Game Việt thiếu gì khi vươn tầm quốc tế?

Game nước ngoài có hình ảnh cầu thủ Cristiano Ronaldo hay nhóm nhạc Blackpink sẽ thu hút rất nhiều người chơi. Nhưng có bao nhiêu cầu thủ, ca sĩ Việt nổi tiếng toàn cầu có thể giúp sản phẩm game Việt vươn tầm quốc tế?

Xu hướng game thế giới

Vừa có dịp xuất ngoại để trải nghiệm một số xu hướng về game trên thế giới, ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kể với VietNamNet: “Rất nhiều quốc gia đã coi game là một trong những ngành mang tính chất mũi nhọn. Ngành game đang thay đổi, không chỉ gắn với giải trí đơn thuần mà còn có những trải nghiệm để mọi người sống tốt hơn”.

Ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia. Ảnh: B.M

Một trải nghiệm gây ấn tượng mạnh với ông Thịnh là game thực tế ảo tăng cường: “Tôi đã ngồi trên một chiếc ghế thiết kế rất đặc biệt, đeo kính thực tế ảo để trải nghiệm game máy bay. Quả thực là cực kỳ đặc biệt. Sự kết hợp giữa phần cứng với phần mềm không đơn thuần như chúng ta xem phim 3D, 4D trong rạp, ghế rung rung nghiêng nghiêng đâu. Họ tính toán tất cả các công nghệ liên quan để chúng ta có cảm giác như đang ngồi trên máy bay thật”.

Trải nghiệm thú vị khác là game thể dục ứng dụng AI (trí tuệ nhân tạo): Người chơi game thực hiện các bài tập theo “thày giáo”, được chấm điểm nếu đúng động tác, không chỉ đơn giản như nhảy trong game Audition. Game này tốt cho sức khỏe, lại giúp mọi người cảm thấy vui vẻ hơn.

Ngoài ra còn có cả những game hữu ích cho cuộc sống đời thường, chẳng hạn game liên quan tới thiết kế đô thị, với những kỹ năng quy hoạch từ hệ thống nước tới cả nghĩa trang...

“So với thị trường game thế giới thì thị trường game Việt còn khá yếu về các loại game gắn với thiết bị 3D, thực tế ảo tăng cường… Đã đến lúc chúng ta phải tư duy theo hướng phát triển những game mà thị trường quốc tế sẵn sàng nhảy vào đầu tư và giúp cho game có thể tồn tại lâu dài như những “huyền thoại” Mario hay Candy Crush Saga… Các công ty game Việt cần định hướng phát triển game không chỉ bó hẹp để giải trí mà tiến tới gắn với những xu hướng mới. Chẳng hạn, Việt Nam đang nói nhiều tới chuyển đổi số, thì có thể phát triển các game gắn với Digital Twin (bản sao số của con người)”, ông Thịnh phân tích.

Tư duy “Go Global” của game Việt

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, tiếp nối Flappy Bird của Nguyễn Hà Đông, trong 3 năm trở lại đây, đã có rất nhiều câu chuyện truyền cảm hứng, câu chuyện thành công của game Việt.

Một thống kê cho thấy cứ khoảng 25 game được tải trên các nền tảng thì có 1 game Việt. Thị trường game Việt đang tiến dần tới con số tỷ đô. Việt Nam đã tạo được thương hiệu là một trong những quốc gia đào tạo rất tốt nhân lực công nghệ thông tin, trong đó có lập trình viên game.

Đa số doanh nghiệp ngành game ngay từ lúc thành lập đã ấp ủ mong muốn “Go Global”. Ảnh: B.M

Không ít doanh nghiệp làm phần mềm nói chung đang hướng sự tập trung vào thị trường nội địa, song riêng ngành game thì đa số doanh nghiệp ngay từ lúc thành lập đã ấp ủ mong muốn “Go Global” (vươn ra toàn cầu).

Tuy nhiên, đa phần doanh nghiệp Việt mới chỉ phát triển các dạng game đơn giản. Trong số nhiều lý do thì đáng chú ý là sự hạn chế về nguồn nhân lực.

Khối trường đại học đã quan tâm tới lĩnh vực game nhưng tới nay vẫn chưa trường nào đào tạo chuyên ngành game, lập hẳn khoa game chẳng hạn. Ngành game có nhiều mảng rất cần nhân sự như thiết kế, sáng tạo nội dung…, thế nhưng thực tế, mọi người khi nhắc tới nhân sự game vẫn chỉ nghĩ đến lập trình viên.

