Gần 1000 tấn cá lồng chết, xem xét cơ chế hỗ trợ khôi phục sản xuất

Theo tổng hợp từ các huyện, TP trên địa bàn tỉnh Hải Dương tính đến hết ngày 09/4 số lượng cá chết khoảng 954,8 tấn. Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương yêu cầu Sở Tài chính phối hợp với Sở NN&PTNT, các đơn vị nghiên cứu, đề xuất cơ chế hỗ trợ thiệt hại, khôi phục sản xuất...

Sở NN&PTNT Hải Dương vừa có báo cáo về việc khắc phục và xác định nguyên nhân cá nuôi lồng chết trên địa bàn tỉnh này.

Báo cáo nêu, từ ngày 28-29/3 cá nuôi lồng rên sông Thái Bình tại xã Tiền Tiến, TP Hải Dương có hiện tượng chết rải rác và một số hộ nuôi xuất hiện hiện tượng cá nuôi bị ngạt, nhao lên mặt nước, bơi lờ đờ, ăn kém.

Đến ngày 30/3/-04/4 hiện tượng cá chết rải rác xuất hiện tại một số hộ nuôi ở các vùng nuôi lồng khác trong tỉnh như: Nam Đồng (TP Hải Dương); Nhân Huệ, Cổ Thành (TP Chí Linh); Nam Tân, Nam Hưng, An Bình, Cộng Hòa, Hiệp Cát, Thái Tân (Nam Sách); Đại Sơn, Bình Lãng, Hà Kỳ (Tứ Kỳ); Thanh Hải, An Phượng (Thanh Hà). Tại Tiền Tiến mức độ cá chết tăng, nhiều hơn những ngày trước đó và nhiều hơn những khu vực khác (theo dõi thấy mấy ngày này thời tiết thay đổi, nhiệt độ tăng cao đột ngột).

Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương yêu cầu Sở Tài chính phối hợp với Sở NN&PTNT, các đơn vị nghiên cứu, đề xuất cơ chế hỗ trợ thiệt hại, khôi phục sản xuất...

Từ ngày 05/4- 07/4 cá vẫn tiếp tục chết rải rác ở những điểm cũ và phát sinh thêm những điểm mới như An Sơn, Minh Tân (Nam Sách); Hà Thanh, Nguyên Giáp (Tứ Kỳ); Thanh Sơn, Thanh Hồng (Thanh Hà); Văn An, Đồng Lạc (Chí Linh), Hồng Phong, thị trấn Ninh Giang (Ninh Giang); Thăng Long, An Phụ (Kinh Môn); Đức Chính (Cẩm Giàng); Phúc Thành (Kim Thành).

Đến 09/4, tình trạng cá chết đã giảm, chỉ còn chết rải rác không đáng kể. Theo tổng hợp từ các huyện, thành phố, thị xã, đến hết ngày 09/4 số lượng cá chết ước khoảng 954,8 tấn.

Nhận định về các nguyên nhân gây chết cá, Sở NN&PTNT Hải Dương cho biết, trên cơ sở diễn biến tình hình với hiện tượng cá chết hàng loạt xảy ra ở ba tuyến sông (Thái Bình, Kinh Thầy, Luộc) ở nhiều địa phương, nhiều loại cá, kể cả cá và tôm tự nhiên trên sông cũng bị chết. Kết quả kiểm tra lâm sàng và mổ khám các mẫu cá không quan sát thấy triệu chứng, bệnh tích của bệnh truyền nhiễm trên cá. Xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm của Chi cục Thú y vùng 2 cho kết quả âm tính với KHV, SVC và Tilv.

Kết quả phân tích mẫu bệnh phẩm của Trung tâm quan trắc môi trường và bệnh thủy sản Miền Bắc có phát hiện cá nhiễm các bệnh: Ký sinh trùng, nấm hạt nhưng bệnh này không gây chết hàng loạt trên diện rộng. Có 02 mẫu cá bị nhiễm vi rút KHV tại Chí Linh và Nam Sách, bệnh này chỉ cảm nhiễm và gây bệnh trên đối tượng cá chép và cá Koi. Tuy nhiên, tất cả các đối tượng cá nuôi lồng (cá trắm cỏ, cá chép, cá diêu hồng, cá ngạnh) đều bị chết.

Qua kiểm tra phân tích yếu tố dịch tễ, mổ khám, kết quả xét nghiệm, kết quả phân tích mẫu bệnh phẩm và tham khảo ý kiến của một số chuyên gia, bước đầu có thể nhận định cá nuôi lồng bị chết không do yếu tố dịch bệnh, mà do thiếu oxy.

Để khắc phục, hạn chế thấp nhất thiệt hại trong sản xuất nuôi trồng thủy sản, Sở NN&PTNT Hải Dương đề nghị UBND tỉnh Hải Dương đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT quan tâm, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiếp tục hỗ trợ xác định nguyên nhân gây thiếu oxy trong nước; tăng cường quan trắc, đánh giá chất lượng nguồn nước tại các tuyến sông trên địa bàn các tỉnh xung quanh, nhất là khu vực đầu nguồn để cảnh báo sớm.

Nguyên nhân cá nuôi lồng bị chết bước đầu được nhận định không do yếu tố dịch bệnh, mà do thiếu Oxy.

Sở NN&PTNT tiếp tục chủ trì, phối hợp với các địa phương tăng cường theo dõi, nắm bắt diễn biến tình hình nuôi cá lồng trên sông; phối hợp với Sở TN&MT, UBND các huyện, thành phố, thị xã, các đơn vị liên quan xác định nguyên nhân gây thiếu oxy trong nước. Đồng thời, phối hợp với Sở Tài chính nghiên cứu, đề xuất cơ chế hỗ trợ thiệt hại, khôi phục sản xuất, kinh phí thực hiện xử lý tiêu hủy, xác định nguyên nhân cá chết…

Sau khi xem xét báo cáo của Sở NN&PTNT, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương yêu cầu Chi nhánh Ngân hàng nhà nước tỉnh Hải Dương chỉ đạo các tổ chức tín dụng nghiên cứu, xem xét có cơ chế ưu đãi cho vay vốn để khôi phục sản xuất đối với các hộ có cá nuôi lồng bị chết....

Hải Yến

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/gan-1000-tan-ca-long-chet-xem-xet-co-che-ho-tro-khoi-phuc-san-xuat.html