Gác niềm vui riêng giữ niềm vui chung cho Đại lễ

Nhiều ngày nay, lực lượng cảnh sát giao thông Công an thành phố Hà Nội “đánh vật” cùng những tuyến đường, bảo đảm thông xe trong dịp Đại lễ.

Với họ, đó không chỉ là nhiệm vụ chính trị, mà còn là niềm tự hào khi góp sức vào sự kiện trọng đại của dân tộc. Cho dù họ phải có nhà mà… không được về, nhớ vợ con đều qua điện thoại. Ăn ngủ tại đơn vị Quãng 11 giờ đêm ngày 3/10, tại trước cửa Nhà Hát Lớn, những bóng áo vàng hòa mình cùng ánh đèn cao áp, túc trực để can thiệp kịp thời khi có sự cố giao thông. Đường đã vắng, nhưng tất cả còn chưa nghỉ, bởi rất có thể, đêm nay Hà Nội lại có đua xe... Quệt vệt mồ hôi trên trán, Thượng sĩ Nguyễn Quang Hòa (Đội Cảnh sát giao thông số 1) bảo rằng, những ngày phục vụ Đại lễ của dân tộc, lực lượng cảnh sát giao thông khá vất vả. Hầu hết các chiến sĩ trong đội đều ăn-ngủ-nghỉ tại cơ quan. Theo anh Hòa, mỗi một ngày, họ phải phân nhau ra làm bốn kíp trực để bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Những người không thuộc kíp trực thì phải trực ở đội để sẵn sàng nhận lệnh điều động làm nhiệm vụ. Bởi thế, đã nửa tháng nay, Hòa chưa có dịp về nhà ở Đông Anh. “Đây là nhiệm vụ, nhưng cũng là vinh dự của mỗi chiến sĩ khi được góp phần sức lực nhỏ bé vào Đại lễ,” Hòa nói. Cũng như Hòa, Trung úy Hoàng Anh Tuấn đứng tại chốt trực Đinh Tiên Hoàng – Hàng Khay cho biết, Đại lễ cũng đồng nghĩa với những ngày xa nhà. Rồi anh kể rằng, vợ con anh đang ở quê. Những lúc rảnh rỗi sau trực, anh đem nỗi nhớ của mình, nhờ điện thoại gửi về người vợ trẻ và đứa con nhỏ mới được ba tháng tuổi. Đôi lúc, tranh thủ thời gian nghỉ giữa ca, anh lại vội phi xe máy về nhà, cách trung tâm Hà Nội 25km để thăm vợ, con. Vất vả là thế, nhưng anh Tuấn nói mình vẫn còn được ưu ái lắm, bởi nhiều anh em gần nhà mà không có thời gian về thăm. Ở trường hợp của Trung tá Đinh Thanh Thảo, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 1 cũng thế, nhà cách cơ quan có 2km, nhưng anh luôn phải ở đội túc trực để xử lý tình huống. "Nhiều khi điện về nhà, vợ bảo không ngủ ở nhà cũng được nhưng phải ghé qua thăm nhà cửa xem vợ con công việc gia đình như thế nào nhưng vì thời gian bận lại hay điều động nên tôi có về được đâu. Vợ tôi cũng hay hỏi các anh em khác bằng câu 'anh ơi, bố em có còn trực nữa không'," anh Thảo chia sẻ. Trực 100% quân số Thực tế, vào những ngày diễn ra Đại lễ, tại khu vực quận Hoàn Kiếm, giao thông rất dễ rơi vào tình trạng ùn tắc nếu không có sự hướng dẫn kịp thời. Thượng sĩ Hòa cho hay, vào những hôm ùn tắc kéo dài, hay tình hình giao thông căng thẳng , các chiến sĩ cảnh sát sẽ phải làm thêm giờ đến lúc nào giao thông trở lại bình thường mới ra về. Còn Trung sĩ Tuấn Nam cho hay, tốt nghiệp trung cấp cảnh sát mới khoảng một tháng, Nam và cùng với 280 chiến sĩ “mới toanh” được điều động tăng cường về trực và phân làn đảm bảo trật tự và an toàn giao thông trong dịp Đại lễ. “Gần một tháng trước Đại lễ, ngày nào cả đội cũng phải luyện tập từ 7 giờ sáng trong vòng 5 ngày để học cách thức điều khiển phân làn giao thông; nghi lễ dẫn, đưa đoàn và chỉ huy giao thông...," Nam kể. Ngoài việc phân luồng giao thông, các chiến sĩ cảnh sát còn phải thường xuyên trực đêm để phòng chống đua xe trái phép. Riêng đội Cảnh sát giao thông số 1 đã có 34 chiến sĩ trực nhiệm vụ này. Theo Trung tá Đinh Thanh Thảo, trong suốt những ngày diễn ra Đại lễ 1.000 năm Thăng Long–Hà Nội, 100% quân số của đơn vị thực hiện chế độ trực 24/24 giờ trong ngày. Ngoài ra, theo chỉ đạo của Công an thành phố Hà Nội, các đội cảnh sát giao thông khác trên địa bàn Hà Nội cũng hoạt động rất tích cực, bảo đảm giao thông trong dịp Đại lễ được diễn ra thuận lợi. Theo đánh giá sơ bộ, cho đến hôm nay (ngày 4/10), tuy mật độ phương tiện tham gia giao thông đông nhưng tình hình nhìn chung vẫn ổn định. Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực của cảnh sát giao thông thì ý thức của người dân sẽ là điểm then chốt để trật tự giao thông trong dịp Đại lễ diễn ra thông suốt./. Mạnh Trung (Vietnam+)

Nguồn TTXVN: http://www.vietnamplus.vn/home/gac-niem-vui-rieng-giu-niem-vui-chung-cho-dai-le/201010/62699.vnplus