Ga ngầm C9 được đưa ra khỏi vùng bảo vệ di tích

Hà Nội thống nhất đề xuất phương án 1 để làm cơ sở hoàn chỉnh hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án metro số 2. Theo đó, ga ngầm C9 sẽ được bố trí ngoài Vùng bảo vệ II của di tích hồ Hoàn Kiếm.

Hôm nay (23.3), Văn phòng UBND TP Hà Nội có thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn tại cuộc họp xem xét thống nhất vị trí mặt bằng ga ngầm C9 - hồ Hoàn Kiếm thuộc dự án đường sắt đô thị tuyến số 2 (Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo).

Phối cảnh ga ngầm C9 nằm cạnh hồ Hoàn Kiếm.

Phối cảnh ga ngầm C9 nằm cạnh hồ Hoàn Kiếm.

Theo đó, trên cơ sở phân tích, đánh giá các ưu, nhược điểm cụ thể của ba phương án, ý kiến trao đổi thống nhất của bộ, ngành Trung ương tại cuộc họp, UBND TP Hà Nội thống nhất, phương án bỏ qua ga ngầm C9 hoặc có thể xem xét xây dựng trong tương lai (phương án 3) không phù hợp với quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, quy hoạch giao thông Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ngoài ra, phương án này cũng ảnh hưởng đến kỹ thuật chạy tàu, năng lực vận tải hành khách công cộng, mục tiêu dự án và các tuyến đường sắt đô thị liên quan.

Trường hợp ga C9 được xây dựng sau khi dự án vận hành khai thác là hết sức khó khăn, phức tạp về kỹ thuật, về bảo đảm an toàn hành khách, thời gian thi công kéo dài… dẫn đến chi phí tăng cao. Do vậy, thành phố không đề xuất theo phương án 3.

Đối với hai phương án còn lại là phương án 1 (điều chỉnh thiết kế, vi chỉnh cục bộ tổng mặt bằng ga ngầm C9) và phương án 2 (giữ nguyên ga C9 như hiện tại) đều có ưu điểm là phù hợp Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Quy hoạch giao thông Thủ đô, Quy hoạch phân khu đô thị H1-1B.

Theo phương án 2, phần cơ bản thân ga và cửa lên-xuống số 3 nằm trong vùng bảo vệ II của Di tích quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn; chưa nhận được sự đồng thuận của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.

Phương án 1 đã được nghiên cứu điều chỉnh bảo đảm về kỹ thuật, tính khả thi về kỹ thuật và công nghệ, tuân thủ pháp luật về di sản văn hóa, giải quyết được các kiến nghị của các bên nêu trên.

Trên cơ sở ý kiến của đại diện các Bộ: Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Giao thông vận tải; Xây dựng và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, TP Hà Nội thống nhất đề xuất phương án 1 để làm cơ sở hoàn chỉnh hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án metro số 2, báo cáo Thủ tướng chính phủ xem xét, quyết định và đẩy nhanh nhất tiến độ dự án đầu tư.

Như vậy, ga ngầm C9 sẽ được bố trí ngoài Vùng bảo vệ II của di tích hồ Hoàn Kiếm.

Theo đó, ga ngầm C9 được điều chỉnh thành ga xếp chồng bốn tầng có kết cấu thân ga trùng với ranh giới Vùng bảo vệ 2, bên dưới đường Đinh Tiên Hoàng và nằm phía trước Tổng Công ty Điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội), trước Trụ sở HĐND - UBND TP Hà Nội; chiếm dụng khoảng 25 m2 đất trụ sở UBND TP để đảm bảo thi công, kết cấu ga cách tòa nhà gần nhất khoảng 3 m.

Công trình phụ trợ được bố trí chung trong mặt bằng của EVN Hà Nội như phương án ban đầu, gồm tháp làm mát, phòng máy phát điện, cửa lên xuống cho người khuyết tật, tháp thông gió số 1 (cao 13 m) và cửa lên xuống số 1.

