Gần 30.000 người dự kiến sẽ phải sơ tán tránh bão số 1

Đến sáng 17/7, các tỉnh ảnh hưởng của bão số 1 đã rà soát phương án sơ tán dân tại khu vực nguy hiểm và trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản. Trong đó, các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh - Ninh Bình dự kiến sơ tán khoảng 29.887 người.

Thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, bão số 1 có cường độ cuối cấp 11-12, giật cấp 15, cách bán đảo Lôi Châu 310 km về phía đông đông nam.

Khoảng 4 giờ ngày 17/7, vị trí tâm bão số 1 ở vào khoảng 20 độ vĩ bắc; 113,5 độ kinh đông. Sức gió mạnh nhất cấp 11 - cấp 12 (103 - 133 km/giờ) giật cấp 15.

Đến khoảng 13 giờ ngày 18/7, vị trí tâm bão sẽ ở vào khoảng 21,3 độ vĩ bắc, 108 độ kinh đông; trên vùng biển tỉnh Quảng Ninh - Hải Phòng. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, giật cấp 12 và có khả năng suy yếu.

Trong 12 giờ tiếp theo, bão số 1 di chuyển theo hướng tây - tây bắc, mỗi giờ đi được 15 km, tâm bão trên đất liền khu vực đông bắc của Bắc bộ và tiếp tục suy yếu.

Thống kê của Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai, tính đến sáng 17/7, các địa phương đã rà soát phương án sơ tán dân tại khu vực nguy hiểm và trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản. Trong đó, các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh - Ninh Bình dự kiến sơ tán khoảng 29.887 người (Quảng Ninh 700, Hải Phòng 8.691, Thái Bình 19.021, Nam Định 1.128 và Ninh Bình 347)

Về tàu thuyền, theo báo cáo của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, tính đến 6 giờ sáng cùng ngày, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 52.188 tàu/226.183 người biết diễn biến, hướng đi của bão để chủ động di chuyển phòng tránh. Hiện không còn tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm. Tuy nhiên, cần quan tâm đến các tàu nhỏ, tàu du lịch đi về trong ngày.

Theo Bộ GTVT, khu vực từ Quảng Ninh đến Nghệ An có 553 tàu biển và phương tiện thủy nội địa đang hoạt động; các phương tiện đã nhận được thông tin về bão số 1. Tuy nhiên, cần quan tâm đến việc neo đậu của các tàu hàng tại các cảng, khu vực cửa sông.

Về nuôi trồng thủy sản, các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An có tổng diện tích nuôi trồng 119.803 ha, 3.806 chòi canh, 20.189 lồng/bè; các địa phương đã thông tin về bão cho người dân để chủ động chống bão.

Trong khi đó, về hệ thống đê điều khu vực Bắc bộ và Thanh Hóa, Nghệ An có 8 công trình đang thi công dở dang và 4 vị trí đê điều đã xảy ra sự cố nhưng chưa được xử lý triệt để cần phương án bảo vệ.

Các công trình đang thi công dở dang gồm: Thi công đê hữu Hồng từ khách sạn Thắng Lợi đến cầu Nhật Tân (quận Tây Hồ, Hà Nội); xử lý sự cố lún sụt đê tả Hồng (huyện Mê Linh, Hà Nội); cống bộ đầu tại K101+030 đê hữu Hồng (Hà Nội); cống Cồn Thoi trên đê Bình Minh II; gia cố 50 m đoạn hợp long đê biển Bình Minh IV (Ninh Bình); cống Hà Hải tại K19+620 đê tả Lèn; dự án nâng cấp đê biển Nga Sơn (Thanh Hóa); nâng cấp đê cửa sông tả Thái (Nghệ An).

Sự cố đê điều, nứt mái đê phía đồng tại cống Cẩm Hà và sạt lở mái đê phía sông tại K25+850 đê hữu Cầu (Hà Nội); lún, nứt đê hữu Thương đoạn K43+100-K43+400 (Bắc Giang); sự cố lún, sạt mái đê tả Mã đoạn K49+950-K50+950 (Thanh Hóa, hiện đã xử lý giờ đầu).

Quang Hùng

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/gan-30000-nguoi-du-kien-se-phai-so-tan-tranh-bao-so-1-post256524.html