Gần 100 chuyên gia tham gia nghiên cứu, trao đổi về lai tạo giống cây trồng ứng dụng công nghệ sinh học

Trong hai ngày 11-12/4, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định), Viện nghiên cứu Cold Spring Harbor Laboratory Hoa Kỳ, Hội Gặp gỡ Việt Nam (Rencontres du Vietnam), Viện Công nghệ Sinh học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cùng Trung tâm quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) đã phối hợp tổ chức hội nghị 'Thành tựu trong công nghệ sinh học thực vật - Từ chỉnh sửa gen cây trồng đến phát triển nông nghiệp bền vững'.

Quang cảnh hội nghị.

Đây được xem là hội nghị khoa học quốc tế về chỉnh sửa gene trên cây trồng có quy mô lớn nhất từ trước đến nay được tổ chức tại Việt Nam, đồng thời là diễn đàn quy tụ nhiều học giả, chuyên gia, nhà nghiên cứu hàng đầu trên thế giới trong lĩnh vực lai tạo giống cây trồng ứng dụng công nghệ sinh học.

Nội dung xuyên suốt hội nghị đã tập trung vào những đột phá mới nhất trong lĩnh vực chỉnh sửa bộ gene và các ứng dụng của công nghệ này trong nông nghiệp, đặc biệt là trong việc giải quyết các thách thức về biến đổi khí hậu.

Tại hội nghị, Giáo sư David Jackson, thuộc Viện nghiên cứu Cold Spring Harbor Laboratory Hoa Kỳ - đơn vị đồng tổ chức hội nghị cho biết: “Mục tiêu của hội nghị lần này nhằm tạo ra một diễn đàn để chia sẻ những tiến bộ khoa học mới nhất trong lĩnh vực chỉnh sửa gene trên cây trồng, từ những phát triển công nghệ đột phá đến các giải pháp bền vững nhằm nâng cao năng suất nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực và môi trường bền vững".

Giáo sư David Jackson, Viện nghiên cứu Cold Spring Harbor Laboratory Hoa Kỳ phát biểu tại hội nghị.

Tiến sĩ Đỗ Tiến Phát, Trưởng phòng Công nghệ tế bào thực vật, Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ) cho biết, chúng tôi rất vinh dự khi có được sự tham gia của những diễn giả đáng kính, những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu chỉnh sửa gene trên toàn cầu. Chia sẻ những hiểu biết sâu sắc, họ sẽ giúp người tham dự hội thảo có cái nhìn đúng đắn và toàn diện hơn về tiềm năng nghiên cứu chỉnh sửa bộ gene trên thực vật, cùng những giá trị mà công nghệ này mang lại trong ngành nông nghiệp.

"Tổ chức tại Việt Nam lần này, chúng tôi kỳ vọng hội nghị không chỉ là cơ hội trao đổi thông tin cho các nhà khoa học trong nước với các chuyên gia đầu ngành quốc tế mà còn tạo điều kiện để các đơn vị liên quan trong ngành cùng trao đổi phương thức tiếp cận và quản lý phù hợp cho việc ứng dụng giải pháp cây trồng này tại Việt Nam”, Tiến sĩ Đỗ Tiến Phát cho biết.

Các diễn giả trao đổi ý kiến bên lề hội nghị.

Hội nghị bao gồm gần 20 bài trình bày được chia thành 4 phiên với các diễn giả đến từ nhiều quốc gia như như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Australia, Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc, Ấn Độ, Philippines… và Việt Nam. Các bài trình bày đã giải thích cụ thể hơn về bản chất khoa học cũng như cơ chế chính sửa gene trên thực vật cùng những nghiên cứu mới nhất trên những cây trồng quan trọng như lúa gạo, đậu tương, cà chua, mía đường…

Hội nghị là cơ hội chia sẻ thông tin và kết nối các các nhà nghiên cứu, chuyên gia, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý trong lĩnh vực chỉnh sửa gene nói riêng và công nghệ sinh học nông nghiệp nói chung.

Tại hội nghị, các diễn giả cũng đặc biệt nhấn mạnh những tính trạng nổi bật mà công nghệ chỉnh sửa gene có thể tạo ra cho cây trồng đó là cải thiện chất lượng và nâng cao khả năng chống chịu với điều kiện thời tiết bất thuận.

Các nhà nghiên cứu khoa học chụp ảnh lưu niệm tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục Liên ngành (ICISE).

Tại Việt Nam, các nhà khoa học hiện tại cũng đang nghiên cứu và bước đầu thành công trong việc tạo ra lúa gạo có khả năng chịu hạn và kích thích tăng trưởng.

Bên cạnh chia sẻ những thông tin khoa học, hội nghị cũng có một phiên riêng để cập nhật về quy định pháp lý và cách thức tiếp cận trong việc quản lý cây trồng chỉnh sửa gene trên thế giới hiện nay.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/gan-100-chuyen-gia-tham-gia-nghien-cuu-trao-doi-ve-lai-tao-giong-cay-trong-ung-dung-cong-nghe-sinh-hoc-post804425.html