Gác việc ruộng đồng, vui đón hội Óc Om Bóc

Hàng năm cứ vào ngày 14 và 15.10 âm lịch, đồng bào Khmer tại ĐBSCL lại tưng bừng tổ chức lễ hội Óc Om Bóc, còn gọi là lễ Cúng trăng hay “Đút cốm dẹp”. Họ tạm gác lại việc đồng áng để tổ chức các hoạt động cộng đồng, nổi bật nhất là giải đua ghe ngo truyền thống.

Lễ hội được mong đợi nhất năm

Óc Om Bóc là lễ hội được mong đợi nhất trong năm của đồng bào Khmer Nam Bộ, nhằm cầu mong cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, dân làng được hưởng an vui, hạnh phúc. Đến các phum sóc có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống những ngày này, không khí nhộn nhịp, tưng bừng đã tràn ngập. Bà con tất bật dọn dẹp, trang trí nhà cửa, làm những món bánh truyền thống để cúng vào dịp lễ (Cúng trăng) mà một trong những món ăn không thể thiếu là cốm dẹp (làm bằng gạo nếp).

Các vận động viên tham gia giải đua ghe Ngo năm 2016 tại tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: C.L

Để chuẩn bị cho giải đua ghe ngo, ngoài khán đài chính với 2.000 chỗ ngồi, tỉnh Sóc Trăng xây dựng thêm một khán đài phụ 300 chỗ ngồi. Giải đấu năm nay có 47 chiếc ghe ngo trong và các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang, Vĩnh Long đăng ký tham gia. Ban tổ chức đã nâng mức giải thưởng cao gấp đôi so với mọi năm; giải nhất, nhì, ba, tư lần lượt nhận giải thưởng là 100 – 80 – 60 - 50 triệu đồng.

Theo Thượng tọa Lý Hùng - trụ trì chùa Pitu Khôsa Răngsây (TP.Cần Thơ), vào đêm 14 trăng tròn hoặc 15 khi trăng lên cao, đồng bào tập trung ở sân chùa hoặc sân nhà, hướng về phía mặt trăng để làm lễ. Chủ lễ là người cao tuổi nhất trong phum, sóc hoặc trong nhà khấn vái bày tỏ lòng biết ơn của con người đối với thần mặt trăng, xin thần mặt trăng tiếp nhận lễ vật và ban cho mọi người sức khỏe, mùa màng tươi tốt. Các hoạt động lễ hội cộng đồng rõ nét nhất là ở các tỉnh có đông đồng bào Khmer như Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang...

Theo phong tục cổ truyền của người Khmer, sau khi nghi lễ cúng Trăng hoàn tất cũng là lúc các hoạt động phần hội được bắt đầu, đặc sắc nhất là hội thi đua ghe ngo. Những ngày này, mọi công việc đồng áng của bà con sẽ được tạm gác lại để chuẩn bị tập luyện và tham gia vào giải đua ghe ngo truyền thống được tổ chức ở trong và cả ngoài tỉnh.

Nhộn nhịp giải đua ghe ngo

Anh Hồ Duy Nhơn - vận động viên đội đua ghe ngo nam chùa Thủy Liễu, xã Thúy Liễu, huyện Gò Quao (Kiên Giang) cho hay: “Tôi đã tham gia đua ghe ngo được 4 mùa giải. Giải đua ghe ngo ở Kiên Giang năm nay được tổ chức quy mô lớn hơn nên có nhiều đội ghe ngo đăng ký thi đấu. Dù rất bận rộn với công việc gia đình nhưng tôi không bỏ buổi tập nào để cùng anh em phối hợp nhuần nhuyễn với quyết tâm giành được giải cao”.

Còn tại Sóc Trăng, từ ngày 12-14.11 diễn ra lễ hội Óc Om Bóc – Đua ghe ngo Sóc Trăng năm 2016. Ông Lý Bình Cang - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng, Phó Trưởng Ban tổ chức lễ hội Óc Om Bóc – Đua ghe ngo Sóc Trăng năm 2016, cho biết: Đây được xem là ngày hội lớn nhất trong năm của đồng bào Khmer, với nhiều hoạt động đặc sắc như: Lễ Cúng trăng, hội thi thả đèn nước, giải đua ghe ngo và hội chợ triển lãm thương mại. Giải đua ghe ngo được xem là điểm nhấn của lễ hội được tổ chức vào 2 ngày 13 và 14.11.

Ông Đồng Huên ở xã Phú Tân, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) phấn khởi: “Sau khi xem đua ghe ngo xong chúng tôi lại cùng nhau làm lễ cúng trăng tại chùa, sau đó đi xem hội thi thả đèn nước và phục dựng ghe Cà Hâu. Không khí lễ hội Óc Om Bóc năm nay ở Sóc Trăng rất náo nhiệt, nhiều hoạt động hơn các năm trước”.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/gac-viec-ruong-dong-vui-don-hoi-oc-om-boc-722990.html