Gắn bó với vùng quê Hoàn Cát

Nằm dưới triền dốc, cuối thôn Hoàn Cát, xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ, trang trại của ông Lê Xuân Linh là một trong những mô hình nổi bật của cựu chiến binh làm kinh tế giỏi ở địa phương. Ông Linh không phải quê ở Hoàn Cát nhưng lại gắn bó với vùng đất này hàng chục năm qua.

 Trang trại của ông Lê Xuân Linh

Trang trại của ông Lê Xuân Linh

Quê ông Linh ở huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Năm 1979 khi chiến trường biên giới Tây Nam và phía Bắc không ngừng tiếng súng, ở tuổi thanh niên tràn trề nhiệt huyết, ông đã lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Sau những ngày tháng học tập, huấn luyện ở thao trường, ông được biên chế vào Sư đoàn 431, Quân khu I. Suốt 9 năm trong môi trường quân đội rèn luyện cho ông đức tính kiên trì, chịu khó và ý thức vươn lên trong cuộc sống. Đến năm 1988, ông xin chuyển ngành về làm công nhân Công ty Hồ tiêu Tân Lâm. Thời điểm đó Công ty Hồ tiêu Tân Lâm là một trong những doanh nghiệp quốc doanh có tiếng tăm của tỉnh Bình Trị Thiên. Mặt hàng hồ tiêu do công ty làm ra đã xuất khẩu đi các nước trên thế giới mang về nguồn ngoại tệ đáng kể. Từ người lính cầm súng ông về nông trường làm người công nhân trồng tiêu, chăm sóc và thu hoạch những hạt tiêu đen quý giá để cung cấp cho thị trường. Đến năm 2003 thì ông nghỉ hưu và chuyển về xây dựng cơ sở kinh tế ở thôn Hoàn Cát, quyết tâm gắn bó lâu dài với vùng đất Quảng Trị.

Ông Linh kể lúc đầu gia đình ông mua đất trên diện tích trồng tiêu của Nông trường Tân Lâm 0,6 ha, rồi khai phá đất làm ruộng nước 0,4 ha, đào 4 hồ nuôi cá với diện tích khoảng 4 sào. Cuộc sống hằng ngày của ông luôn bận rộn, buổi sáng tinh mơ đã dậy đi cạo mủ, rồi trở về cho gà, vịt ăn, lại thêm chăm sóc ao cá, lúc lại đi thăm vườn cây hoặc đi mua phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn cho đàn gia cầm… Diện tích trồng cao su của gia đình ông Linh được mở rộng, đến nay là 1,2 ha, rồi thêm trồng tiêu, sản xuất lúa nước, chăn nuôi heo, gà, vịt với quy mô tương đối lớn nhằm tạo ra sản phẩm hàng hóa, cung cấp cho thị trường. Trong đó riêng gà mỗi năm nuôi 2-3 lứa, mỗi lứa 300 con. Gần đây gia đình ông được tham gia dự án nuôi gà Cùa để có điều kiện mở rộng quy mô chăn nuôi lên 500 con.

Ông cho biết thuận lợi khi tham gia dự án này là được hỗ trợ gà giống 50%; thường xuyên được cán bộ kỹ thuật thăm nom, theo dõi sự phát triển của đàn gà. Mỗi năm gia đình ông cung cấp ra thị trường khoảng 1.000 con gà thịt. Vợ chồng ông Linh cũng rất chịu khó nuôi lợn, có thời điểm nuôi 5 lợn nái cùng với 80 con lợn thịt, việc chăn nuôi khá thuận lợi, vì đảm bảo an toàn dịch bệnh, xa khu dân cư. Gia đình ông cũng tận dụng mặt nước các hồ cá, khu vực ruộng lúa để nuôi vịt đẻ với số lượng 100 con, mỗi đêm trung bình thu được 80-90 quả trứng để cung cấp cho người tiêu dùng. Tổng thu nhập sau khi trừ chi phí của gia đình ông khoảng hơn 100 triệu đồng/năm.

Nhờ phát triển kinh tế tổng hợp, gia đình ông Linh ngày càng khá giả, có điều kiện để đầu tư cho con ăn học, trưởng thành. Không chỉ xây dựng được nhà ở kiên cố, mua sắm đầy đủ các vật dụng cần thiết cho cuộc sống, mà ông còn sắm xe ô tô để làm dịch vụ chở khách, chở hàng hóa...

Từ Quảng Bình đến lập nghiệp ở vùng đất Hoàn Cát không ít xa xôi nhưng với ông Linh cảm thấy thật gần gũi, gắn bó với vùng đất này. Sau hàng chục năm cần mẫn lao động, vùng đất đỏ màu mỡ, ân tình Hoàn Cát đã mang lại cho gia đình ông cuộc sống khá giả mà không phải vùng đất nào cũng có được. Nói về vùng quê Hoàn Cát, nơi gia đình đang sinh sống và lập nghiệp, ông Linh chia sẻ: “Điều kiện khí hậu, đất đai, thổ nhưỡng ở đây rất thích hợp để trồng cây, chăn nuôi, phát triển kinh tế. Gia đình tôi rất an tâm để sinh sống, lập nghiệp lâu dài”.

PA

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=146584