Fintech và Ngân hàng truyền thống: Cạnh tranh hay hợp tác sẽ có lợi?

Vẫn còn một bộ phận lớn khách hàng, có thể chiếm tới 70-80% dân số nằm ngoài vùng phủ sóng của ngân hàng. Đây là cơ hội cho các

công ty kinh doanh dịch vụ tài chính dựa trên nền tảng công nghệ (fintech) hợp tác lấp chỗ trống hoặc thay thế ngân hàng phục vụ đối tượng này.

Theo trào lưu bùng nổ công nghệ trên toàn thế giới, thời gian qua, một số tổ chức không phải là ngân hàng với lợi thế về mặt công nghệ (fintech) tham gia vào việc cung ứng những dịch vụ tài chính hiện đại cho người dùng, trong đó có dịch vụ thanh toán điện tử. Lợi thế của các công ty Fintech nằm ở việc áp dụng công nghệ để đổi mới trên nền tảng di động và internet, gia tăng sự thuận tiện, khả năng tiếp cận dịch vụ cũng như tạo ra các sản phẩm tài chính tùy chỉnh phù hợp hơn cho khách hàng… Xu hướng này giúp cho người dân tiếp cận dễ dàng hơn với các dịch vụ ngân hàng nói chung và các phương tiện thanh toán mới nói riêng, góp phần tăng cường tiếp cận tài chính toàn diện.

Các Ngân hàng có nên coi Fintech là đối thủ?

Mới đây những trao đổi sôi nổi tại diễn đàn Thanh toán điện tử 2016 (VEPF 2016) do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Báo điện tử VnExpress và Công ty Cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) phối hợp tổ chức ngày 24/11 cho thấy sự trỗi dậy của làn sóng fintech đang nhận được sự quan tâm rất lớn của lãnh đạo các Ngân hàng và cả NHNN.Khi nhắc đến Fintech, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến những công ty hoạt động trong lĩnh vực thanh toán trực tuyến hay ví điện tử với một số đại diện đi đầu, có thể kể đến như VTCPay, Ngân lượng, Bảo Kim, 1Pay, Momo,.. Các đơn vị này cung cấp các tiên ích hiện đại cho người tiêu dùng như ví điện tử giúp khách hàng có thể chuyển, nhận tiền cho nhau hoặc thanh toán nhiều loại dịch vụ công nghệ số, thanh toán đa dạng các loại hóa đơn trong đời sống hằng ngày hay cổng thanh toán trở thành trung gian thanh toán cho hoạt động thương mại điện tử,…Fintech đang dần trở thành một mối đe dọa cho các ngân hàng và nếu các tổ chức tín dụng không nắm bắt được công nghệ tiên tiến rất có thể sẽ tụt lại phía sau trong vài năm tới.

Tuy nhiên, nếu các Ngân hàng bắt tay với Fintech, biến Fintech trở thành cánh tay nối dài tới những đối tượng dùng chưa có tài khoản ở ngân hàng truyền thống thì sẽ mang lại trải nghiệm tốt, linh hoạtvới công nghệ tiên tiếncho khách hàng. Lấy ví dụ như mới đây, ngày 28/11, VTC Intecom – đơn vị chủ quản Ví điện tử VTC Pay ra mắt một tính năng vô cùng mới mẻ và hiện đại “Rút tiền Ví điện tử VTC Pay tại ATM Ngân hàng Sacombank”. Đây là đơn vị đầu tiên cung cấp tiện ích này trên thị trường, giúp rút ngắn khoảng cách giữa tiền điện tử và tiền mặt, giữa những người ở xa có nhu cầu chuyển tiền cho nhau và rộng hơn là giữa Fintech và Ngân hàng truyền thống. Với tiện ích này, những người sử dụng Ví điện tử VTC Pay có thể chuyển tiền cho người thân bạn bè hay rút tiền Ví điện tử VTC Pay dễ dàng, nhanh chóng tại hơn 900 ATM Ngân hàng Sacombank trên toàn quốc.

VTC Intecom là đơn vị đầu tiên trên thị trường cung cấp tính năng Rút tiền Ví điện tử
tại ATM Ngân hàng Sacombank

Từ ví dụ trên có thể thấy những công ty Fintech đã và đang đi theo hướng thay thế kênh truyền thống bằng cách giảm chi phí, tăng độ tiện dụng, trải nghiệm của khách hàng và khai thác thị trường mới thông qua công nghệ, đặc biệt là đối với phân khúc khách hàng cá nhân. Với thị trường Việt Nam khi tỷ lệ phổ cập dịch vụ tài chính của người dân còn rất thấp, nhất là khu vực nông thôn thì phổ cập dịch vụ tài chính sẽ là xu hướng chính trong thời gian tới.

Vậy câu hỏi được đặt ra liệu các ngân hàng tại Việt Nam nên làm gì trước xu thế phát triển của Fintech: Cạnh tranh hay hợp tác để cùng phát triển?

Việt Cường

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/fintech-va-ngan-hang-truyen-thong-canh-tranh-hay-hop-tac-se-co-loi/