Gác niềm riêng để thực hiện nhiệm vụ cao cả

Những ngày này, khi Đội cứu hộ, cứu nạn của Quân đội nhân dân Việt Nam đang vượt qua mọi gian khó, hiểm nguy, nỗ lực giúp nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ tìm kiếm người mất tích trong thảm họa động đất thì chúng tôi về thăm gia đình Đại úy QNCN Nguyễn Viết Linh, Huấn luyện viên Khoa Giám biệt nguồn hơi, một trong 9 thành viên thuộc đội hình Trường Trung cấp 24 Biên phòng tham gia Đội cứu hộ, cứu nạn của Quân đội nhân dân Việt Nam đi làm nhiệm vụ nhân đạo quốc tế cao cả.

Theo các cán bộ Trường Trung cấp 24 Biên phòng, Đại úy QNCN Nguyễn Viết Linh là một trong những đồng chí có hoàn cảnh gia đình khó khăn nhất của đơn vị, nhưng anh vẫn viết đơn xung phong thực hiện nhiệm vụ đầy vất vả và nguy hiểm ở vùng động đất Thổ Nhĩ Kỳ.

Bố mẹ của Đại úy QNCN Nguyễn Viết Linh đã mất. Vợ anh là Thượng úy QNCN Trần Thị Giang đang làm việc tại Nhà máy Z143 (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng). Vợ chồng anh Linh mới xây được căn nhà cấp 4 trên mảnh đất bố mẹ để lại và vẫn nợ tiền ngân hàng. Nhưng khó khăn nhất là hai con của anh chị còn rất nhỏ (sinh năm 2020 và 2022).

Chúng tôi đến thăm nhà Đại úy QNCN Nguyễn Viết Linh ở thôn Đông An, xã Thụy An (Ba Vì, Hà Nội). Căn nhà cấp 4 vừa xây, chưa sắm sửa được đồ nội thất gì nên chị Giang mời khách ngồi tạm trên tấm bạt trải ngay hiên nhà và kể: “Vợ chồng em vay mượn, cố gắng xây nhà để các cháu có chỗ sinh hoạt sạch sẽ, thoáng mát hơn căn nhà cũ. Còn đồ đạc trong nhà thì hai vợ chồng bàn nhau tiết kiệm tiền lương để mua sắm dần dần”.

Đại úy QNCN Nguyễn Viết Linh sử dụng chó nghiệp vụ tìm kiếm nạn nhân bị vùi lấp sau động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: VĂN HIẾU

Con gái thứ hai của vợ chồng anh Linh đang lẫm chẫm tập đi, con gái đầu mấy hôm nay ốm, sốt nên chị Giang phải xin nghỉ ở nhà chăm sóc con. Từ hôm anh Linh đi công tác xa, nếp sinh hoạt của mẹ con chị Giang cũng thay đổi, đặc biệt là hôm nào cũng cố thức đợi anh Linh gọi điện về sau khi Đội cứu hộ, cứu nạn kết thúc công việc trong ngày. Nhìn thấy chồng cùng đồng đội mạnh khỏe, chị Giang mới yên tâm đi ngủ.

Chị Giang thành thật tâm sự, hôm biết tin chồng xung phong đi làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn giúp nước bạn Thổ Nhĩ Kỳ sau trận động đất kinh hoàng, chị không khỏi lo lắng. Anh công tác ở nơi rất xa và công việc vất vả là một nhẽ, ở nhà chị cũng sẽ cố gắng thu xếp được để vừa hoàn thành nhiệm vụ đơn vị giao, vừa chăm sóc hai con nhỏ, nhưng chị lo nhất là sự nguy hiểm có thể ập đến với chồng và các đồng đội ở nơi đang tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ ấy. Nhưng rồi được chồng giải thích rằng cứu hộ, cứu nạn cũng là nhiệm vụ thường xuyên mà anh em trong đơn vị phải đối mặt mỗi khi trong nước có sự cố, thiên tai và thực tế hầu hết cán bộ, chiến sĩ nhà trường đều đã trải qua, nên chị đã yên tâm, còn động viên chồng cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ như những lần đi cứu hộ, cứu nạn trước đây.

Hôm chúng tôi đến, thấy đoạn đường đất nhỏ dẫn vào ngôi nhà mới của vợ chồng Đại úy QNCN Nguyễn Viết Linh được dọn cỏ sạch sẽ, chị Giang bảo đó là các đồng đội trong đơn vị anh Linh vừa đến phát quang, nhổ cỏ. Ban giám hiệu Trường Trung cấp 24 Biên phòng đã có kế hoạch phối hợp với địa phương giúp đổ bê tông đoạn đường này và xây cổng cho gia đình anh chị để đi lại thuận lợi, sạch sẽ hơn. “Từ hôm anh Linh đi công tác, lãnh đạo, chỉ huy và anh em trong đơn vị của anh thường xuyên qua nhà thăm hỏi, động viên, có việc gì đều sẵn sàng giúp đỡ 3 mẹ con em”, chị Giang kể.

Trong mắt đồng đội, Đại úy QNCN Nguyễn Viết Linh là người luôn nhiệt tình, tận tâm, trách nhiệm với công việc. Trung tá Nguyễn Minh Phượng, Phó trưởng khoa Giám biệt nguồn hơi, nhận xét: “Đồng chí Linh là huấn luyện viên được đào tạo cơ bản, lại có nhiều kinh nghiệm thực tế, luôn xung phong thực hiện những nhiệm vụ khó khăn, vất vả, hiểm nguy. Trước đây, đồng chí Linh đã từng tham gia cứu hộ, cứu nạn trong vụ sạt lở ở Thủy điện Rào Trăng (Thừa Thiên Huế); tham gia diễn tập cứu hộ, cứu nạn của 3 nước: Việt Nam, Lào, Campuchia và nhiều sự kiện khác".

Không chỉ Đại úy QNCN Nguyễn Viết Linh mà 8 đồng chí khác trong đội hình của Trường Trung cấp 24 Biên phòng xung phong đi làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn giúp nước bạn Thổ Nhĩ Kỳ đều gác những niềm riêng, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ quốc tế cao cả. Họ đã vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, cố gắng thu xếp việc gia đình để cùng các đồng đội lên đường, xông pha nơi hiểm nguy, gian khó, như: Thiếu tá Trần Quốc Hương có vợ bị bệnh, đau ốm thường xuyên; Thiếu tá QNCN Hoàng Hải Dương có bố, mẹ già đau yếu mà chính anh là người đang chịu trách nhiệm phụng dưỡng, chăm sóc...

Việc các quân nhân của Trường Trung cấp 24 Biên phòng cũng như nhiều đồng chí ở những đơn vị khác đều gác lại niềm riêng, việc riêng, tình nguyện xung phong làm nhiệm vụ ở nơi có vô vàn khó khăn, nguy hiểm đã thể hiện rõ phẩm chất cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ. Ở bất cứ nơi đâu, lúc nào, càng trong khó khăn, gian khổ thì phẩm chất ấy càng tỏa sáng.

NGỌC HÂN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/gac-niem-rieng-de-thuc-hien-nhiem-vu-cao-ca-719647