Gần 300 người ở một tỉnh nhiễm khuẩn chuyên tấn công vùng nhạy cảm, 1 ca tử vong

106 người ở Yên Bái được xác định mắc bệnh sốt mò trong tháng 8, nâng tổng số ca bệnh từ đầu năm đến nay ở tỉnh này lên 290. Trong đó, một cô gái 16 tuổi tử vong chỉ sau một ngày vào viện.

Ngày 13/9, Sở Y tế Yên Bái thông tin từ đầu năm đến nay địa phương này ghi nhận 290 ca sốt mò. Số liệu tổng hợp từ các trung tâm y tế. Riêng tháng 8 tỉnh ghi nhận 106 ca, tăng 57 ca so với cùng kỳ năm 2022 và tăng 12 ca so với tháng 7.

Cũng trong tháng 8, tỉnh ghi nhận một ca tử vong. Đó là cô gái 16 tuổi ở huyện Trạm Tấu. Nguyên nhân tử vong được xác định là bệnh nhân đến viện khám và điều trị muộn. Khi đến bệnh viện, các triệu chứng bệnh đã rất nặng nề, tình trạng bệnh lý diễn biến nhanh, kèm theo các biến chứng sốc nhiễm khuẩn, rối loạn đông máu, chảy máu tiêu hóa.

Tiên lượng khi nhập viện rất xấu, bệnh nhân tử vong sau một ngày điều trị.

Bác sĩ Trần Thị Tuyết, Trưởng khoa Ký sinh trùng - Côn trùng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Yên Bái, cho hay sốt mò là bệnh do loại vi khuẩn Orientalis tsutsugamushi, truyền bệnh sang người khi bị ấu trùng mò đốt.

Nguồn truyền nhiễm là các động vật hoang dã như loài gậm nhấm (chủ yếu là chuột), thỏ, các loài chim, hoặc gia súc (chó, lợn, gà)… Bệnh xảy ra quanh năm nhưng chủ yếu về mùa mưa từ tháng 4-5 đến tháng 9-10, đỉnh cao của bệnh vào những tháng 6-9.

Mò Leptotrombidium thường sống ở các bụi cây, bụi cỏ ẩm phía trên là các vòm cây cao; hoặc trong các hang đá có các loài gặm nhấm sống. Mọi lứa tuổi đều có thể nhiễm bệnh nhưng chủ yếu bệnh phân bố ở lứa tuổi lao động.

Vị trí mò thường đốt ở những vùng da mềm, ẩm, như bộ phận sinh dục, hậu môn, bẹn, nách, cổ…, đôi khi ở vị trí trong vành tai, rốn, mi mắt.

Vết loét trên bệnh nhân sốt mò. Ảnh: Sở Y tế Yên Bái

Triệu chứng bệnh sốt mò

- Sốt một, hai ngày đầu sốt nhẹ, sau đó sốt cao liên tục, nhiều trường hợp đột ngột sốt cao 39-40 độ C trong ngày đầu giống như sốt rét. Sau đó, bệnh nhân sốt cao 40 độ C liên tục dai dẳng hoặc từng cơn, kéo dài từ 15 đến 20 ngày.

- Vết loét đặc trưng: Lúc đầu tại nơi ấu trùng mò đốt có một nốt phỏng nước bằng hạt đỗ, không đau, bệnh nhân thường không chú ý, sau đó vết loét thường hình tròn hoặc bầu dục, có vẩy đen, cứng phủ trên một nốt sẩn có gờ cứng. Nếu vẩy đã bong thì để lại vết loét lõm, màu đỏ tươi, sạch không tiết dịch, không có mủ. Người bệnh không hề biết có vết loét vì hoàn toàn không đau, không ngứa hay rát.

- Hạch khu vực to, thường ở gần nơi có vết loét, hạch sưng to bằng hạt táo, quả xoan hoặc có thể to hơn. Hạch khu vực thường to hơn hạch ở nơi khác, có thể kèm theo viêm quanh hạch, hạch khu vực thường xuất hiện cùng với sốt hoặc sau sốt 2-3 ngày. Ở Việt Nam, 100% bệnh nhân sốt mò đều có hạch sưng to.

- Ban xuất hiện ở cuối tuần đầu và đầu tuần thứ hai của bệnh. Thường là ban dát sẩn, kích thước từ hạt kê đến đường kính 1cm. Ban mọc khắp toàn thân (lưng, ngực, bụng, tứ chi) trừ lòng bàn tay, lòng bàn chân, ban tồn tại từ vài giờ tới một tuần.

Nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kháng sinh đặc hiệu, bệnh nhân sốt mò dễ dẫn đến suy đa tạng và tử vong.

Võ Thu

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/gan-300-nguoi-mac-benh-sot-mo-loai-khuan-chuyen-tan-cong-vung-nhay-cam-2189161.html