'Gã khổng lồ' công nghệ Meta bứt tốc trong cuộc đua thực tế ảo

Meta Platforms lần đầu tiên chia sẻ hệ điều hành của tai nghe Quest với các nhà sản xuất thiết bị đối thủ, trong nỗ lực mở rộng ảnh hưởng của hãng trong ngành công nghiệp thực tế ảo

Biểu tượng công ty Meta và trang mở đầu của mạng xã hội Threads. Ảnh: AFP/TTXVN

Meta Platforms lần đầu tiên chia sẻ hệ điều hành của tai nghe Quest với các nhà sản xuất thiết bị đối thủ, bao gồm cả "đại gia" Microsoft, trong nỗ lực mở rộng ảnh hưởng của hãng trong ngành công nghiệp thực tế ảo và thực tế hỗn hợp đang nổi lên.
Meta cho hay sẽ cho phép các doanh nghiệp đối tác sử dụng hệ điều hành Meta Horizon OS để phát triển thiết bị tai nghe của họ. Hệ điều hành này mang lại các khả năng như nhận dạng cử chỉ, nghe xuyên âm, hiểu bối cảnh và liên kết không gian với các thiết bị chạy trên hệ điều hành.

Meta Horizon OS bao gồm Horizon Store, được đổi tên từ Quest Store, để tải xuống các ứng dụng và trải nghiệm. Nền tảng này sẽ hoạt động cùng với một ứng dụng đồng hành trên thiết bị di động hiện được gọi là ứng dụng Meta Horizon.
Theo Meta, các đối tác Asus và Lenovo sẽ sử dụng hệ điều hành này để xây dựng các thiết bị phù hợp cho các hoạt động cụ thể. Meta cũng đang sử dụng hệ điều hành này để tạo ra một phiên bản giới hạn của tai nghe Quest được lấy cảm hứng từ máy chơi game Xbox của Microsoft.
Meta cho thấy tham vọng trong việc sở hữu nền tảng điện toán cung cấp năng lượng cho các thiết bị thực tế ảo (VR) và thực tế hỗn hợp (MR), tương tự cách Google vươn lên trên thị trường điện thoại thông minh qua việc biến hệ điều hành Android trên thiết bị di động thành mã nguồn mở.
Mảng kinh doanh VR của Meta là một trong những bên hưởng lợi từ chiến lược của Google, vì bản thân Meta Horizon OS cũng dựa trên Android.
Theo Meta, Republic of Gamers của ASUS đang phát triển một tai nghe chơi game và Lenovo đang phát triển một thiết bị MR phục vụ sản xuất và học tập và giải trí sử dụng Horizon OS. Giám đốc điều hành (CEO) Mark Zuckerberg cho biết có thể mất vài năm để ra mắt các thiết bị này. Cho đến nay, tai nghe VR và MR có tỷ lệ sử dụng hạn chế, chủ yếu được cộng đồng game thủ và một số doanh nghiệp chọn lọc sử dụng để đào tạo hoặc phục vụ hội nghị từ xa.
Meta hiện là đơn vị dẫn đầu thị trường trong lĩnh vực này nhưng đang bắt đầu phải đối mặt với nhiều áp lực hơn. Đối thủ lâu năm của hãng là Apple đã tham gia thị trường vào đầu năm nay với tai nghe Vision Pro giá 3.499 USD, trong khi Google cũng được cho là đang phát triển một nền tảng Android cho các thiết bị VR và MR.
Trước đó, Meta đã phát hành các phiên bản đầu tiên của mô hình ngôn ngữ lớn mới nhất có tên Llama 3 và một trình tạo hình ảnh cập nhật theo thời gian thực khi người dùng nhập yêu cầu, giữa lúc công ty đang nỗ lực chạy đua để bắt kịp OpenAI - công ty dẫn đầu thị trường trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh.
Trong một bài đăng trên blog chính thức, công ty cho biết các mô hình sẽ được tích hợp vào trợ lý ảo Meta AI của họ, khẳng định trợ lý AI này thông minh hơn và nhanh hơn nhờ những tiến bộ của Llama 3.
Ông Zuckerberg cho rằng Meta AI hiện là trợ lý AI thông minh nhất mà người dùng có thể tự do sử dụng.
Meta khẳng định sẽ phát triển và tung ra công nghệ AI tạo sinh theo cách có thể dự đoán và giảm thiểu rủi ro. Nỗ lực đó bao gồm việc kết hợp các biện pháp bảo vệ trong cách Meta thiết kế và phát hành các mô hình Llama, cũng như thận trọng khi bổ sung các tính năng AI tạo sinh cho Facebook, Instagram, WhatsApp và Messenger.
Trong quý kết thúc vào ngày 31/12/2023, Meta Platforms đã ghi nhận mức tăng doanh thu đáng kể lên 40,1 tỷ USD, tăng 25% so với năm trước và vượt qua ước tính 39,01 tỷ USD. Doanh thu từ quảng cáo, một chỉ số hiệu suất quan trọng, đã đạt 38,71 tỷ USD, vượt xa kỳ vọng của các nhà phân tích.
Thu nhập ròng trong quý trên đã tăng vọt 201% so với cùng kỳ năm 2022, lên tới 14,02 tỷ USD, với thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) được báo cáo là 5,33 USD/cổ phiếu, cao hơn mức dự báo là 4,91 USD/cổ phiếu.

Minh Anh (Theo AP)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/ga-khong-lo-cong-nghe-meta-but-toc-trong-cuoc-dua-thuc-te-ao/330898.html