Do ga ngầm bốn tầng sâu hơn, dài hơn… yêu cầu về thiết bị phụ trợ nhiều hơn nên diện tích mặt bằng, quy mô tòa nhà phụ trợ lớn hơn phương án đề xuất ban đầu. Để có đủ không gian bố trí các công trình phụ trợ này cần diện tích khoảng 705 m2 trong khu đất của EVN Hà Nội, tăng 260 m2 so với phương án đề xuất ban đầu. Cửa số lên xuống số 2 và tháp thông gió số 2 được bố trí trên đường Trần Nguyên Hãn như phương án ban đầu...

UBND TP. Hà Nội giao Ban Quản lý đường sắt đô thị cùng đơn vị tư vấn chung của dự án phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện phương án quy hoạch tổng thể mặt bằng nhà ga ngầm C9 để báo cáo theo quy định.

* Trước đó, như Người Đô Thị đã đưa tin, UBND TP Hà Nội đã có văn bản gửi các Bộ, ngành liên quan như Bộ Văn hóa thể thao và du lịch, Giao thông, Xây dựng, Tư pháp và Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng về quy hoạch ga ngầm C9 - hồ Hoàn Kiếm thuộc tuyến đường sắt đô thị số 2 (Nam Thăng Long- Trần Hưng Đạo).

Người dân tham quan, góp ý về Quy hoạch tổng mặt bằng ga ngầm C9. Ảnh: Người Lao Động

Người dân tham quan, góp ý về Quy hoạch tổng mặt bằng ga ngầm C9. Ảnh: Người Lao Động

Ba phương án tổng quy hoạch ga ngầm C9 được UBND TP Hà Nội đưa ra gồm: Phương án 1: Nghiên cứu bố trí ga C9 ra ngoài vùng bảo vệ II của di tích hồ Hoàn Kiếm; Phương án 2: Đây là phương án ban đầu, ga C9 được đặt trước trụ sở Tổng công ty Điện lực Hà Nội, nằm ngầm dưới đường Đinh Tiên Hoàng và vườn hoa bờ hồ Hoàn Kiếm; Phương án 3: Ga ngầm C9 được bỏ hoặc lùi thời điểm xây dựng sau khi tuyến đường sắt đô thị số 2 đi vào vận hành.

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2, sử dụng vốn vay ODA của Nhật Bản, được UBND TP phê duyệt năm 2008, đến nay, dự án đã kéo dài gần 11 năm. Dự án có chiều dài 11,5 km trong đó có 2,6 km đi trên cao và 8,9 km đi ngầm, có 3 ga trên cao từ C1 đến C3 và 7 ga ngầm từ C4 đến C10. Hiện tất cả các hạng mục tuyến, Depot và các ga đã được phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng, riêng tổng mặt bằng ga ngầm C9 đặt tại khu vực Hồ Gươm (đặt ngầm dưới đường Đinh Tiên Hoàng và một phần diện tích vườn hoa cây xanh Bờ Hồ phía trước Tổng Công ty Điện lực thành phố Hà Nội) chưa được phê duyệt do chưa nhận được sự thống nhất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về nội dung liên quan đến khu vực bảo vệ II của di tích Hồ Hoàn Kiếm theo quy định của Luật Di sản Văn hóa.

Ga ngầm C9 được đề xuất đặt tại vị trí Km9 + 864,645, trong khu vực khuôn viên công viên bờ hồ Hoàn Kiếm. Thân ga chính được bố trí ngầm dưới phố Đinh Tiên Hoàng, phần dưới vườn hoa bờ hồ Hoàn Kiếm có kích thước dài 150m, rộng 21,4m, sâu 17,45m và có 3 tầng (tầng trung chuyển, tầng thiết bị và tầng ke ga). Khoảng cách ngắn nhất từ thân ga C9 tới Hồ Gươm là khoảng 10m; tới tượng đài tưởng niệm Cảm tử quân khoảng 81m; tới đền Bà Kiệu khoảng 83m; tới Tháp Bút khoảng 36m; tới vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ khoảng 120m.

Tháng 3.2021, lãnh đạo TP Hà Nội chỉ đạo Ban quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội và các đơn vị liên quan nghiên cứu ba phương án quy hoạch ga C9 và đề xuất báo cáo UBND TP xem xét trong tháng 3.2021, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Tr.Văn

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/ga-ngam-c9-duoc-dua-ra-khoi-vung-bao-ve-di-tich-34218.html