2 con số. Khách du lịch đến Quảng Nam đứng thứ 2/8 tỉnh, thành phố trong vùng du lịch Duyên hải Nam Trung bộ. Trong đó, khách quốc tế đến Quảng Nam luôn dẫn đầu các tỉnh thuộc vùng du lịch Duyên hải Nam Trung bộ; đây là những kết quả quan trọng, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong những năm qua...

Với Hà Giang, việc phát huy các di sản văn hóa và Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn trong phát triển du lịch đã góp phần quan trọng cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của cộng đồng các dân tộc thiểu số; Hà Giang đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế; nếu lượng khách du lịch đến với Hà Giang năm 2010 là 301.334 lượt, doanh thu du lịch dịch vụ chỉ đạt 309 tỷ đồng, thì đến năm 2022, lượng khách đến Hà Giang đạt 2.268.000 lượt, doanh thu du lịch dịch vụ đạt 4.536 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm 2023 Hà Giang đã đón trên 1,3 triệu khách...

Những kết quả trên là minh chứng cho tính đúng đắn trong đẩy mạnh và phát huy vai trò của cộng đồng khai thác các giá trị di sản đi đôi với bảo tồn, đồng thời là động lực thôi thúc cộng đồng tiếp tục gìn giữ, sáng tạo và phát huy các giá trị văn hóa, di sản thời gian tới.

Thảo Nguyên

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/gan-ket-di-san-va-cong-dong-i336453/