Gắn chặt các 'mắt xích' trong chuỗi giá trị nông sản

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), nhờ sự hỗ trợ của doanh nghiệp theo mô hình liên kết mà người sản xuất có thể tiếp cận giống tốt, được hỗ trợ về công nghệ và kỹ thuật chăm sóc, từ đó giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.

Trồng dâu tây trong nhà lưới tại xã Song Long, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên mang lại giá trị kinh tế cao. Ảnh: TTXVN.

Hiệu quả nhờ liên kết chuỗi nông sản

Yên Bái là một trong những địa phương có thế mạnh sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, việc tiêu thụ nông sản cho nông dân phụ thuộc chủ yếu vào tư thương và do thị trường quyết định, sản xuất nhỏ lẻ, manh mún không theo chuỗi giá trường. Từ thực tế này, UBND tỉnh Yên Bái đã có nhiều chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Theo thống kê, sau 5 năm thực hiện Nghị định số 98/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, tỉnh đã xây dựng được 67 dự án phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với tổng kinh phí 199.503 triệu đồng.

Nhiều mô hình liên kết đã hình thành và phát huy hiệu quả giúp người dân có cuộc sống khấm khá hơn. Điển hình là Dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị tre măng Bát độ Trấn Yên, đã củng cố và phát triển vùng sản xuất, chế biến măng Bát Độ trên địa bàn huyện đảm bảo bền vững, tăng thu nhập cho nông dân. Từ những diện tích tre măng đầu tiên, nay đã phát triển thành vùng sản xuất hàng hóa với diện tích trên 4.000ha, giá trị mang lại hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Từ khi hình thành chuỗi liên kết, hàng nghìn hộ dân không những có cây giống đảm bảo chất lượng, được hướng dẫn, ứng dụng khoa học, kỹ thuật mà còn được ký hợp đồng bao tiêu bền vững.

Tương tự tại Sơn La, trong năm 2023, tỉnh đã mở rộng mô hình doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) liên kết với các hộ gia đình để phát triển chăn nuôi; áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP và tiêu chuẩn tương đương đối với 145 cơ sở trên địa bàn tỉnh; chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP đã thu hút được sự tham gia của nhiều DN, HTX, hộ sản xuất kinh doanh;…

Theo Giám đốc Sở NNPTNT Sơn La Hà Như Huệ, với sự tham gia liên kết của DN, HTX theo ngành, chuỗi giá trị đã giúp phát huy lợi thế nông nghiệp của vùng, đa dạng hóa đối tác, nguồn hàng và mang lại lợi ích trực tiếp cho các hộ dân, DN.

Gắn chặt các “mắt xích”

Những ví dụ nói trên là mình chứng rõ nét cho thấy sự liên kết đã đem lại kết quả rất lớn trong sản xuất nông nghiệp. Thực tế tại các vùng có thế mạnh về nông sản xuất khẩu như Đồng bằng sông Cửu Long hay một số tỉnh phía Bắc đã hình thành chuỗi cung ứng đồng bộ từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, theo các hình thức liên kết khác nhau. Một số chuỗi cung ứng nông sản đã ứng dụng thành công công nghệ mới như công nghệ thông tin, công nghệ chuỗi khối để kết nối sản xuất và tiêu dùng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản nhằm gia tăng giá trị. Đây là dấu hiệu đáng mừng nhằm đẩy mạnh sự tham gia của hàng nông sản Việt Nam vào chuỗi cung ứng hàng nông sản toàn cầu.

Song, theo đánh giá của Liên minh HTX Việt Nam, kết quả trong liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản vẫn chưa được như kỳ vọng. Mức độ phổ biến liên kết ở các lĩnh vực sản xuất có sự khác nhau. Trong khi chuỗi liên kết lĩnh vực chăn nuôi khá chặt chẽ với quy mô lớn, thì lĩnh vực trồng trọt, nhất là ngành lúa gạo, việc liên kết đang gặp nhiều khó khăn...

Theo ông Võ Tân Thành - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), để gia tăng chuỗi cung ứng hàng nông sản an toàn và bền vững, trước hết Nhà nước cần tạo điều kiện cho DN qua việc tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh. Đặc biệt, ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng, nâng cao hiệu lực hợp đồng và hoàn thiện khung pháp lý và các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho liên kết phát triển.

Để thúc đẩy liên kết, hợp tác giữa HTX với các DN theo chuỗi giá trị; hỗ trợ HTX tiếp cận các chính sách, kết nối HTX với sàn giao dịch thương mại điện tử… Liên minh HTX Việt Nam cho rằng, cần thiết sửa đổi chính sách thuế, phí và lệ phí để khuyến khích các hộ tham gia HTX, giúp cho HTX và thành viên có nguồn lực tài chính phát triển sản xuất, kinh doanh; miễn thuế thu nhập DN có thời hạn cho HTX; đảm bảo thực thi các chính sách hỗ trợ DN, đặc biệt là chính sách tín dụng...

Còn theo Chủ tịch Hiệp hội thực phẩm minh bạch (AFT), TS Nguyễn Thị Hồng Minh, nhiều nông sản tăng giá cao, xuất khẩu nhiều nhưng khả năng cạnh tranh thực của mặt hàng đó trên thị trường lại chưa cao. Nguyên nhân có nhiều song tựu chung là do nhiều DN xuất khẩu nông sản nhưng chưa chú trọng liên kết với nông dân, HTX để phát triển vùng nguyên liệu mà chỉ tập trung thu gom nông sản. Nói cách khách, các “mắt xích” trong chuỗi giá trị nông sản còn lỏng lẻo. “Việc kết nối chặt chẽ các mắt xích nông dân - HTX - DN trong xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu bền vững cần được nhìn nhận là giải pháp sống còn trong phát triển kinh tế nông nghiệp” – bà Minh nhấn mạnh.

Khanh Lê

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/gan-chat-cac-mat-xich-trong-chuoi-gia-tri-nong-san-10276814.html