“Các công ty game vẫn phải tốn thêm thời gian và chi phí đào tạo cho sinh viên mới ra trường sau khi tuyển dụng. Nếu khoảng cách giữa nhà trường và doanh nghiệp được thu hẹp thì có thể tiết kiệm khoản chi phí này, và quan trọng hơn là cung cấp được nguồn nhân lực về game chất lượng cao hơn. Chúng ta cần tư duy đào tạo nhân lực về game không chỉ phục vụ công ty tại Việt Nam, mà hiện nay thế giới phẳng, nhiều bạn trẻ có thể ngồi tại Việt Nam, trở thành nhân sự game cho nhiều tập đoàn lớn quốc tế. Đây chính là câu chuyện xuất khẩu lao động chất lượng cao tại chỗ”, ông Thịnh nói.

Cần có tư duy hệ sinh thái

Thời gian qua, ngành game Việt Nam đã phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, khi thị trường phát triển đến ngưỡng nhất định thì sẽ gặp những “bài toán”, nếu không giải quyết tốt thì sẽ thành “điểm nghẽn”.

Kinh nghiệm nhiều nước cho thấy cần phát triển ngành công nghiệp game với tư duy hệ sinh thái có sự tương hỗ lẫn nhau. Ví dụ, có thể gắn hình ảnh ban nhạc Blackpink hay cầu thủ bóng đá Cristiano Ronaldo vào game để thu hút nhiều người chơi.

Điều này thì game Việt đang thiếu. Gần như chưa có cầu thủ, ca sĩ Việt nào nổi tiếng toàn cầu có thể giúp sản phẩm game Việt vươn tầm quốc tế.

Mặt khác, Việt Nam rất thiếu phòng lab để thử nghiệm game. Trong khi game có điểm khá đặc biệt là hôm nay có thể chỉ 1.000 người dùng nhưng ngày mai có thể đạt 1 triệu lượt tải, cần có phòng lab để test kỹ nhằm tránh sự cố khi lượt tải tăng đột biến. Hiện cũng có một số phòng lab nhưng thu phí dịch vụ khá cao so với khả năng tài chính của các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Thủ tục pháp lý cũng đang là vấn đề khó. Để phát hành một game thì khâu cấp giấy phép ở Việt Nam đang lâu hơn một số nước. Cần tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính hơn nữa.

Ngoài ra, cũng cần đào tạo cả những người làm công tác tiếp thị số chuyên ngành game; phát triển thêm KOL (người có sức ảnh hưởng) trong lĩnh vực game…

“Muốn ngành game phát triển dài hạn thì cần phải phát triển hệ sinh thái game, với sự tham gia của cả cơ quan nhà nước, các trường học và các doanh nghiệp... Khi có hệ sinh thái game, các doanh nghiệp khởi nghiệp game có thể kết nối dễ dàng hơn với các quỹ đầu tư quốc tế, kể cả nhà đầu tư thiên thần cũng như các nhà đầu tư mạo hiểm”, ông Thịnh lưu ý.

Nếu có hệ sinh thái game hoàn thiện và hoạt động hiệu quả, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ ngày càng chủ động phát triển những game lành mạnh, hấp dẫn, đưa ngành game phát triển như một ngành sản xuất/xuất khẩu nội dung số bằng công nghệ, không chỉ đem lại doanh thu, thu hút đầu tư từ nước ngoài mà còn quảng bá được văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Những con số đáng tự hào của game Việt

Bà Vũ Minh Hạnh, Chánh Văn phòng Hiệp hội Phát triển game Việt Nam. Ảnh: B.M

Những người làm game Việt rất tự hào khi nhắc tới những số liệu thống kê: Cứ 25 game trên thế giới thì có 1 game của nhà phát triển Việt; Năm 2020, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 7 thế giới về lượt tải game; Trong Top 10 công ty game ở khu vực Đông Nam Á, Úc và New Zealand năm 2021, có 5 công ty Việt Nam; Trong Top 30 nhà phát hành game trên toàn thế giới cũng có 2 doanh nghiệp Việt.

Có doanh nghiệp game 6 năm về trước với khoảng 10 nhân sự đã rất vui khi có sản phẩm game đầu tiên đạt 1 triệu lượt tải; tới tháng vừa rồi đã công bố đạt hơn 3 tỷ lượt tải. Đó là một minh chứng cụ thể cho sự phát triển vượt bậc của game Việt.

Các công ty Việt đang nỗ lực tăng cường chất lượng bên cạnh phát triển số lượng sản phẩm game, đa dạng hóa hơn các dòng game, các nền tảng game. Mục tiêu hướng tới là Việt Nam sẽ vươn lên Top 3 từ vị trí Top 7 về lượt tải game.

Dù có rất nhiều ngành “hot” như AI (trí tuệ nhân tạo), Cloud (điện toán đám mây), VR (công nghệ thực tế ảo), fintech (công nghệ tài chính)… nhưng vẫn có tới 15% nhân lực lập trình muốn làm trong lĩnh vực game. Đây là con số cao hơn tưởng tượng của mình rất nhiều.

Bình Minh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/game-viet-thieu-gi-khi-vuon-tam-quoc-te-2166966.html