Gần 100 trẻ dưới 16 tuổi bị xâm hại tình dục trong 9 tháng đầu năm

Xâm hại tình dục trẻ em trong những năm gần đây đã trở thành vấn đề nhức nhối đối với toàn xã hội. Đáng nói, nhiều trường hợp bị xâm hại khi còn rất nhỏ tuổi.

Báo cáo tại Tọa đàm “Thách thức và Giải pháp trong công tác hỗ trợ trẻ em trải qua xâm hại tình dục” do Tổ chức Hagar Quốc tế tại Việt Nam tổ chức vào sáng 26/10, bà Nguyễn Thuận Hải - Trưởng Tổng đài quốc gia 111 cho biết trong 9 tháng đầu năm 2023, tổng đài nhận được 238.500 cuộc gọi đến. Trong đó có 92 ca gọi đến với nhu cầu hỗ trợ, can thiệp xâm hại tình dục, 83 trẻ em dưới 16 tuổi bị xâm hại tình dục.

Bà Nguyễn Thuận Hải - Trưởng Tổng đài quốc gia 111 báo cáo tại Tọa đàm (Ảnh: Trung Nguyễn)

Bà Nguyễn Thuận Hải cho biết thêm, nhiều vụ việc xâm hại tình dục trẻ em nghiêm trọng vẫn xảy ra gây hoang mang, bức xúc trong dư luận xã hội.

Đặc biệt, bà Hải còn nêu dẫn chứng về các vụ trẻ em còn rất nhỏ đã bị xâm hại tình dục (14 trẻ em từ 0 đến 3 tuổi, 33 trẻ em từ 4-6 tuổi). Có tới 28,2% thủ phạm xâm hại tình dục trẻ em là người thân của trẻ. Điển hình như trường hợp bé gái 5 tuổi ở Bà Rịa – Vũng Tàu bị xâm hại dẫn đến tử vong; bé gái 2 tuổi ở Bình Thuận bị xâm hại tình dục bởi người quen của gia đình.

Theo bà Hải, sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội dẫn đến vấn đề bạo lực và xâm hại tình dục qua môi trường mạng có chiều hướng gia tăng. Vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng còn có vướng mắc, bất cập. Việc xác minh, xác định các vụ việc còn chậm.

Cũng tại Tọa đàm, bà Trần Thanh Huyền - Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh Yên Bái cho biết, tỉnh Yên Bái hiện có 255.164 trẻ em dưới 16 tuổi (chiếm 31% dân số). Số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là 4.932 trẻ.

Theo số liệu ngành Lao động Thương binh xã hội tỉnh Yên Bái trong 9 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn tỉnh ghi nhận 13 vụ xâm hại trẻ em (trong đó 11 vụ trẻ em bị xâm hại tình dục) chủ yếu xảy ra ở vùng sâu, vùng xa vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Cũng theo bà Huyền, sự chênh lệch về mức sống giữa nông thôn và thành thị khiến cho trẻ em thiếu cơ hội tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội dành cho trẻ em nhất là trẻ em vùng sâu, vùng xa, trẻ em là người dân tộc thiểu số.

Đáng ngại hơn đối với trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số bị xâm hại tình dục đối diện rất nhiều khó khăn. Theo đó, các em không nói được tiếng phổ thông, thậm chí cả mẹ cũng tương tự. Thậm chí trong quá trình hội phụ nữ muốn hỗ trợ tâm lý hoặc cung cấp kiến thức về kỹ năng sống cho trẻ đã bị xâm hại cũng gặp không ít khó khăn.

"Một số trẻ đã bị nhiễm bệnh lây truyền qua đường tình dục, chúng tôi muốn hướng dẫn mẹ để chăm sóc, dạy con nhưng mẹ cũng không biết tiếng phổ thông. Điều này khiến chúng tôi mỗi lần đi hỗ trợ những trường hợp này đều phải thông qua phiên dịch", bà Trần Thanh Huyền cho biết.

Xâm hại tình dục trẻ em vẫn trở thành vấn đề nhức nhối trong toàn xã hội (Ảnh minh họa)

Theo bà Huyền, khó khăn là hầu hết trẻ em vùng cao, dân tộc thiểu số đi học bán trú thì cuối tuần mới trở về nhà với gia đình. Nên việc trẻ em đi học bán trú cũng khó khăn trong quá trình tiếp cận, hỗ trợ trẻ. Trẻ em không biết tự chăm sóc bản thân trong khi các em dân tộc thiểu số còn rụt rè, không cởi mở nên quá trình tiếp cận để hỗ trợ cũng gặp không ít khó khăn. Đồng thời, việc hỗ trợ cho những trường hợp trẻ bị xâm hại ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tương đối khó khăn.

Vì vậy, bà Huyền cho rằng muốn giảm thiểu thấp nhất trẻ em vùng sâu, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số bị xâm hại tình dục, thì cần có sự phối hợp chặt chẽ liên ngành giữa các đoàn thể với các cơ quan chức năng.

"Chúng tôi thường xuyên tăng cường công tác phòng ngừa, nâng cao nhận thức về xâm hại tình dục và Luật pháp liên quan; Lồng ghép vào chương trình kỹ năng sống trong trường học”, bà Huyền nói thêm.

Thúy Ngà

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/gan-100-tre-duoi-16-tuoi-bi-xam-hai-tinh-duc-trong-9-thang-dau-nam-d194573.html