Fed tăng lãi suất, chính sách tiền tệ của Việt Nam sẽ ra sao?

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam là một trong những Ngân hàng Trung ương đầu tiên đi ngược chiều chu kỳ chính sách tiền tệ của các nước trên thế giới. Thời gian tới NHNN sẽ tiếp tục giảm lãi suất nếu có điều kiện để hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Sau một tháng tạm dừng, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) thông báo nâng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản (0,25%). Lãi suất tham chiếu tại Mỹ hiện vào khoảng 5,25-5,5% - cao nhất kể từ năm 2001. Đồng thời, cơ quan này cho biết, dù lạm phát đã hạ nhiệt so với mức đỉnh, nhưng cuộc chiến vẫn chưa kết thúc, do đó Chủ tịch Fed Jerome Powell ra tín hiệu thắt chặt thêm lần nữa trong tháng 9 năm nay.

Fed đánh giá, thị trường việc làm vẫn mạnh và nền kinh tế tăng trưởng ở mức độ "vừa phải". Đánh giá này lạc quan hơn so với tháng 6, khi quan chức Fed cho rằng tăng trưởng ở mức "khiêm tốn".

Đây cũng là đợt tăng lãi suất thứ 11 của Fed kể từ tháng 3/2022. Trước đó, Fed quyết định giữ nguyên lãi suất trong tháng 6 để đánh giá tác động của các động thái thắt chặt tiền tệ tới nền kinh tế sau vụ sụp đổ của ba ngân hàng địa phương hồi đầu năm.

NHNN khẳng định sẽ tiếp tục giảm lãi suất nếu có điều kiện.

Động thái tăng lãi suất của Fed nằm trong dự đoán của các nhà đầu tư và chuyên gia. Trước đó, tại cuộc họp FOMC tháng 6 vừa qua, có tới hơn 2/3 thành viên của FOMC kết luận tiếp tục tăng lãi suất.

Việc Fed tăng lãi suất được ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) nhận định, áp lực tăng lãi suất vẫn còn rất lớn, thậm chí có thể sẽ không như thị trường dự báo rằng Fed chỉ tăng lãi suất 1 lần nữa vào tháng 7 này và sau đó sẽ dừng đà tăng lãi suất.

Làm rõ thêm, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ nói: Mặc dù như các chuyên gia đề cập, chỉ số CPI của Mỹ có vẻ giảm nhưng từ góc độ người lập chính sách là các NHTW trên thế giới, trong đó có Fed, thì điều người ta quan tâm rất nhiều không phải số này, mà thay vào đó là chỉ số lạm phát lõi.

Theo số liệu công bố gần nhất, lạm phát cơ bản của Mỹ trong tháng 6 là 4,8%. Tốc độ này vẫn cao hơn mục tiêu của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) là 2%.

Lạm phát lõi của Mỹ vẫn rất cao – là áp lực đối với việc ra quyết sách của Fed. Hơn nữa, nhìn sâu vào thị trường, thị trường việc làm của Mỹ đang phục hồi tốt. Điều đó cũng nói rằng, tăng trưởng kinh tế Mỹ còn rất nóng, tổng cầu còn tốt, như vậy lạm phát do phía cầu (lạm phát cầu kéo) còn áp lực, vì vậy lạm phát lõi của Mỹ chưa thể "nguội" ngay được. Đó là những bấp bênh trong chính sách toàn cầu. Nhìn sang Châu Âu lạm phát vẫn cao (6-7%), NHTW Châu Âu vẫn tiếp tục tăng lãi suất. Hay nói cách khác, chu kỳ tăng lãi suất chưa chấm dứt ngay như kỳ vọng.

Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho rằng, trong bối cảnh đó, NHNN đã giảm tới 4 lần lãi suất. Đó là quyết định táo bạo và "liều". Bởi lẽ, lạm phát Việt Nam giảm nhưng lạm phát cơ bản 6 tháng vẫn neo cao 4,74%, tốc độ giảm lạm phát cơ bản chậm. Điều đó cho thấy mức độ "dính" của lạm phát rất cao ở Việt Nam.

"Năm nay lạm phát bình quân có thể kiểm soát nhưng độ trễ của chính sách và câu chuyện lo lắng của lạm phát đối với nhà điều hành không chỉ dừng ở năm 2023 mà tiếp tục trong năm 2024”, ông Quang nói.

Khẳng định NHNN sẽ tiếp tục giảm lãi suất nếu có điều kiện. Trường hợp NHNN chưa có điều kiện thì các ngân hàng thương mại hạ lãi suất cho vay trên cơ sở giảm chi phí, những khoản chi có thể để hỗ trợ cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, ông Quang cho biết, NHNN có nhiều quyết sách hỗ trợ như: giảm lãi suất; giữ nguyên nhóm nợ, cơ cấu lại nợ; Thông tư 06 sửa đổi với loạt biện pháp giải pháp đưa ra để tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng…, song trong bối cảnh cầu yếu, chất lượng doanh nghiệp giảm, bản thân nền kinh tế khó khăn,... vì vậy cung và cầu tín dụng khó gặp nhau.

"Để cung – cầu tín dụng gặp nhau thì phải nâng được chuẩn của người đi vay lên. Ngành ngân hàng chúng tôi không làm được. Có một biện pháp rất quan trọng có lẽ Chính phủ đang nghiên cứu là sửa văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các quỹ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, bảo lãnh khoản vay cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, từ đó "đệm của đôi giày" của các doanh nghiệp nhỏ và vừa được nâng lên đủ điều kiện tiếp cận tín dụng.

Cùng với đó, chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế khác có thể hỗ trợ thúc đẩy các doanh nghiệp nhỏ và vừa khơi thông được thị trường, đặc biệt là khơi thông các thị trường xuất khẩu mới, từ đó các doanh nghiệp trong nước có thêm đơn hàng và có cơ hội tiếp tục vay vốn ngân hàng", ông Quang nêu quan điểm.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/fed-tang-lai-suat-chinh-sach-tien-te-cua-viet-nam-se-ra-sao-1094198.html