Franconomics-2023: Cơ hội và thách thức của quá trình chuyển đổi số

Khoa Quốc tế Pháp ngữ (IFI) - Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp cùng Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF), Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF), Viện Quốc tế Pháp ngữ (2IF) - Đại học Jean Moulin Lyon 3 đồng tổ chức Diễn đàn quốc tế Franconomics-2023 với chủ đề 'Nhân văn số: Cơ hội và thách thức trong quá trình chuyển đổi số', diễn ra vào ngày 17-18/10/2023 tại Hà Nội.

Các đại biểu tham dự diễn đàn Franconomics 2023.

Franconomics là diễn đàn quốc tế thường niên do IFI khởi xướng, được Đại học Quốc gia Hà Nội bảo trợ. Không chỉ là không gian đối thoại quốc tế đa ngành về lý luận và thực tiễn trong các chủ đề mang tính thời sự kinh tế – xã hội; Franconomics còn là nơi giao lưu văn hóa, tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa các đơn vị trong nước và Quốc tế, và là cơ hội kết nối giữa các nhà khoa học, doanh nhân, nhà nghiên cứu, nhà đầu tư, nhà hoạch định chính sách trong và ngoài nước, đặc biệt với sự tham gia của các quốc gia Cộng đồng Pháp ngữ (88 quốc gia thành viên và quan sát viên), Franconomics còn hướng đến mục tiêu kết nối Việt Nam với cộng đồng quốc tế thông qua các hội nghị, diễn đàn thường niên về các chủ đề kinh tế, xã hội nổi bật mà Việt Nam và thế giới quan tâm.

Công nghệ hiện đại đang góp phần hỗ trợ cho sự phát triển không ngừng của các quốc gia trên thế giới. Việc ứng dụng kỹ thuật số, khoa học máy tính vào quá trình nghiên cứu, quản lý, lưu giữ và bảo tồn các giá trị văn hóa, ngôn ngữ, nhân văn… đã trở nên ngày càng quan trọng hơn trong một xã hội văn minh và tiến bộ. Trong bối cảnh chuyển đổi, khoa học xã hội và nhân văn có nhiều cơ hội phát huy thế mạnh của mình trong việc trang bị cho lực lượng lao động công nghiệp 4.0 những kỹ năng mềm/kỹ năng chuyển đổi giúp tận dụng hiệu quả những thành tựu khoa học kỹ thuật mang lại. Nhân văn số ra đời giúp kết nối các nhà nghiên cứu thông qua việc ứng dụng công nghệ mới vào các ngành khoa học nhân văn, gìn giữ các nền văn hóa và xa hơn nữa là thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của nhân loại trong tương lai.

Các không gian thảo luận song song.

Khái niệm về nhân văn số (digital humanities) đã manh nha xuất hiện vào những năm 40 của thế kỷ XX, khi một số nhà nghiên cứu bắt đầu nghĩ đến việc sử dụng các kỹ thuật tính toán, khoa học máy tính, khoa học tự nhiên vào nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn. Tuy nhiên, khi công nghệ phát triển thì những ứng dụng theo nó cũng có rất nhiều sự thay đổi. Vì vậy, ở mỗi thời kỳ, khái niệm nhân văn số đều được điều chỉnh lại và sử dụng cho phù hợp. Tuy nhiên, một định nghĩa có phần dễ hiểu và được sử dụng rộng rãi là: nhân văn số là lĩnh vực nghiên cứu có sự kết hợp giữa khoa học máy tính và các ngành thuộc khoa học nhân văn. Một số ngành nhân văn tiêu biểu có thể kể đến như: ngôn ngữ học, văn học, tôn giáo, nghệ thuật, nhân học, văn hóa…

Tại Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung, nhân văn số là một lĩnh vực nghiên cứu còn khá mới mẻ. Việc ứng dụng các thành tựu kỹ thuật số và khoa học máy tính vào nghiên cứu các ngành nhân văn đang trở nên cần thiết và quan trọng hơn bao giờ hết trong một xã hội văn minh và tiến bộ. Nhân văn số đóng vai trò quan trọng trong công tác quản lí và gìn giữ tư liệu, bảo tồn giá trị văn hóa lịch sử, di sản, ngôn ngữ, phát huy giá trị các nền văn minh xã hội và xa hơn nữa là khả năng bồi dưỡng tiềm năng con người; thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của nhân loại trong tương lai.

Nhân văn số có nhiều ưu điểm và lợi ích khi áp dụng, như hỗ trợ quảng bá văn hóa; khả năng lưu trữ, kết nối nhiều nguồn tài nguyên cũng như các nhà khoa học trên không gian số. Dưới tác động của nhân văn số, ảnh hưởng cộng đồng của các ngành nhân văn trở nên mạnh mẽ và rộng lớn hơn thông qua các hoạt động truyền thông, quảng bá. Tuy nhiên, cũng tồn tại một số hạn chế trong lĩnh vực này như sự mất mát dữ liệu trong quá trình chuyển đổi, vấn đề đạo đức trong việc sử dụng dữ liệu, việc duy trì bảo tồn các nguồn lực và dự án, vấn đề thay đổi tư duy nhận thức… Sự phát triển của trí thông minh nhân tạo đặt ra những câu hỏi cần sự giải đáp của các chuyên gia trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn nhằm đảm bảo tiến bộ khoa học đi cùng tính nhân bản. Để có thể tận dụng tốt nhất những tiến bộ công nghệ do cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại, chúng ta cần có sự liên kết chặt chẽ giữa khoa học xã hội và nhân văn với các ngành khoa học tự nhiên và công nghệ.

