Gần hết năm, nhiều đơn vị tại Thanh Hóa vẫn chưa giải ngân vốn đầu tư công

Trong 94 chủ đầu tư tại tỉnh Thanh Hóa đã được phân bổ kế hoạch vốn chi tiết năm 2023, đến nay vẫn còn nhiều đơn vị thực hiện giải ngân vốn đầu tư công với tốc độ 'rùa bò' khi đạt thấp dưới 30% kế hoạch. Cá biệt, có những đơn vị tại tỉnh này, đến thời điểm cuối tháng 10, vẫn chưa thực hiện giải ngân...

Trụ sở Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa

Theo thông tin tổng hợp của Văn phòng Tỉnh ủy Thanh Hóa đến ngày 26/10/2023, toàn tỉnh này có 94 chủ đầu tư đã được phân bổ kế hoạch vốn chi tiết năm 2023 với tổng số tiền 9.416,57 tỷ đồng, trong đó, số vốn đã giải ngân là 4.450,68 tỷ đồng, đạt 47,26%.

Cụ thể, như nhóm chủ đầu tư là các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh có 16 đơn vị, đã giải ngân được 1.693,973/4.420,388 tỷ đồng, đạt 38,32%. Trong đó, có 1 đơn vị đạt 100% là Công an tỉnh Thanh Hóa; 4 đơn vị đạt từ 80% trở lên gồm: Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa 99,36%; Sở Công Thương Thanh Hóa 98,28%; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thanh Hóa 85,11%; Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Thanh Hóa 81,45%.

Có 4 đơn vị đạt từ 50% đến dưới 80%; 6 đơn vị đạt dưới 50%, trong đó có 2 đơn vị đạt thấp dưới 30% là Ban Quản lý dự án đầu tư công trình giao thông Thanh Hóa đạt 20,98% và Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Thanh Hóa đạt 15,18%; 1 đơn vị là Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa chưa giải ngân.

Tiếp đến, nhóm chủ đầu tư là UBND cấp huyện có 27 đơn vị, đã giải ngân được 2.685,456/4.888,05 tỷ đồng, đạt 54,94%; trong đó có 5 đơn vị đạt trên 80% gồm thị xã Bỉm Sơn 94,77%, huyện Quảng Xương 89,55%; huyện Yên Định 85,33%; huyện Hậu Lộc 82,87%; huyện Thọ Xuân 80,02%. Có 14 đơn vị đạt từ 50% đến dưới 80% và 8 đơn vị đạt dưới 50%, trong đó có 2 đơn vị đạt thấp dưới 30%, gồm UBND huyện Mường Lát 24,4%, UBND huyện Ngọc Lặc 18,24%.

Đối với nhóm chủ đầu tư là UBND cấp xã với 39 đơn vị đã giải ngân được 39,953/60,949 tỷ đồng, đạt 65,55%. Trong đó, có 30 đơn vị hoàn thành giải ngân 100%; 2 đơn vị đạt trên 80%; 4 đơn vị đạt từ 50% đến dưới 80%. Có 2 đơn vị dưới 50% là UBND xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc đạt 41,48%; UBND xã Nghi Sơn, thị xã Nghi Sơn đạt 30,54% và 1 đơn vị chưa giải ngân là UBND xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân.

Nhóm chủ đầu tư khác gồm 12 đơn vị, đã giải ngân được 31,306/47,18 tỷ đồng, đạt 66,35%. Trong đó, có 6 chủ đầu tư đạt 100%, gồm có Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Lặc, Bệnh viện Da liễu Thanh Hóa, Chi cục Kiểm lâm, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, Huyện ủy Vĩnh Lộc, Bệnh viện Y dược cổ truyền Thanh Hóa.

Có 1 đơn vị đạt trên 80% là Bệnh viện phụ sản Thanh Hóa; 1 đơn vị đạt từ 50% đến dưới 80% là Ban quản lý di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng. Có 3 đơn vị đạt dưới 50%, gồm có Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc Hội và HĐND tỉnh Thanh Hóa 30,5%; Huyện ủy Thọ Xuân 17,04%; Trường Dân tộc nội trú tỉnh Thanh Hóa 6,36% và 1 đơn vị chưa thực hiện giải ngân là Liên minh Hợp tác xã tỉnh Thanh Hóa.

Trụ sở Liên minh Hợp tác xã tỉnh Thanh Hóa

Tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 của tỉnh Thanh Hóa là 13.530,59 tỷ đồng. Số vốn đã được HĐND tỉnh, UBND tỉnh Thanh Hóa phân bổ, giao kế hoạch chi tiết là 13.045,441 tỷ đồng, bằng 96,4% kế hoạch.

Nhằm hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, sẵn sàng chuẩn bị hồ sơ, thủ tục đầu tư của các dự án dự kiến khởi công mới năm 2024, mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Chỉ thị số 15/CT-UBND. Tại Chỉ thị này, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các cấp, các ngành phải xác định đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 những tháng cuối năm là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, tập trung ưu tiên trong chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu các cấp, các ngành đẩy mạnh giải ngân phải đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công và thu hồi vốn tạm ứng theo quy định. Các cấp, các ngành chịu trách nhiệm toàn diện trong việc tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn năm 2023 đã được UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đề ra từ đầu năm và tại các thông báo kết luận các phiên họp thường kỳ của UBND tỉnh, các hội nghị giao ban toàn tỉnh về đầu tư công và tại Chỉ thị này.

Theo thông tin từ Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), đến hết tháng 8 năm 2023 có 27 địa phương, đề nghị giảm dự toán vay với tổng số vốn hơn 5.565 tỷ đồng. Trong các địa phương trên, có tỉnh Thanh Hóa.

Nguyên nhân các địa phương này đề nghị giảm kế hoạch vốn vay lại là do nhiều dự án chưa hoàn thành thủ tục đầu tư như chưa ký hiệp định vay, hiệp định chưa có hiệu lực hoặc đang điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Bên cạnh đó, các dự án gặp vướng mắc như giải phóng mặt bằng, đấu thầu... nên không giải ngân được hết kế hoạch vốn cũng được nhiều địa phương đề nghị giảm vốn vay lại. Trong đó, các dự án chưa hoàn thành thủ tục đầu tư là chủ yếu với số tiền được đề nghị giảm vốn cao nhất.

Nguyễn Thuấn

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/gan-het-nam-nhieu-don-vi-tai-thanh-hoa-van-chua-giai-ngan-von-dau-tu-cong.htm