F0 sử dụng Vitamin và khoáng chất có trong thực phẩm như nào cho hợp lý?

Việc thực hiện dinh dưỡng hợp lý để tăng cường miễn dịch cho cơ thể với người mắc COVID-19 là điều rất quan trọng và cần thiết. Vậy sử dụng vitamin và khoáng chất có trong thực phẩm như thế nào giúp F0 nâng cao thể trạng?

Bộ Y tế đã ban hành Tài liệu hướng dẫn chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại nhà. Trong tình hình có nhiều F0 không triệu chứng hoặc thể nhẹ điều trị tại nhà, ngày 28/8/2021, Bộ Y tế đã ra Quyết định số 4156/QĐ-BYT về việc ban hành Tài liệu hướng dẫn chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại nhà. Tài liệu gồm 2 phần:

- Hướng dẫn chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại nhà;

- Hướng dẫn chế độ tăng cường dinh dưỡng cho người nhiễm COVID-19 tại nhà.

Để hạn chế diễn biến nặng, nguy kịch người bệnh cần được theo dõi thường xuyên và thực hiện chế độ dinh dưỡng đầy đủ. Những trường hợp người bệnh nhiễm COVID-19 không có triệu chứng hoặc thể nhẹ điều trị tại nhà, việc thực hiện, tuân thủ chế độ dinh dưỡng thật sự cần thiết, dinh dưỡng giúp hỗ trợ và cải thiện "hàng rào" bảo vệ cơ thể như tế bào miễn dịch, các kháng thể, da, niêm mạc hô hấp, niêm mạc dạ dày làm tăng sức đề kháng.

Khi bị nhiễm, người bệnh thường có dấu hiệu đột ngột bị mất vị giác hoặc khứu giác, làm giảm khả năng ăn uống do vậy cần bổ sung chế độ dinh dưỡng hợp lý để tránh thiếu hụt về dinh dưỡng dẫn tới suy dinh dưỡng. Vì vậy, việc cung cấp dinh dưỡng cho người bệnh nhiễm COVID-19 nhẹ và không có triệu chứng tại nhà là rất cần thiết, giúp nâng cao thể trạng, tăng cường miễn dịch và hạn chế biến chứng.

Dưới đây là cách sử dụng vitamin và khoáng chất có trong thực phẩm giúp F0 nâng cao thể trạng theo hướng dẫn chuẩn của Bộ Y tế:

Vitamin A

- Duy trì sự toàn vẹn của niêm mạc đường hô hấp và tiêu hóa, tạo kháng thể trên bề mặt niêm mạc.

- Nhu cầu/ngày: Nam: 650mcg; Nữ: 500mcg

- Thực phẩm: Gan (6500mcg), lòng đỏ trứng (140mcg). Vitamin A dưới dạng Beta-caroten như: cà rốt (835mcg), khoai lang (709mcg), bí ngô (369mcg), đu đủ (55mcg), xoài (38mcg), bông cải xanh (800mcg), rau cải bó xôi (681mcg …(Lưu ý thực phẩm thông thường trong khẩu phần ăn hàng ngày có thể cung cấp đủ lượng vitamin A).

Vitamin C:

- Tăng cường miễn dịch, hạn chế sự tiến triển của viêm phổi do virus, cải thiện chức năng hô hấp.

- Nhu cầu/ngày: 85mg

- Thực phẩm: Hoa quả, trái cây và rau tươi như: Bưởi (95mg), chanh (77mg), kiwi (93mg), ổi (62mg), dâu tây (60mg), đu đủ (54mg), cam (40mg), ớt chuông (103-250mg),…

Vitamin D

- Tăng cường hệ thống miễn dịch, hệ tiêu hóa, tuần hoàn và thần kinh.

- Nhu cầu/ngày: 15mcg

- Thực phẩm: Bệnh nhân nên tiếp xúc với ánh nắng 15-30 phút mỗi ngày (phòng thoáng, có cửa sổ có ánh nắng mặt trời). Bổ sung các thực phẩm giàu vitamin D như cá chép, trắm cỏ (24,7mcg); lươn, trạch (23,3mcg); sữa (7,8 - 8,3mcg); lòng đỏ trứng (2,68mcg); và các thực phẩm được bổ sung vitamin D (các loại sữa, ngũ cốc)…

Vitamin E

- Thúc đẩy sự phát triển của các cơ quan miễn dịch.

- Nhu cầu/ngày: Nam 6,5mg; Nữ 6,0mg

- Thực phẩm: Các sản phẩm từ đậu nành, giá đỗ, rau mầm…

Kẽm

- Điều hòa miễn dịch, điều hòa các phản ứng viêm.

- Nhu cầu/ngày: Nam 10mg; Nữ 8mg

- Thực phẩm: Các loại thịt gia cầm, các loại động vật có vỏ và hải sản như: Hàu (31mg); sò (13,4mg); thịt bò (4,05mg); lòng đỏ trứng (3,7mg); sữa bột (3,34-4,08mg); cua ghẹ 3,54mg;…

Các loại hạt: hạt đậu (3,8 -4,0mg); hạt vừng (7,75mg);…

Omega 3

- Cải thiện hệ miễn dịch. Chống viêm

- Nhu cầu/ngày: 2g

- Thực phẩm: Cá mòi, cá hồi, cá basa, cá bơn, cá trích, cá ngừ, hàu, dầu gan cá, hạt macca, hạt óc chó, hạt chia

Flavonoid

- Chống oxy hóa, tăng cường miễn dịch của cơ thể.

- Thực phẩm: Các loại rau gia vị như: húng, tía tô, súp lơ xanh, cải xanh, táo, trà xanh, gừng, tỏi, nghệ, các loại rau lá màu xanh.

Bổ sung lợi khuẩn (Probiotic)

- Tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể.

- Thực phẩm: Phô mai, sữa chua…

Duy Chung

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/f0-su-dung-vitamin-va-khoang-chat-co-trong-thuc-pham-nhu-nao-cho-hop-ly-post185298.html