Phát biểu khai mạc tại diễn đàn, PGS.TS Nguyễn Hoàng Hải - Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định: Franconomics là diễn đàn quốc tế thường niên có mục đích kết nối các trường Đại học - Doanh nghiệp - Địa phương trong và ngoài Cộng đồng Pháp ngữ. Năm 2023 đánh dấu lần thứ 5 tổ chức thành công của thương hiệu học thuật Franconomics. Chủ đề của Diễn đàn năm nay tập trung khai thác khái niệm “nhân văn số” (digital humanities), đã manh nha xuất hiện vào những năm 40 của thế kỷ XX, nhưng vẫn còn khá mới mẻ tại Việt Nam. Trong bối cảnh chuyển đổi số với sự hiện diện đáng kể của ngày càng nhiều các công nghệ hiện đại, khoa học xã hội và nhân văn có nhiều cơ hội phát huy thế mạnh của mình, đặc biệt trong việc giúp kết nối các nhà khoa học, nhà nghiên cứu thông qua việc ứng dụng công nghệ mới vào các ngành khoa học nhân văn, gìn giữ các nền văn hóa và xa hơn nữa là thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của nhân loại trong tương lai. Nhân văn số không chỉ đơn thuần là việc sử dụng công nghệ, mà còn là việc đảm bảo rằng con người vẫn đóng vai trò trung tâm trong mọi hoạt động.

Đại học Quốc gia Hà Nội, với vai trò là một trung tâm/cơ sở giáo dục hàng đầu Việt Nam, có trách nhiệm lớn trong việc đào tạo và truyền đạt tri thức cho thế hệ trẻ, đặc biệt là trang bị cho các cá nhân những kỹ năng cần thiết để định hướng trong các lĩnh vực kỹ thuật số một cách có trách nhiệm và có đạo đức. Bằng cách tích hợp kiến thức số vào hệ thống giáo dục của mình, Đại học Quốc gia Hà Nội có thể trao quyền cho thế hệ tiếp theo trở thành những công dân số có trách nhiệm, những người hiểu được tầm quan trọng của sự đồng cảm, tôn trọng và hòa nhập trong không gian số.

“Với sự thành công mà Franconomics đã đạt được trong 5 năm qua, tôi tin tưởng rằng những kết quả mà Diễn đàn quốc tế Franconomics lần thứ V năm nay mang lại sẽ càng làm tăng uy tín, và góp phần đưa Franconomics trở thành một thương hiệu không chỉ của Khoa Quốc tế Pháp ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội mà của cả cộng đồng khối Pháp ngữ”, PGS.TS Nguyễn Hoàng Hải - Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh.

Ngoài Diễn đàn chính với 03 không gian thảo luận song song, Franconomics-2023 được tiếp nối bằng Hội thảo quốc tế Chuyển đổi số và vấn đề an ninh con người và tham quan thực địa về quy trình lưu trữ, bảo tồn và số hóa tại Hoàng thành Thăng Long. 3 không gian thảo luận gồm: Chuyển đổi số văn hóa; Công nghệ số và kinh tế xã hội; Thanh niên trong xã hội số.

Franconomics là diễn đàn quốc tế thường niên do IFI khởi xướng, được Đại học Quốc gia Hà Nội bảo trợ. Không chỉ là không gian đối thoại quốc tế đa ngành về lý luận và thực tiễn trong các chủ đề mang tính thời sự kinh tế – xã hội; Franconomics còn là nơi giao lưu văn hóa, tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa các đơn vị trong nước và quốc tế, và là cơ hội kết nối giữa các nhà khoa học, doanh nhân, nhà nghiên cứu, nhà đầu tư, nhà hoạch định chính sách trong và ngoài nước. Chủ đề của Franconomics qua các năm: 2019: Công nghệ số cho sự phát triển kinh tế - xã hội thông minh 2020: Từ khởi nghiệp cho đến khởi nghiệp thông minh 2021: Những thách thức của chuyển đổi số với việc tiếp cận công bằng các dịch vụ thiết yếu trong thời đại Covid-19 2022: Kinh tế tuần hoàn và những cơ hội hợp tác trong không gian Pháp ngữ 2023: Nhân văn số: Cơ hội và thách thức trong quá trình chuyển đổi số

Diệu Anh

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/franconomics-2023-co-hoi-va-thach-thuc-cua-qua-trinh-chuyen-doi-so-362802.html