Gắn bó với cơ sở

Để hình thành bài viết phóng viên phải có quá trình thu thập tư liệu để xử lý, viết bài, chọn lọc hình ảnh phù hợp với nội dung. Muốn có tư liệu, phải đi cơ sở mục sở thị vấn đề đang hướng đến. Chính vì vậy, phóng viên cần tạo mối quan hệ, gắn bó, tạo niềm tin với cơ sở.

Với lợi thế của báo địa phương, tôi gần như quen hết các quận, huyện, phường, xã trên địa bàn thành phố. Trong số đó, có một số quận, huyện, phường, xã có thể nói là gắn bó, theo nghĩa là có quan hệ khá tốt để phục vụ cho công việc thu thập tư liệu để viết báo. Để khi cần, nếu không có điều kiện đến nơi, thì có thể trao đổi qua điện thoại được, bảo đảm thông tin, tư liệu chính xác, đúng nguồn. Nhờ vậy, các bài báo đa dạng nguồn tin, phong phú thông tin, tạo sức thuyết phục và phổ quát hơn.

Dĩ nhiên, để có được “nguồn tin” như vậy, phải bảo đảm niềm tin của mình với cơ sở. Muốn xây dựng niềm tin với cơ sở, không gì khác là các bài viết phải bảo đảm chính xác, sử dụng đúng mục đích tuyên truyền trên tinh thần xây dựng, vì sự phát triển chung của thành phố và sở, ngành, địa phương. Một khi niềm tin đã được xác thực, việc “xin” tư liệu sẽ trở nên dễ dàng, thuận lợi rất nhiều.

Suy cho cùng, cơ sở nào cũng có nhu cầu tuyên truyền, lan tỏa các giá trị tốt đẹp trên các phương tiện thông tin đại chúng. Báo chí là kênh thông tin chính thống, có sức lan tỏa và tính xác thực cao nhất. Bởi thế, dù cơn bão công nghệ tạo nên sức mạnh lan tỏa siêu nhanh của các trang mạng xã hội, song vai trò, vị trí của báo chí vẫn bảo đảm vững chắc bởi tính chính danh của mình. Người làm báo cần cơ sở để có tư liệu. Cơ sở cần người làm báo tuyên truyền, lan tỏa thông tin của sở, ngành, địa phương đến với bạn đọc, là người dân thành phố và các địa phương khác, cả trong và ngoài nước.

Cùng với việc gắn bó với cơ sở, tôi có thói quen “cà kê” với nhân vật. Gặp nhiều đồng nghiệp kể việc “tiếp chuyện” với người già, thường các bạn rất ngại. Đơn giản, việc “tiếp chuyện” với người già, phải biết cách "chiều" các cụ. Với tôi, đủ nhẫn nại để nghe các cụ kể chuyện, dù đôi khi thông tin trong câu chuyện tràng giang đại hải, chỉ một số nội dung là mình cần cho bài viết. Đi làm, gặp nhân vật, để có được nguồn tin từ nhân vật, là câu chuyện của chính họ, hoặc thông tin từ họ cho nội dung vụ việc, sự việc có liên quan khác… tôi phải tạo cho họ niềm tin cao nhất. Một khi xây dựng được niềm tin đó, họ sẽ cho tôi tư liệu, câu chuyện mình cần cho công việc của mình.

Cách đây gần chục năm, trong một lần cùng đồng nghiệp đi tìm hiểu về làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước để viết bài. Sau khi quan sát các hoạt động của làng nghề, định tìm người hỏi chuyện thì tôi bắt gặp một đám người đang ngồi… nhậu. Sau màn chào hỏi làm quen, họ mời tôi ngồi cùng. Biết được trong này có 2/3 là thợ đá. Tôi nhập cuộc giữa trưa nắng, mặc cho bạn đồng nghiệp nữ ngơ ngác nhìn. Qua câu chuyện của họ, tôi mới biết được cuộc sống của thợ đá, cách người thợ, thường là thợ bậc cao hoặc nghệ nhân “bắt mặt tượng”; sự cạnh tranh khốc liệt từ thị trường tượng đá từ nước ngoài tràn vào, những khó khăn về nguồn nguyên liệu.

Trong rất nhiều lần đi cơ sở, khi gặp các tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn hay bí thư chi bộ, trưởng ban công tác Mặt trận các khu dân cư, thường là người lớn tuổi. Hầu hết đều rất nhiệt tình, hồ hởi với phóng viên tác nghiệp. Thời điểm người dân Làng Vân (thôn Hòa Vân, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu) còn ở ngoài "ốc đảo", ông Nguyễn Văn Xứng, nguyên Trưởng ban công tác Mặt trận thôn là người khó tính và như nhiều người Hòa Vân khác, luôn giữ một khoảng cách nhất định với người lạ, nhất là cánh báo chí.

Đã có nhiều anh chị em phóng viên ra "ốc đảo" xin gặp phỏng vấn đã bị ông từ chối. Nhưng với tôi, vượt qua những rào cản đó, tôi xây dựng quan hệ với bác bằng sự chân thành và cầu thị nhất. Sau này khi Hòa Vân dời về trong phố (tổ 9 phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu), tôi vẫn thường ghé hỏi thăm. Mỗi lần ghé thăm, ông Xứng đều mua vài lon bỏ tủ lạnh, chờ tôi lên. Có những thông tin mới, nóng quanh khu vực, ông gọi điện thoại báo tôi biết. Vì vậy, ông Xứng là nguồn tin thân thiết, cũng là nhân vật trong nhiều bài viết của tôi.

Tác giả với ông Nguyễn Văn Xứng (mang kính). Ảnh: MINH SƠN

Ở cơ sở, đôi khi gặp các trường hợp xảy ra tiêu cực. Khi đó phóng viên sẽ trao đổi thẳng thắn để tìm hướng mở cách giải quyết đúng quy định, phù hợp nhất, nhằm thông tin trung thực bản chất sự việc; từ đó khắc phục, xử lý, giải quyết rốt ráo. Với trách nhiệm của mình, người làm báo sẽ theo đến cùng của sự việc để làm sáng tỏ những vấn đề có thể nảy sinh tiêu cực.

Tôi may mắn, nếu không nói tự hào với bản thân mình, là được cơ sở tin tưởng, thương mến. Ngoài công việc, trong cuộc sống tôi vẫn thường chia sẻ thật lòng trong điều kiện hiểu biết của tôi với anh em cơ sở. Và trong tất cả các mối quan hệ đó, tôi luôn bảo đảm sự trong sáng khi tác nghiệp. Đặc biệt, không làm phiền, không gây khó, áp lực hay gì khác nếu không vì mục đích công việc chính đáng.

MINH SƠN

Nguồn Đà Nẵng: http://www.baodanang.vn/channel/5399/202306/gan-bo-voi-co-so-3947213/